(TT&VH) - Câu chuyện về những đôi bạn đứng ở 2 đầu chiến tuyến đã trở nên quá cũ trong làng bóng đá thế giới. Ở VN, khái niệm này chỉ thực sự được nhắc đến nhiều hơn với lứa cầu thủ thuộc “thế hệ vàng”, khi họ bắt đầu thành danh với nghiệp huấn luyện. Lần này là Công Minh và Quang Hà, bộ đôi cầu thủ đá biên phải của ĐTVN trước đây.
Công Minh nhận bóng từ trung vệ, anh giữ lại một nhịp, rồi nhìn về phía Quang Hà. Cú lốp bóng qua đầu tiền đạo đối phương, tạo điều kiện cho Hà băng xuống và tạt bóng. Đó là bài đánh bên hành lang cánh phải của ĐTVN, nơi có Minh và Hà, chơi gắn kết.
Phải thừa nhận rằng, không ít các tình huống tạt bóng của Quang Hà, bóng đi về phía… sau cầu môn. Khi có dịp, Công Minh cũng táo bạo băng lên, để người bạn chồng biên. Cái trụ của Công Minh tốt hơn, cổ chân phải cũng dẻo hơn Hà, nên phần trăm ăn bàn từ những quả tạt biên phải của Công Minh cao hơn hẳn so với bạn. Rồi cú đột thẳng vào trung lộ và quăng mu của Minh cũng hiểm hơn Hà một bậc.
Hôm 2 người trở lại là đồng đội của nhau trong trận giao hữu giữa các HLV và phóng viên thể thao làm việc tại T&T Cup hồi tháng 11/2008, người ta mới biết rằng các kỹ năng chơi bóng của Quang Hà đến hôm nay mới… hoàn thiện. Trong khi ấy, Công Minh với “phom” người còn rất chuẩn, chạy như không biết mệt và cũng còn rất quái.
Chúng tôi đang nói về Công Minh, Quang Hà, 2 vị trí gần như bất di bất dịch ở hàng lang phải của ĐTVN cách đây gần 1 thập kỷ. Với lối chơi bóng đơn giản, ít chạm và việc đảm bảo tròn vai luôn là tiêu chí tối thượng, Minh và Hà hiểu nhau như chân với tay.
Cả 2 giải nghệ khá muộn, rồi vừa học vừa làm. Trong khi Hà “tí tồ” còn miệt mài với chuyện đèn sách ở Trường ĐH TDTT Từ Sơn, thì Minh đã có những thành công bước đầu với nghiệp huấn luyện. Công Minh vốn cầu thị và cả cầu tiến, nên sau thời gian ngắn tác hợp với Thành Long, anh nhanh chóng xách balô về lại quê hương để bước đầu xây dựng nghiệp cầm quân.
5 trận thắng liên tiếp của Đồng Tháp dưới thời Công Minh khi ấy đủ để anh có “quota” lên làm trợ lý cho Alfred Riedl tại ĐTVN. Và ngay trong lần đầu tiên, Công Minh đã thành công, khi đội bóng của Riedl chơi rất ấn tượng tại T&T - VTV Cup 2006 ở Mỹ Đình.
Hà bắt nhịp chậm, nhưng lại “đỏ” hơn Minh, khi được làm việc cùng với bầu Hiển. Có thể nói, ngay cả khi đã đưa T&T.HN thăng hạng V-League, thì Quang Hà cũng chưa phải gặp những thách thức quá lớn, khi con đường lên chuyên đã được ông bầu dọn sẵn. V-League khác xa so với hạng Nhất và nếu đặt lên bàn cân, thì ĐT.LA của Công Minh (chứ chẳng phải Thể Công hay SHB.ĐN, những đối thủ mà T&T.HN đã gặp ở 2 lượt trận đầu tiên), mới là liều thuốc thử rõ nhất cho khả năng của Quang Hà trên băng ghế huấn luyện, từ độ 2 năm nay.
... hay Quang Hà sẽ có niềm vui sau cuộc chạm trán ĐT.LA – T&T HN?
Cho đến bây giờ, Công Minh vẫn có tiếng là khá chỉn chu trong cung cách ứng xử. Minh rất hiếm khi để ai phải mếch lòng. Nếu một người bạn mời Minh tô phở, tối đó (hay là dịp ngay sau đó), Minh sẽ mời lại bạn nồi lẩu “xí-quắt” của người miền Tây, mặc cho anh không uống được rượu bia. Hà “tí tồ” thì thoáng hơn.
Với Công Minh, một trận đấu có thể đội bóng không thắng, song chắc chắn không thể thua. Minh ý thức được hàng thủ của ĐT.LA không mạnh như các đối thủ, nên phương án lấy tấn công làm phòng ngự luôn được thực thi. Tất cả nhằm giảm tải sức ép lên cầu môn của Santos.
Và khi trở lại bài phòng ngự phản công sở trường, “Gạch” luôn cực hiểm với 5 vị trí tấn công thuộc hàng hiệu ở VN hiện nay. Còn Quang Hà và T&T.HN, có thể thấy rõ sức sống của đội bóng, đang dựa trên nền tảng thuần túy của các nội binh.
Phần này thì lỗi tại Hà, khi đáng nhẽ ra với kênh quan hệ khá tốt với các ngoại binh, T&T.HN phải có những gương mặt khả dĩ hơn, thay vì đến “hàng thải” Valdinei (cựu cầu thủ SLNA) vẫn được xem là đắt giá nhất đội bóng.
Trận đấu tại Long An sẽ rất đỗi bình thường với Công Minh, song nó có thể là canh bạc tất tay với Hà “tí tồ”, nếu anh có ý định tạo hiệu ứng tâm lý tốt cho đội bóng, khi gặp những đối thủ lớn.
TRẦN HẢI