Khi chữ 'thần tượng' nhỏ đi

05/09/2014 08:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chữ “thần tượng” trước đây vốn to lớn, thiêng liêng, nay đã được bình thường hóa. Thứ nhất, vì thần tượng thời nay đã quá nhiều, không hiếm như thời trước. Thứ hai, chữ “thần tượng” đang được dùng cho các ngôi sao K-pop có một khác biệt nhỏ với chữ “thần tượng” mà người Việt Nam dùng trước khi “văn hóa thần tượng” xuất hiện.

Khái niệm “thần tượng” (idol) trong làng giải trí Hàn Quốc được dùng để phân biệt các ca sĩ K-pop, diễn viên trẻ đóng phim thần tượng. Phim thần tượng nôm na là những phim tình cảm dành cho tuổi teen, diễn viên xinh đẹp, nội dung nhẹ nhàng. Nhạc thần tượng cũng na ná thế. Có những chàng trai, cô gái chưa đến tuổi teen ở Hàn Quốc được đào tạo để trở thành “thần tượng”.

Ví dụ, các nhóm nhạc như SNSD, Super Junior, IU… là thần tượng, còn các ca sĩ rock, rap (như Psy) hay các dòng nhạc truyền thống Hàn Quốc lại không phải. Yoon A, Kim Soo Hyun (trước đây)… là diễn viên thần tượng còn các diễn viên đàn anh, đàn chú như Bae Yong Joon, Won Bin… lại không.

Chính người hâm mộ K-pop cũng thể hiện sự phân biệt này khi nói nhóm nhạc, ca sĩ mà họ hâm mộ không chỉ là “thần tượng”, mà là “nghệ sĩ”, chứng tỏ “nghệ sĩ” được đặt cao hơn “thần tượng”.

Trong khi đó, chữ “thần tượng” với thế hệ đi trước lại rất khác. Khi Richard Clayderman đến Hà Nội biểu diễn, công chúng Việt Nam nói họ biết hoặc yêu quý âm nhạc của ông. Nhưng nhận đích danh ông là “thần tượng”, nói về âm nhạc của ông với niềm đam mê lớn thì không có nhiều người.

Bởi chữ “thần tượng” ở đây không chỉ là nhân vật mà người ta yêu quý, mà còn là nhân vật có ảnh hưởng đến cả tuổi trẻ, cả cuộc đời, thậm chí thay đổi cuộc đời của người nhận họ là thần tượng.

Còn ngày nay, giới trẻ gọi các ngôi sao K-pop là “thần tượng”, nhưng chữ “thần tượng” này đã mang một nghĩa khác, đại chúng hơn. Vì như lý giải ở trên, những ca sĩ, nhóm nhạc K-pop vừa ra đời đã sẵn là “thần tượng”, không cần đợi đến khi có người hâm mộ. Cũng tương tự khi một chương trình thi tài năng lấy tên là “Thần tượng âm nhạc”, dù đôi khi cả người chiến thắng cuộc thi đó chưa xứng tầm để trở thành thần tượng của bất cứ ai.

Chữ “thần tượng” ngày nay hào nhoáng hơn. Các thần tượng đẹp đẽ đến không tì vết trên những bức ảnh, các đoạn phim và trên sân khấu. Cách hâm mộ cũng hào nhoáng hơn. Người hâm mộ tụ tập thật đông, chờ cả ngày trong mưa để thấy thần tượng ít phút, hoặc trực cả ngày đêm trước cổng khách sạn chỉ với một hy vọng mong manh rằng thần tượng sẽ ngẫu nhiên xuất hiện.

Họ làm thế vì tình yêu của tuổi trẻ. Đúng, nhưng rồi họ sẽ không còn trẻ. Không ai có quyền bắt người khác không được yêu, không được hâm mộ, không được nhận thần tượng. Nhưng cùng với sự lớn lên về tuổi tác, khả năng tài chính, môi trường văn hóa, gu nghệ thuật, ai dám nói đối tượng “thần tượng” sẽ không thay đổi?

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm