22/04/2015 13:18 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận Anh vừa mở chiến dịch đòi dán nhãn độ tuổi video ca nhạc (MV), với mũi nhọn nhằm vào các sản phẩm âm nhạc... Mỹ. Nguyên nhân bởi đó đều là những MV được phổ biến không biên giới thông qua YouTube và các kênh chia sẻ video số khác.
Theo kết quả bình chọn do chiến dịch vận động vì quyền lợi phụ nữ Object ở Anh phát động, 81% khán giả ở Anh cho rằng đã đến lúc cần dán nhãn, phân loại MV, giống như hoạt động phân loại phim ảnh. Không chỉ nhằm vào các MV, 70% công chúng cũng cho rằng các ấn phẩm in và phát hành trên mạng cũng phải chịu sự kiểm soát tương tự.
MV gợi dục “gây thiệt hại về mặt cảm xúc”
Thêm vào đó, khoảng 2/3 số công chúng bình chọn cho rằng các nội dung khiêu dâm trong văn hóa đại chúng chính là nguyên nhân làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ trong đời thực. Hơn một nửa người được hỏi cho rằng xem các nội dung khiêu dâm gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ tình cảm cá nhân trong đời thực.
Không thiếu ví dụ cho các MV này. Những trường hợp gây dư luận nhiều nhất phải kể đến Wrecking Ball của Miley Cyrus, khi nữ ca sĩ khỏa thân ngồi hát trên một quả bóng phá nhà và liếm một cái búa. Hay khi Rihanna với MV S&M đầy hình ảnh liên tưởng đến bạo dâm và khổ dâm. MV này đã bị cấm ở 11 quốc gia.
Beti Baraki, người lãnh đạo chiến dịch của Object, cho biết: “Việc coi phụ nữ như công cụ tình dục trong âm nhạc gây ra thiệt hại về mặt cảm xúc, khiến phụ nữ mọi lứa tuổi mất hết tự tin về cơ thể họ, đặc biệt là ảnh hưởng đến các cô gái đang ở lứa tuổi trưởng thành”.
“Đây là phản ứng rõ ràng của dư luận để đối phó với âm nhạc theo cách tương tự chúng ta làm với phim ảnh, phân loại những nội dung gợi dục rõ ràng để bảo vệ giới trẻ” – bà nói.
Khi khán giả bắt đầu phản kháng
Trái với suy nghĩ thông thường là nội dung trên mạng (các MV chủ yếu phổ biến qua mạng, nhất là YouTube) không thể kiểm soát theo độ tuổi, chiến dịch của Object hướng công chúng tới cách ứng xử có trách nhiệm hơn với những gì mình chọn xem.
Hơn nữa, có tới 81% công chúng tham gia cuộc bình chọn đã đồng tình với việc này. Vậy có khả năng cũng chừng đó người sẽ nghiêm chỉnh thực hiện theo giới hạn độ tuổi khi nó ra đời?
Năm 2014, dư luận dậy sóng vì MV Blurred Lines của nam ca sĩ Robin Thicke. Đây là một trong những bài hát hay nhất năm, với giai điệu vô cùng bắt tai, nhưng lại đi kèm một MV bị coi là “xúc phạm phụ nữ ghê gớm”. Trong MV có 3 nữ người mẫu khỏa thân gần như hoàn toàn, đi lại và nhảy múa bên cạnh 3 nam ca sĩ áo quần đầy đủ.
Vấn đề nằm ở chỗ người ta chấp nhận sự nổi tiếng đi kèm tai tiếng của Blurred Lines như một điều tất nhiên. MV này bị phản đối, nhưng không hề bị xử phạt hay có biện pháp quyết liệt để hạn chế người xem.
Cuối năm 2014, đến lượt MV Animals của ban nhạc Maroon 5 trở thành tâm điểm tranh cãi vì cả hai yếu tố: gợi dục và bạo lực.
MV có nội dung một người đàn ông bị ám ảnh bởi một người phụ nữ nên đã rình mò, chụp trộm và tưởng tượng cảnh mây mưa với cô gái trong tình trạng máu me đầm đìa.
MV bị “tố” cổ xúy lạm dụng tình dục. Gây sốc, nhưng Animals cũng không vấp phải biện pháp xử phạt nào.
Bởi vậy, Blurred Lines hay Animals đã trở thành trường hợp điển hình. Chúng đại diện cho một “mối đe dọa” vô hình mà các phụ huynh dường như không thể chống lại. Có vẻ đó là lý do họ bắt đầu phản kháng, thể hiện qua yêu cầu xếp hạng MV, dù chưa có những nghiên cứu khoa học cụ thể hơn để chứng minh tác hại của các MV dạng này.
15 MV gây tranh cãi nhất làng nhạc Mỹ thời gian qua: |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất