Khi bản quyền chưa đi liền lợi nhuận

12/09/2012 07:22 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Từ chuyện Mỹ Tâm trở thành đối tác của YouTube cho đến những câu chuyện bản quyền đang nóng lên gần đây vẫn tiếp tục lại hâm nóng một chuyện rất cũ: ai bảo vệ ai và ai mới thực sự được hưởng lợi?

Từ YouTube

Chuyện ca sĩ Mỹ Tâm được trang chia sẻ video trực tuyến YouTube mở một chuyên trang cho mình (MyTam- Tube) không còn là chuyện mới nhưng trong cái cũ ấy người ta thấy có rất nhiều chuyện mới mà chuyện quan trọng nhất liên quan tới cả hai vấn đề sống còn của một ca sĩ: bản quyền và lợi nhuận. Mỹ Tâm kết duyên với YouTube và được trang video trực tuyến này bảo hộ chuyện bản quyền. Theo quy định của YouTube, để trở thành đối tác chính thức của trang chia sẻ trực tuyến này thì cá nhân (hoặc tập thể) phải đảm bảo nhiều yêu cầu như: Video clip phải do chính mình tạo ra, có chất lượng, thường xuyên cập nhật clip. Đặc biệt các clip phải thu hút lượt xem (view) cũng như số người đăng ký theo dõi (subscriber) ở mức cao. Và quan trọng nhất, cá nhân hoặc tập thể đó phải chứng minh được họ là chủ sở hữu bản quyền âm nhạc, hình ảnh… trong clip một cách hợp pháp.

Điều này đồng nghĩa với việc YouTube sẽ là nơi nắm giữ toàn bộ sản phẩm âm nhạc có bản quyền của Mỹ Tâm trên trang này và tiến hành xóa tất cả những video âm nhạc (cùng nội dung) thuộc quyền sở hữu của Mỹ Tâm ở những tài khoản YouTube không có bản quyền khác. Trong trường hợp tài khoản bất hợp pháp kia cố tình đăng tải đến lần thứ 3 bất kỳ một sản phẩm nào của Mỹ Tâm sẽ lập tức bị YouTube xóa tài khoản vĩnh viễn.

Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy đây là một hướng đi rất khôn khéo của YouTube khi họ sẽ “gom” những nghệ sĩ về một mối, từ lượng video cho đến lượng fan khủng. Cách làm này sẽ giúp nghệ sĩ đến gần với YouTube hơn, giúp trang chia sẻ này đối đầu với những trang mạng xã hội ở từng quốc gia. Ở trường hợp Mỹ Tâm, cô có trang web riêng, những bài hát của cô có đầy trên những mạng nghe nhạc trực tuyến nhưng khi Mỹ Tâm quy về một mối ở YouTube thì lượng view sẽ đổ vào đây rất nhiều. Bắt đầu ra đời từ tháng 4, đến nay YouTube Partner trở thành kênh chính thức của các nghệ sĩ nổi tiếng phát hành những video mới nhất của họ. Hiện Lady Gaga có gần 170 triệu lượt xem và gần 1 triệu người theo dõi. Madonna có gần 225 triệu lượt xem và 300 ngàn người theo dõi…


Trang chính thức của Mỹ Tâm trên YouTube

Cách thức mà YouTube mời chào cũng rất hấp dẫn. Ai cũng có thể đăng ký, không tốn phí mà ngược lại sẽ được trả tiền. Theo đó, mỗi 1.000 view (lượt người xem) được tính là một lần và mỗi lần như vậy thì nghệ sĩ sẽ được trả từ 1,5USD cho đến 5USD. Những ngôi sao hạng toàn cầu sẽ được trả từ 5USD trở lên. Người ta đang tính rằng, sau một năm sẽ có khoảng vài ngôi sao có thu nhập nhập hơn 100 ngàn USD

Nếu xét ở trường hợp Mỹ Tâm khi hiện nay cô có khoảng 3,5 triệu lượt người xem thì có thể cô sẽ thu về khoảng 50.000 USD/năm.

Nhưng đây mới chỉ là nói trên lý thuyết bởi thực tế để có được số tiền này thì nghệ sĩ phải “chơi” theo kiểu của YouTube có nghĩa là trong những video tải lên phải liên quan tới quảng cáo. Chi tiết hơn là những công ty quảng cáo sẽ chạy sản phẩm trên video mà nghệ sĩ đưa lên. Sau đó họ sẽ trả tiền cho YouTube và nghệ sĩ thông qua chương trình quảng cáo AdSense của Google. Đối tác (Partner) sẽ phải đồng ý với những điều khoản của AdSense và sau đó là liên kết tài khoản AdSense vào tài khoản YouTube của mình. YouTube cũng khuyến cáo rằng các đối tác nên đồng ý cài AdSense vào mỗi video trước khi tải lên vì như thế nó sẽ giúp nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền hơn. Tiền chỉ được tính khi đoạn quảng cáo được cài vào và lượt view sau đó. Nhiều người cho rằng YouTube rất khôn ngoan khi chọn những nghệ sĩ nổi tiếng để mời vào chương trình Partner của họ để có thể nắm chắc lượng xem và hưởng lợi nhuận.



Nhà sản xuất âm nhạc và các Trung tâm tác quyền âm âm nhạc “vui vẻ” với nhau có phải là chuyện xa vời?

1.000đ cho ai?

Theo thông báo trong buổi tọa đàm “Nhạc số Việt Nam - thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và công ty MV Corp tổ chức giữa tháng 8 vừa qua, kể từ 1/11/2012 RIAV sẽ thu dự kiến 1.000 đ/lần tải nhạc hoặc thu theo thuê bao hàng tháng. Chuyện thu được tiền bản quyền luôn là niềm vui cho những người làm âm nhạc nhưng có điều nếu nhìn kỹ vào cách ăn chia thì đó có vẻ là một niềm vui không trọn vẹn. Theo ông Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc công ty MV Corp, với số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi những chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%, 55% còn lại trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm...). Vậy trong 55% đó tỷ lệ ăn chia sẽ như thế nào?

Thử nhìn con số mà nhạc sĩ Đức Trí đưa ra dựa trên luật bản quyền của Mỹ sẽ thấy khá nhiều khác biệt. Theo luật bản quyền của Mỹ hiện nay có rất nhiều cách tính tiền bản quyền nhưng cách thông dụng nhất (và được áp dụng khá nhiều nước trên thế giới), khi một album được phát hành thì tỷ lệ bản quyền được chia như sau: Người sáng tác được 10%, không lên không xuống từ 1998 đến nay. Tác quyền của người biểu diễn bài hát sẽ dao động từ 12-18% (ca sĩ ít tên tuổi được 12% và càng nổi tiếng sẽ càng tăng dần đến tối đa 18%. Ca sĩ vừa là người sáng tác sẽ ẵm gọn gần 30% tác quyền tổng thể). Nhà đầu tư, tức hãng đĩa đã bỏ tiền ra làm đĩa (42-48% và trong số này còn phải trả cho người hòa âm, phối khí…). Như vậy nếu tính vo thì con số bản quyền này đã chiếm tới 70% (trong khi ở Việt Nam chỉ là 55%). Nhà phân phối (ví dụ như Sony MBG, ở Việt sẽ là các nhà mạng) sẽ được khoảng 30% (còn ở Việt Nam là 45% có những lúc lên đến 80%).

Ngày 1/11 tới câu chuyện 1.000 đ/lần tải nhạc sẽ bắt đầu được thí điểm với 100 album đầu tiên

Cũng cần biết rằng, iTunes của hãng Apple bán một ca khúc trên mạng của mình với giá 99 cent, thì họ trả 9,1 cent cho nhạc sĩ sáng tác và 70 cent cho nhà sản xuất (bao gồm cả ca sĩ, hòa âm…), bản thân iTunes thu về chỉ gần 20 cent.

Rõ ràng ở Việt Nam hiện nay, phần trăm mà những người trực tiếp làm ra sản phẩm âm nhạc khá thấp. Hiện tại đã có nhạc sĩ tuyên bố muốn nâng số tiền 1.000 đ/lần tải nhạc nói trên lên thành 3.000đ, 5.000đ, thậm chí… 50.000đ, và chuyện này chắc chắn sẽ gây không ít rắc rối.

Cách đây chưa lâu, nhạc sĩ Quốc Trung cùng công ty Thanh Việt tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng và đời sống âm nhạc Việt Nam” nhưng thực ra toàn bộ buổi nói chuyện chỉ nói đến chuyện bản quyền và khách mời đặc biệt là nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tại buổi tọa đàm đã “gí” ông Cẩn nhiều lúc tưởng vào chân tường với những câu chuyện có thật về tiền tác quyền khi họ cho rằng VCPMC không thật sự là một tổ chức bảo vệ cho quyền tác giả, tác phẩm. Buổi tọa đàm căng thẳng đến độ nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng mình bị “gài” tới đây khi không khí buổi tọa đàm chẳng có gì giống với cái tên đề ra và ông phải tìm cách hoãn binh.

Những câu chuyện về các nhà sản xuất âm nhạc cùng với các trung tâm thu tiền tác quyền ở Việt Nam chưa bao giờ ngừng lại bởi lợi ích của các bên mà cuối cùng theo lời các nhạc sĩ, bao giờ họ cũng phải nhận phần thiệt. Có nhiều nhạc sĩ như Đức Trí hay Võ Thiện Thanh thậm chí còn nghĩ đến chuyện lập hẳn công ty bán nhạc online, tự mình kiểm soát tài chính. Nhưng mở trang web bán nhạc vào lúc này không phải chuyện dễ khi toàn bộ thị phần online đang nằm trong tay của các nhà mạng lớn.

Ngày 1/11 tới câu chuyện 1.000đ sẽ bắt đầu được thí điểm với 100 album đầu tiên. Diễn biến của nó chắc sẽ có rất nhiều chuyện hay ho và quan trọng hơn, cái người ta muốn biết là cuối cùng các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất, những người trực tiếp làm ra âm nhạc sẽ được hưởng bao nhiêu và rồi liệu có những tọa đàm kiểu nhạc sĩ Quốc Trung sẽ tiếp tục tái diễn?

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm