05/02/2012 13:50 GMT+7 | Văn hoá
1. Nhóm người Mông hoa, phụ nữ đội chiếc khăn vành rộng, nhóm người Mông đen ở Sapa lại có chiếc khăn vấn cao như cái mũ. Người Dao đỏ có những chiếc khăn lớn vấn thành một khoang to trên đầu.
Phụ nữ Tày đôi khi vấn khăn vành như người Kinh và chít một khăn vuông ra ngoài. Nhóm Nùng Phản Slình lại đội thêm một chiếc khăn chàm có chấm trắng ra ngoài khăn chít. Người Mường có chiếc khăn đầu nhỏ che trước trán. Phụ nữ Thái đen búi tóc thành búi lớn trên đầu, khi thì chính giữa khi thì lệch sang một bên (điều này cho biết họ có chồng hay không, mà chúng ta sẽ khảo cứu sau ).
Phụ nữ Lự ở Lai Châu vấn những chiếc khăn thành nhiều vòng lệch về phía bên trái, chiếc khăn này cấu tạo khá cầu kỳ và có nhiều nét tương đồng với khăn của hoàng gia Malaisia.
Khăn quấn đầu truyền thống phụ nữ miền Bắc. Ảnh Piere Dieuleffils.
Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20
2. Người Việt (Kinh) vấn khăn thế nào có lẽ không khó khăn để biết, nếu như căn cứ vào hai cách truyền thống - nam thì khăn xếp, nữ thì khăn vành vấn tóc và khăn vuông đội đầu ra ngoài - cách thức này dường như cố định trong suốt thế kỷ 20, tất nhiên không kể đến những kiểu thức hiện đại.
Thực tế thì trước thế kỷ 20, đàn ông không hẳn đội khăn xếp như sau này. Trong các bản vẽ của người phương Tây ở Việt Nam từ thế kỷ 17, đàn ông Việt đôi khi vấn khăn thành một búi lớn như cái mũ của người Ấn Độ. Binh lính trong quân đội Tây Sơn, mặc quần lửng qua đầu gối tí chút, áo dài quá hông và vấn khăn đầu lớn như vậy. Bình nhật, đàn ông ở nhà thường búi tó củ hành, do tất cả không cắt tóc. Tóc được búi thấp về phía sau gáy như một củ hành Tây lớn, khi đội khăn họ búi cao hơn lên phía đỉnh đầu.
Những bức tượng võ sĩ trong lăng mộ thế kỷ 18 cho thấy do tóc họ quá dày, búi tó lớn nên phải đội những chiếc mũ thuôn về phía sau gáy như một quả dưa. Đàn ông nào cũng có hai tấm vải dài có khi đến hàng chục thước, khổ vải hẹp bằng một khủy tay, một cái để đóng khố, một cái để đóng khăn đầu và gọi rõ là đóng khăn hay khăn đóng.
Việc vấn khăn hay đóng khăn không dễ dàng chút nào, vì chiếc khăn lớn, quấn nhiều vòng trên đầu, lại phải giữ sao cho chặt, không thay đổi cả ngày trong suốt lúc làm việc, nhất là binh lính, hay công vụ, khăn áo không được phép luộm thuộm.
Một vị đàn ông đứng trong nhà, chiếc khăn buộc một đầu tít ngoài cột hiên, đầu kia được vấn nhẹ vào đầu chủ nhân, rồi chủ nhân quay cả người theo tấm khăn đó vài vòng sao cho nó được vấn vừa lệch đều từng vòng vừa khít vào đầu, sau đó mới tháo đầu buộc ở cột vấn bằng tay. Công việc này đâm ra thành vất vả, nên người ta đẽo một cốt gỗ bằng đầu mình, và vấn khăn cẩn thận vào đó, dùng một cái chêm gỗ đóng nhẹ cho khăn ngay ngắn và lệch vành đều đặn, nên gọi là đóng khăn.
Khăn quấn đầu của phụ nữ Nam bộ. Ảnh sưu tập Ponjade de Ladeveze.
Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20
3. Đàn bà tùy từng giai tầng mà khăn mũ và tóc theo từng thể thức nhất định. Các bà hoàng của vua Lê Thần Tông thế kỷ 17 để tóc xõa thành một làn lớn sau lưng, hai bên tai chải hai lọn buông dài, hoặc tết một lọn lớn giữa lưng hai lọn nhỏ hai bên sườn, đầu đội mũ ngọc có hình quầng lửa và đức Phật.
Những cô hầu tết tóc hoặc thành một búi, hoặc hai búi sát nhau trên đỉnh đầu, nhưng cũng buông hai lọn nhỏ xuống vai. Cái này chúng ta có thể khảo sát từ các tượng chân dung chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Mật (Thanh Hóa).
Đến thế kỷ 19, phụ nữ từ quý tộc đến bình dân phổ biến lối vấn tóc vào một khăn tròn gọi là con rắn, rồi chít khăn vuông ra ngoài, rồi lại đội một chiếc nón thúng vành rộng.
Chiếc khăn vành lớn và cao mà các bà đội trong tế lễ ngày nay chỉ bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 bởi các bà hoàng triều Nguyễn. Sang đến thế kỷ 20, những phụ nữ thành thị giàu có vấn khăn gọ cao lên đầu, để hở cổ đeo chuỗi vòng ngọc xanh xâu từ những viên ngọc nhỏ.
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất