25/10/2010 13:47 GMT+7 | Văn hoá
NSƯT Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: Đừng nói đến chuyện “nhép”... chân chính. “Khi thực hiện dưới góc độ sân khấu, dù là sân khấu truyền hình như VTCN đi nữa thì cũng không cho phép nhép. Trên sân khấu, cái khán giả cần xem là năng lực của người diễn viên, những giọt mồ hôi người nghệ sĩ đổ ra trên sân khấu và họ yêu những giọt mồ hôi đó, họ thấm cái mệt cùng người nghệ sĩ, thương sức lao động mà người nghệ sĩ bỏ ra để làm nên một nhân vật hay. Những cái đó chắc chắn không thể đến từ hát nhép. Khán giả có thể bỏ qua việc nghệ sĩ ca rớt nhịp, lên câu vọng cổ sét, hơi ca run... nhưng không bao giờ chấp nhận chuyện hát nhép. Nhép trên sân khấu là đã không được phép rồi chứ đừng nói đến chuyện nhép... chân chính. Người nghệ sĩ trước hết cần thể hiện lòng tự trọng đối với nghề nghiệp và sự tôn trọng đối với khán giả, vậy thì đừng nhép!...”. NSƯT Lệ Thủy: Tôi thấy hát thiệt “khỏe hơn” hát nhép nhiều. “Nghệ sĩ còn trẻ nên hát thiệt. Có hát nhiều thì giọng mới ngày càng điêu luyện, chững chạc hơn. Chất giọng là thiên phú nhưng phải trau dồi, rèn luyện thì mới bật lên và giữ được chất giọng lâu bền. Cũng có những nghệ sĩ giọng ca không xuất sắc lắm nhưng biết đào sâu, tìm tòi kỹ thuật ca, luyện tập nhiều mà trở nên điêu luyện trong cách ca, gây ấn tượng được với khán giả. Còn nếu làm biếng, không chịu rèn luyện mà ỷ vào hát nhép thì không thể tiến bộ và đánh mất sự tự tin khi biểu diễn. Mà tôi thấy hát thiệt khỏe hơn hát nhép nhiều vậy tại sao lại không hát thiệt? Hát thiệt được thoải mái thi thố giọng ca của mình nên khỏe lắm. Còn nhép thì vừa phải canh nhạc, rồi canh sao cho khớp miệng, lại nơm nớp sợ bị phát hiện, áy náy đủ thứ, mệt lắm”. Ý kiến của khán giả Anh Ngân, luật sư: Không còn mối quan hệ nghệ sĩ - khách tri âm nữa. “Là một khán giả có “thâm niên” coi cải lương gần bằng số tuổi thật của mình, không thể chấp nhận việc hát nhép vì: Nhạc cải lương là một loại âm nhạc giàu cảm xúc và tinh tế đến từng cung bậc nhỏ nhất: cùng một bài hát, cùng một phong cách xử lý, và thậm chí là cùng một giọng ca, nhưng ở mỗi lần biểu diễn đều có điểm khác nhau. Chính cái khác nhau đó tạo nên sự thích thú cho người thưởng thức. Hát nhép giết chết cảm xúc người biểu diễn trong câu ca thu sẵn và giết chết cảm xúc người nghe bởi muôn lần như một, họ chỉ nghe một thứ nhạc rập khuôn. Một nghệ sĩ hát hay là người bao giờ cũng cố gắng hát lần sau hay hơn lần trước. Nếu chỉ thu âm một lần và mang đi biểu diễn khắp nơi, liệu nghệ sĩ có còn ý thức phải rèn ca hay, giữ giọng đẹp, nâng cao khả năng xử lý âm nhạc tinh tế nữa không? Hay tất cả đã có phòng thu lo liệu? Những NS đi vào lòng công chúng bởi giọng ca tuyệt kĩ xưa nay đều được trui rèn qua những lần biểu diễn sống - hay có, dở có, nhưng tất cả đều giúp ích cho việc rèn nghề của họ. Hát nhép bị cấm, thế là nghệ sĩ cố gắng “diễn như thật” để khán giả tin rằng họ đang hát thật. Về bản chất, họ đang bằng mọi cách để lừa người xem tin vào điều không có thật. Như vậy, bao nhiêu người thích bị lừa và sự giả dối có đáng bị lên án hay không? Một khi nghệ sĩ cố gắng lừa dối khán giả, khán giả cố gắng vạch trần sự lừa dối, thì giữa họ không còn mối quan hệ nghệ sĩ - khách tri âm nữa. Cái đẹp của nghệ thuật vì vậy cũng chẳng còn”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất