Khai quật tại Hoàng thành Thăng Long: Sẽ sớm 'nhận diện' được kiến trúc điện Kính Thiên

18/04/2018 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2015, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long đã được vinh danh tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Và với những gì đang diễn ra, giấc mơ phục dựng “trái tim” của Thăng Long cũ đang ngày một rõ nét hơn…

Sáng qua 17/4, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện khảo cổ học VN đã công bố các kết quả mới sau gần một năm tiếp tục khai quật tại khu vực này.

Phát hiện ngói lưu ly, gạch hoa chanh

Đợt khai quật diễn ra trong năm 2017 trên diện tích gần 1.000m2 tại góc Đông Bắc của nền điện Kính Thiên cũ, với độ sâu 4,5 mét và 16 lớp đào khác nhau. Lần lượt, các lớp văn hóa có niên đại từ thời Đại La tới Lý, Trần, Lê, Nguyễn phát lộ tại đây.

Theo lời PGS Tống Trung Tín, người phụ trách việc khai quật trong 8 năm qua, hệ thống địa tầng các dấu tích phát lộ như hệ thống móng cột gia cố, nền kiến trúc, móng tường, tường bao gạch vồ xám, giếng nước… đều có đặc điểm khá giống với những gì từng được phát hiện tại các hố khai quật trước đây.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hố khai quật rộng gần 1000m2

Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong đợt khai quật lần này là việc xuất lộ hệ thống bó nền với dải gạch hoa chanh có kích thước rất lớn (từ 1,15 tới 1,5 mét), được xếp đặt rất công phu và chạy dài theo chiều Đông Tây. “Đây là dải nền hoa chanh lớn nhất trong hầu hết các dải hoa chanh được phát hiện tại Hoàng thành. Thêm nữa, cách xếp ngói rất quy chỉnh và tỉ mỉ cho thấy đây là một công trình thuộc thời kỳ sớm của vương triều Trần, tức là đầu thế kỷ 13 và chiếm vị trí quan trọng trong Hoàng cung” - PGS Tín nói

Về phần hiện vật, hệ thống hiện vật được tìm thấy chủ yếu là các mảnh vật liệu xây dựng và công cụ sản xuất mang nhiều niên đại khác nhau. Trong số đó, đáng chú ý nhất nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) và men xanh (thanh lưu ly) thuộc thời Lê sơ (thế kỷ 15-17). Theo nhận định ban đầu, đây có thể là loại “ngói rồng” được sử dụng để lợp nóc điện Kính Thiên trong thời Lê sơ và thời Mạc.

Đặc biệt, trong đợt khai quật này, phía khai quật còn phát hiện dấu vết của một dòng suối nhân tạo có niên đại khoảng thế kỷ 18 và bị san lấp vào đầu thế kỷ 20. Đồng thời, một khẩu thần công cổ thời Nguyễn cũng lần đầu được phát hiện tại đây.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: PGS Tống Trung Tín và GS Phan Huy Lê trước dải nền hoa chanh thời Lý được phát hiện

Đi tìm điện Kính Thiên

Thực tế, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên từng được thành phố Hà Nội nhắc tới vào năm 2001. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, tròn 10 năm sau, những đợt khai quật đầu tiên mới được tiến hành ở khu vực này.

Để rồi, sau khi những dấu vết đầu tiên lần lượt phát lộ, đề án nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng và được vinh danh ở hạng mục Ý tưởng của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015 (báo Thể thao và Văn hóa - TTXVN tổ chức).

Và ở thời điểm hiện tại, với những phát hiện mới, nhiều chuyên gia đã tỏ ra rất hào hứng với ý tưởng sớm “nhận diện” kiến trúc của điện Kính Thiên để làm tiền đề cho kế hoạch phục dựng tương lai.

Theo đó, dựa trên những kết quả khai quật trong gần 10 năm qua, cũng như những nghiên cứu từng có ở khu vực 19 Hoàng Diệu, một tấm bản đồ tổng thể về khu vực Hoàng thành Thăng Long cần được xây dựng để khớp nối các điểm đã khai quật, đồng thời “khoanh vùng” những trọng tâm khảo sát trong thời gian tới.

Đặc biệt, với việc phát hiện dấu vết của dòng suối và hồ nhân tạo lần này, TS Phạm Quốc Quân đề xuất nên sớm mở rộng khu vực nghiên cứu ra phía đường Nguyễn Tri Phương (ranh giới giữa 2 khu vực 18 và 19 Hoàng Diệu) để sớm có cái nhìn tổng thể trên toàn khu vực. Tương tự, những phát hiện về hệ thống “ngói rồng” lợp nóc điện Kính Thiên, cũng như hệ thống các cột âm thời Lý, được PGS Bùi Minh Trí (Viện Nghiên cứu Kinh thành) đánh giá là vô cùng quan trọng và đề xuất sớm tập trung nghiên cứu.

Riêng với GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), nếu ý tưởng phục dựng toàn bộ điện Kính Thiên vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ với ngành khảo cổ, thì việc hoàn trả lại không gian từng có của kiến trúc này là khả thi. Theo đó, dựa trên việc xác định không gian cũ, khu vực từng tồn tại điện Kính Thiên sẽ được “trả lại mặt bằng”, để du khách và giới nghiên cứu hình dung được vị trí và quy mô phần nào của kiến trúc này.

“Chúng ta hãy nỗ lực hết sức để hoàn trả lại không gian của điện Kính Thiên trong 3 năm tới”. - GS Lê nói - “Tiếp đó, dựa trên những kết quả nghiên cứu, có thể tính tới việc phục dựng trước phần mái của điện Kính Thiên, hoặc phục dựng giả định trên không gian 3D trước khi tính tới những bước tiếp sau”.

Điện Kính Thiên trong lịch sử

Theo các sử liệu cũ, điện Kính Thiên là kiến trúc chính trị quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long và tồn tại qua các thời Lý (có tên điện Càn Nguyên), Trần (có tên điện Thiên An), Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng… Hầu hết các nghi thức chính trị liên quan tới vận mệnh của mỗi vương triều đều diễn ra tại đây như lễ đại triều, lễ đăng quang, lễ khánh thọ, lễ tiếp sứ thần các nước…

Phát hiện nhiều dấu tích quý tại khu vực Chính điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long

Phát hiện nhiều dấu tích quý tại khu vực Chính điện Kính Thiên - Hoàng Thành Thăng Long

Khu vực Chính điện Kính Thiên được khai quật thăm dò năm 2017, sau một thời gian khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện địa tầng và tầng văn hóa đủ các lớp từ thời Đại La qua thời Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm