Khi Cống hiến mang ý nghĩa chiến thắng

17/02/2025 06:20 GMT+7 | Thể thao

Những đề cử của giải thưởng Cống hiến thể thao năm 2024 do báo Thể thao & Văn hoá vừa công bố mang đến một màu sắc rất riêng cho thể thao đỉnh cao Việt Nam. Ngoài sự vượt trội của các gương mặt nữ, thì các đề cử cũng tập trung nhiều vào những môn thể thao Olympic, có độ khó rất cao. Điều đó cũng cho thấy được các kỳ vọng từ những người tổ chức.

Trong số các môn/nhóm môn xuất hiện trong những hạng mục đề cử của giải Cống hiến năm nay, có lẽ ngoài bắn súng, thì các môn còn lại gần như không thể vươn đến đẳng cấp thế giới, ít nhất là trong tương lai gần.

Canoeing, bóng chuyền, chạy tốc độ điền kinh hay bơi … đều nằm trong nhóm "Elite" của thể thao đỉnh cao thế giới. Chúng ta cũng có những nhà vô địch châu Á ở các môn này, nhưng sòng phẳng mà nói, có những giới hạn gần như không thể vượt qua đối với VĐV Việt Nam, nhất là ở khía cạnh thể chất và điều kiện đầu tư.

Ngay như bắn súng, với sự góp mặt của nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh, thì dù nằm trong số các môn được xem là thế mạnh, có truyền thống và lực lượng VĐV kế thừa liên tục, có thành tích bảo chứng từ chiếc HCV Rio 2016 của Hoàng Xuân Vinh, thì con đường vươn đến tầm vóc thế giới hãy còn rất gian nan. Gần 10 năm sau kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh, chúng ta mới có Trịnh Thu Vinh tiệm cận với việc tranh huy chương Thế vận hội.

Điển hình như môn bơi. Võ Thị Mỹ Tiên đang thống trị đường đua xanh trong nước, từng xô đổ các kỷ lục lứa tuổi của "kình ngư" Ánh Viên, nhưng thực tế thì Mỹ Tiên vẫn còn có khoảng cách với đàn chị của mình cả về thành tích lẫn hình thể. Ở tuổi 20, Mỹ Tiên vẫn tự tin gánh vác những trọng trách mà Ánh Viên để lại, nhưng phải nói là cuộc hành trình chinh phục đỉnh cao của Mỹ Tiên khó khăn hơn gấp bội do sự cạnh tranh quá khốc liệt của môn thể thao đòi hỏi vô số yếu tố đặc thù này.

Khi Cống hiến mang ý nghĩa chiến thắng  - Ảnh 1.

Trịnh Thu Vinh là một trong số các đề cử đáng chú ý của giải Cống hiến thể thao năm 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Việc chọn lựa các đề cử cho giải Cống hiến thể thao năm nay của các nhà tổ chức dường như cũng là cách mà chúng ta gửi gắm niềm hy vọng. Đầu tiên, đó là nâng cao các tiêu chuẩn thông thường cho kỷ nguyên mới. Thể thao Việt Nam không thể vươn tầm nếu không thực sự quyết tâm "tiến công" vào các môn thể thao Olympic một cách quyết liệt nhất.

Đã đến lúc, những người làm thể thao và cả công chúng không chỉ thay đổi cách thức đầu tư mà cũng phải có cả những hành động cổ vũ, ủng hộ thiết thực đối với những môn thể thao trọng điểm. Càng khó, càng cần được quan tâm nhiều hơn. Hãy tôn vinh họ khi có thể, như các đề cử của Cống hiến thể thao đang làm.

Trên tinh thần đó, đề cao sự cống hiến của các VĐV ở những môn khó, cũng là cách để thể thao Việt Nam có thể hoàn thành những mục tiêu cho chiến lược vươn tầm từ nay đến 2045. Hay nói cách khác, sự cống hiến của các VĐV mang ý nghĩa quan trọng cho những chiến thắng sau này.

Thể thao Việt Nam vẫn đang trong quá trình đổi mới, tỷ trọng đầu tư không nhiều nếu so với một số quốc gia trong khu vực, nhưng chúng ta lại có một ưu thế về tinh thần, với sự nỗ lực rất lớn từ VĐV để qua đó, thu hẹp dần các khoảng cách về trình độ và đặt những dấu ấn lớn trên các đấu trường quốc tế. Tôn vinh tinh thần cống hiến của các VĐV cũng là cách để tiếp thêm sức mạnh cho họ để tiếp tục vượt qua những giới hạn.

Thế nên, giới hâm mộ thể thao hẳn sẽ vui khi thấy 3 đề cử ở hạng mục "Gương mặt trẻ của năm" đều là những cô gái chơi các môn Olympic. Họ mang đến những tín hiệu lạc quan, cho thấy tiềm năng phát triển của thể thao Việt Nam vẫn còn lớn, luôn có tính kế thừa ổn định. Họ chính là những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, biết cách chấp nhận những thách thức và cống hiến tuổi trẻ của mình cho niềm đam mê.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm