30/11/2022 12:07 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Hậu cung của Vua Càn Long có tới 3000 mỹ nữ, giai nhân nhưng chỉ có 11 phi tần được vua sủng ái nhất. Song, không phải ai cũng được hưởng một cuộc đời hạnh phúc.
Tên thật của Càn Long đế là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch, sinh vào ngày 13/8 (tức ngày 25/9 dương lịch) năm 1711. Cha ông là hoàng đế Ung Chính, khi ấy còn là Ung Thân vương. Còn mẹ ông là thê thiếp của Ung Thân vương - Nữu Hộ Lộc thị.
Thời kỳ trị vì của vua Càn Long kéo dài hơn 60 năm, từ 11 tháng 10 năm 1736 đến 1 tháng 9 năm 1795. Đây được coi là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của Đại Thanh. Vào thời này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài đến Châu thổ sông Y Lê và Tân Cương, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa, khoảng hơn 13.000.000 km² (so với 9.600.000 km² hiện nay).
Càn Long đế trước nay vẫn luôn được biết đến là vị vua phong lưu, đa tình với nhiều phi tần thê thiếp. Mà tục ngữ vốn có câu: "Rượu là thuốc độc của gan, phong lưu, háo sắc là con dao sắc cắt gân, cưa xương con người." Ý nói rằng một người quá phong lưu, háo sắc sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và làm giảm tuổi thọ. Ấy vậy mà, Càn Long đế qua đời ở tuổi 88, trở thành ông vua sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Theo một tích cũ, khi Càn Long tại vị, một vị quan là Lang Thế Ninh khi vào cung từng thấy cảnh vua cùng các phi tần vui đùa.
Càn Long hỏi vị quan rằng: "Khanh thấy trong các nàng ai là đẹp nhất?". Lang Thế Ninh đỏ mặt trả lời: "Phi tần của Hoàng thượng vị nào cũng đẹp."
Sau buổi hôm đó, vua Càn Long cho vẽ lại bức họa của 11 vị phi tần mình sủng nhất, đặt tên là "Tâm viết trì bình". Ông xem qua 3 lần, sau đó cho cất kỹ, ra lệnh ai xem lén sẽ bị xử tử.
Đến nay, sau hàng trăm năm, truyền thông Trung Quốc mới công bố những bức họa chân dung 11 phi tần này.
Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát Thị
Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu Phú Sát Thị là thê tử của Càn Long khi ông còn là Hoàng tử. Hoàng hậu là người Mãn, phụ thân là tổng quản Lý Vinh Bảo, em trai ruột là Đại học sỹ Phó Hằng, một công thần dưới triều Thanh.
Năm Ung Chính thứ năm (1727), bà được chỉ hôn cho hoàng tử thứ tư Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (Càn Long) khi mới vừa tròn 16 tuổi.
Năm bà 25 tuổi, thái tử Hoàng Lịch đăng cơ, bà lên ngôi hoàng hậu. Hai năm sau, lễ tấn phong được cử hành chính thức.
Có rất nhiều bằng chứng chứng minh về mối chân tình sâu đậm giữa Càn Long và Phú Sát Hoàng hậu. Theo sử sách ghi chép, để bày tỏ tình yêu đối với Hoàng hậu của mình, Càn Long đích thân ban Trường Xuân cung, nơi ông từng được Ung Chính Đế ban tặng khi còn là Hoàng tử.
Bên cạnh đó, ông cũng thường dành tặng người vợ thân yêu những dòng thơ, khen gợi nét duyên dáng, sự tinh tế, khẳng định bà là đại diện của sự tuyệt vời. Trong tâm trí Càn Long, Phú Sát như một người bạn tâm giao, sẵn lòng bên cạnh ông mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, khi địa vị của bà ngày càng được củng cố, những biến cố liên tiếp xảy ra với bà. Năm Càn Long thứ 3, Nhị Hoàng tử Vĩnh Liễn qua đời khi chỉ mới 9 tuổi, khiến Phú Sát Hoàng hậu bị đả kích lớn. Hoàng đế cũng đau lòng tới mức không thượng triều 5 ngày liên tiếp.
Năm Càn Long thứ 11, Hoàng hậu hạ sinh Hoàng tử thứ 7 cho Vua. Khi nghe tin bà mang thai, ông phá bỏ lệ du ngoạn ngày Tết Nguyên tiêu, để ở lại cung bầu bạn với mẹ con bà. Thế nhưng Hoàng tử không may yểu mệnh vào năm thứ 12, khi chưa đầy 1 tuổi.
Sau này chỉ còn lại duy nhất một công chúa còn sống và được sắc phong.
Phú Sát thị nổi tiếng hiền hậu, thi hành tiết kiệm hợp lý, lại khoản đãi hậu cung, giúp đỡ Càn Long Đế chuyện trong ngoài hết mực đắc lực. Bà cũng là người được vua Càn Long cực kỳ yêu thương, sủng ái. Đến khi bà qua đời, vua vô cùng đau khổ, truy điệu không dứt, tạo thành chuyện truyền tụng mãi về sau.
Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao Thị
Tuệ Hiền Hoàng quý phi Cao Thị là con gái của Đại học sỹ Cao Bân. Cao thị nhập phủ Càn Long khi ông là Bảo thân vương, bạn đầu được phong Sở nữ, sau đó được phong là Trắc phúc tấn.
Khác với trên phim, Quý phi Cao thị trong lịch sử lại là một người hòa nhã, ôn nhu thực sự, điều này có thể thấy rất rõ thông qua những bức chân dung còn lưu lại của bà.
Năm Càn Long thứ 10 (1745), mùa xuân, tháng giêng, Quý phi Cao thị lâm bệnh nặng. Vua Càn Long đã ra chỉ tấn phong bà làm Hoàng Quý phi, thụy hiệu "Tuệ Hiền".
Điều này là một việc thấy sự thiện đãi của vua Càn Long đối với bà. Tước vị Hoàng Quý phi trong cung đình nhà Thanh là một tước vị cao quý, vì quy chế và Triều phục sắc phong rất giống với Hoàng hậu. Hơn nữa, từ sự kiện Đổng Ngạc Hoàng Quý phi thời Thuận Trị, về sau các Hoàng đế nhà Thanh rất kị việc lập Hoàng Quý phi ngay khi Hoàng hậu còn sống. Việc Càn Long phong Cao thị làm Hoàng Quý phi, ngoài sự an ủi, còn cho thấy tình cảm giữa Cao Quý phi và Hoàng hậu thật sự yên hòa.
Theo "Thanh sử cảo" kể lại, khi Hoàng Quý phi Cao thị qua đời, Càn Long đế đăng đặt thụy cho Cao thị thì Hoàng hậu đang ngồi ngay bên cạnh, và chính Hoàng hậu thương cảm Cao thị hỏi rằng liệu có thể xin chữ "Hiền" này làm thụy hiệu của mình về sau được hay không.
Ngày 17/10 năm Càn Long thứ mười bảy, Tuệ Hiền Hoàng Quý phi được an táng trong Lăng Vân Linh (Đông Lăng).
Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô thị
Thuần Huệ Hoàng quý phi Tô Thị còn gọi là Tô Giai Thị, con gái của Tô Triệu Nam.
Thuần Phi sinh ngày 21/5/1713 năm Khang Hy thứ năm mươi ba, sau này đến tuổi trưởng thành mới vào hầu hạ Càn Long.
Sau khi Càn Long đăng cơ, bà được sắc phong là Thuận tần. Tháng 12 năm Càn Long thứ 2, Tô Giai thị được sắc phong là Thuận Phi, bức họa được vẽ sau khi tấn phong.
Tô Giai thị sinh được hai hoàng tử và một công chúa, con trai là hoàng tử Vĩnh Dung, người giỏi thi thơ, hội họa, thiên văn, toán học.
Tháng 11 năm Càn Long thứ 10, Thuần phi được tấn phong làm Quý phi. Tháng 4 năm Càn Long hứ hai mươi lăm, bà được sắc phong Hoàng Quý phi, cũng năm đó bà qua đời, thọ 48 tuổi.
Được biết, bức Chân dung Hoàng quý phi Thuần Huệ là tác phẩm hiếm hoi về phi tần của vua Càn Long thuộc sở hữu tư nhân, được hãng Poly Auction Bắc Kinh đấu giá hồi tháng 12/2021 với giá 69 triệu nhân dân tệ (10,8 triệu USD). Tác phẩm cao 54,6 cm, vẽ năm hoàng quý phi 23 tuổi.
Theo quy định của triều Thanh, khi hoàng đế qua đời, chân dung vua và các phi tần, một phần được mai táng trong lăng tẩm, một phần để đời sau thờ phụng. Nhưng năm 1900, Bắc Kinh bị liên quân tám nước chiếm đóng, một phần tranh cùng các cổ vật được đưa sang châu Âu, trong đó có bức chân dung sơn dầu Hoàng quý phi Thuần Huệ. Sau đó, những cổ vật này được đưa vào bảo tàng, một số ít trở thành sản phẩm đấu giá.
Thục Gia Hoàng Quý phi Kim thị
Kim Giai thị, nguyên là Kim thị, sinh vào ngày 25 tháng 7 (âm lịch) năm Khang Hi thứ 52, Mãn quân Chính Hoàng kỳ Bao y xuất thân, là hậu duệ một gia tộc gốc Triều Tiên, gốc gác hiện ở Nghĩa Châu.
Mới vào cung, Kim thị được phong làm Quý nhân, tháng 12 năm Càn Long thứ 2 năm 1737 bà được phong làm Gia tần.
Năm Càn Long thứ tư, Kim thị hạ sinh tứ Hoàng tử Vĩnh Thành, đến năm Càn Long thứ sáu, bà được tấn phong làm Gia Phi, bức họa của bà được vẽ vào thời điểm này.
Năm Càn Long thứ 11 năm 1746, Gia phi tiếp tục sinh bát hoàng tử, sau một năm Cửu Hoàng tử lại ra đời.
Năm Càn Long thứ 13 năm 1748, bà được tấn phong làm Gia Quý phi, sau đó năm Càn Long thứ mười bảy năm 1751, bà sinh Thập nhất Hoàng tử.
Tới năm Càn Long thứ 20 năm 1755, Kim thị qua đời ở tuổi 40, bà được phong là Thục Gia Hoàng Quý phi.
Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu Ngụy thị
Lệnh Ý Hoàng quý phi sau khi con trai là Gia Khánh Đế lên ngôi được truy phong là Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu, nguyên họ Ngụy thị, sinh ngày 23/10/1727, xuất thân từ Chính Hoàng kỳ lớp Bao y thấp kém - tầng lớp phục vụ hoàng thất Mãn Châu. Dòng họ bà sau đó được hoàng đế Gia Khánh - con trai của bà sửa và gọi thành "Ngụy Giai thị" để giống với Mãn tộc.
Năm 13 tuổi, do thuộc Nội vụ phủ, Ngụy Giai thị được chọn vào trong cung qua đợt tuyển tú hàng năm của Nội vụ phủ. Ngay khi nhập cung, Lệnh Ý Hoàng quý phi là Nội vụ phủ Bao y nữ tử, tức là cung nữ hầu hạ cho Hậu phi ở trong cung đình.
Theo lệ của những người cùng xuất thân như bà trong truyền thống triều Thanh, thì trước đó phải trải qua vị trí Thường tại hoặc Đáp ứng, những vị trí vốn dùng để phong Cung nữ tử may mắn được Hoàng đế sủng hạnh rồi dần lên phi tần. Thế nhưng không ai rõ Lệnh Ý Hoàng quý phi trở thành phi tần chính thức lúc nào mà chỉ theo tư liệu được ghi chép sớm nhất về bà thì đã được phong là Quý nhân rồi.
Do vậy, có lẽ Ngụy Giai thị nhờ là nô tì thân cận do đích thân Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu chỉ bảo nên việc Ngụy thị nhảy vọt trở thành Quý nhân cũng là do Hoàng hậu tiến cử lên.
Đến năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23/1 âm lịch, Càn Long Đế ra chỉ dụ tấn phong Quý nhân Ngụy Giai thị lên cấp vị Tần, phong hiệu là Lệnh.
Tháng 4 năm Càn Long thứ 14 năm 1749, bà được tấn phong Lệnh phi, bức chân dung cũng được vẽ vào thời điểm này.
Chỉ trong 3 năm (1756 đến 1758), Lệnh phi liên tiếp hạ sinh 3 người con cho vua Càn Long và cũng là giai đoạn sinh nở liên tục nhất của bà. Năm 1759, bà được phong làm Lệnh Quý phi. Và tổng cộng, bà đã hạ sinh cho Càn Long Đế 6 người con, trong đó có Gia Khánh Đế sau này. Năm 1765, Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị đột nhiên bị thất sủng, Lệnh Quý phi được tấn phong làm Hoàng quý phi, thay Hoàng hậu cai quản lục cung.
Năm 1775, Hoàng quý phi Ngụy thị qua đời và được ban thụy hiệu Lệnh Ý Hoàng quý phi. Sau khi con trai của bà là Gia Khánh Hoàng đế lên ngôi, bà được truy phong làm Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu.
Từ một cung nữ tử xuất thân hèn kém nhanh chóng trở thành Hoàng quý phi, cai quản lục cung và được truy phong làm Hoàng hậu thì Lệnh Ý Hoàng quý phi rõ ràng không hề tầm thường và sự sủng ái mà Càn Long Đế dành cho bà quả thực "vô tiền khoáng hậu".
Thư phi Diệp Hách Lạp thị
Thư phi Diệp Hách Lặc thị là người tộc Mãn Châu, Diệp Hách Na Lạp thị thuộc Mãn quân Chính Hoàng kỳ, xuất thân của bà cực kì hiển hách vì bà là người thuộc dòng dõi của Diệp Hách bối lặc Kim Đài Cát, là anh trai của Hiếu Từ Cao hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị, mẹ sinh của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực.
Năm Càn Long thứ mười bốn bà vào cung là quý nhân, tháng 11 cùng năm, bà được sắc phong làm Thư tần.
Năm Càn Long thứ 14, bà được tấn phong làm Thư phi, bức chân dung được vẽ vào thời điểm này.
Năm Càn Long thứ 16, bà sinh Thập hoàng tử, bà qua đời vào năm Càn Long thứ bốn mươi hai, hưởng thọ 50 tuổi.
Khánh Cung Hoàng Quý phi Lục thị
Khánh Cung Hoàng quý phi là người Hán, con gái của Lục Sĩ Long, cũng như Thuần Huệ Hoàng quý phi đều là xuất thân dòng dõi một gia đình thường dân, không chức vụ lẫn tước vị.
Năm Càn Long thứ 5, Lục thị nhập cung, được phong làm Quý nhân. Năm Càn long thứ 16 1740, bà được phong là "Khánh tần". Bức họa chân dung của bà được vẽ vào thời điểm này.
Năm Càn Long thứ 24, Lục thị được tấn phong là Khánh phi, và được tấn phong làm Khánh Quý phi năm Càn Long thứ ba mươi ba.
Năm Càn Long thứ 39, 1774, bà qua đời, thọ 51 tuổi, không có con. Bà là dưỡng mẫu của Thanh Nhân Tông Gia Khánh đế, được ông đánh giá là người mẹ "dưỡng dục chu toàn", "hiền hậu như mẹ đẻ".
Khi bà mất, tang lễ được tổ chức vô cùng long trọng, được truy phong làm "Khánh Cung Hoàng Quý phi".
Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị
Dĩnh Quý phi Ba Lâm Thị (1731-1800) cũng là một trong những phi tần có tuổi thọ cao của Càn Long. Bà vào cung hồi tháng giêng năm Càn Long thứ 13 (1748) thông qua quá trình tuyển tú.
Vì là người Mông Cổ nên vừa vào cung, Ba Lâm Thị đã được phong ngay làm Thường tại.
Thông thường dưới thời nhà Thanh, nếu là phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc người Mãn hoặc Mông Cổ, sau khi vào cung sẽ được ban ngay địa vị cao quý hơn vị trí này. Vậy nên từ việc được phong làm Thường tại, có thể nhận thấy xuất thân của Ba Lâm Thị cũng tương đối bình thường.
Tuy nhiên tháng 4 cùng năm đó, bà được tiếp tục phong làm Quý nhân. Ở bên cạnh Hoàng đế 3 năm, dù không sinh được con nhưng nhờ được Càn Long sủng ái nên bà tiếp tục được tấn thăng lên làm Dĩnh tần.
Đến năm Càn Long thứ 24, 1759, bà được tấn phong là Dĩnh phi.
Năm Gia Khánh 13, 1798, Thái thượng hoàng Càn Long ra chiếu chỉ: "Dĩnh phi tại vị lâu năm, lại quá tuổi thất tuần, nên tấn phong làm Quý phi".
Sau này, Gia Khánh hoàng đế tôn bà lã Dĩnh Quý thái phi, ở tại Khang Cung.
Năm Gia Khánh thứ 5, em trai Hoàng đế Gia Khánh là Ái Tân Giác La Vĩnh Lân một mình tổ chức thọ thần cho Dĩnh Quý phi. Vì không có con cái, lại một mình đơn độc trong thâm cung đã lâu, Lâm thị rất vui. Tuy nhiên việc này khiến Hoàng đế nổi giận, khiến Dĩnh Quý thái phi trở nên buồn bã và lo lắng. Chỉ hai mươi ngày sau đó, bà qua đời, được an táng tại phi viên tâm trong Dụ Lăng.
Hân Quý phi Đới Giai thị
Hân tần - tức Hân Quý phi Đới Giai thị - là con gái của Tổng đốc Tô Đồ, người gốc Mãn Châu.
Năm Càn Long thứ mười tám, Đới Giai thị nhập cung, năm Càn Long thứ 19, bà được tấn phong làm Hãn tần, bức chân dung của bà cũng được vẽ vào thời điểm này.
Năm Càn Long thứ hai mươi tám, 1763 bà được tấn phong làm Hãn phi, tháng 11 cùng năm bà qua đời.
Đôn phi Uông thị
Đôn phi Uông thị xuất thân Mãn quân Chính Bạch kỳ, là một phi tần của Thanh Cao Tông Càn Long hoàng đế. Bà là mẹ của Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa, vị công chúa được Càn Long Đế sủng ái bậc nhất.
Năm Càn Long thứ 28, 1763, bà nhập cung năm 17 tuổi, khi đó Hoàng đế đã 52 tuổi, được phong là Vĩnh thường tại.
Năm Càn Long ba mươi sáu, 1771, bà được tấn phong là Vĩnh Quý nhân, sau đó là Vĩnh tần.
Ba năm sau, bà được tấn phong là Đôn phi. Năm Càn Long thứ 40, Đôn phi hạ sinh Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa.
Năm Càn Long thứ 43, Đôn phi vì giết hạ nhân mà bị giáng xuống là tần, 3 năm sau mới được khôi phục chức phi.
Đến năm Gia Khánh thứ 11, Đôn phi qua đời, thọ 61 tuổi. Con gái bà là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa sau này gả cho Phò mã Phong Thân Ân Đức (con trai cả của Hòa Thân).
Thuận phi Hữu Nộ Lộc thị
Thuận phi Hữu Nộ Lộc thị là con gái của Tổng đốc Ái Tất Đạt.
Năm Càn Long thứ 31, Hữu Nỗ Lộc thị nhập cung, được phong làm Quý nhân. Khi đó bà 18 tuổi, kém Càn Long 38 tuổi.
Năm Càn Long thứ 33, bà được phong Thuận tần, bảy năm sau được tấn phong là Thuận phi.
Năm Càn Long thứ 53, Thuận phi bị giáng xuống Thuận Quý nhân. Cùng năm đó, Thuận Quý nhân qua đời, hưởng thọ 41 tuổi.
Càn Long khắc nghiệt với con cái ra sao mà khiến các hoàng tử không chết thì cũng ngẩn ngơ, có người giả điên để tránh tai họa đổ xuống đầuĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất