Khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021

06/11/2022 09:00 GMT+7 | Văn hoá

Sau 1 năm gián đoạn do dịch Covid-19, tối 5/11, Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 đã chính thức diễn ra với Lễ Khai mạc tổ chức tại Nhà hát Nghệ thuật Cải lương tỉnh Long An.

22 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021

22 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021

Ngày 3/11, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An tổ chức họp báo Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021

Màn nghệ thuật chào mừng đã khiến khán phòng như vỡ òa với tiết mục "Hát từ cội nguồn" qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ: Vân Khánh, Thùy Trang và NSƯT Ngọc Đợi cùng vũ đoàn Bạch Dương. Tiếp theo đó, cùng với hai "Chuông Vàng Vọng cổ" Võ Mình Lăm (2006) và Diệu Hiền (2021), NSND Lệ Thủy đã chào đón bạn nghề trên khắp đất nước về tham dự Liên hoan bằng ca khúc "Long An xin chào", tiết mục là sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhạc sĩ Cao Minh Thu và phần vọng cổ của NSƯT Hồ Ngọc Trinh. Đối với khán giả mộ điệu Cải lương, NSND Lệ Thủy từ lâu đã trở thành "thần tượng", chính vì vậy sự xuất hiện của nữ nghệ sĩ đã làm thỏa lòng người xem ngay trước thềm khai mạc Liên hoan, làm cho không khí càng trở nên hào hứng hơn.

Chú thích ảnh
Lễ khai mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - khẳng định: “Cải lương là loại hình nghệ thuật có sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Theo năm tháng, loại hình nghệ thuật này đã có những biến cải về nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến cách thức bài trí sân khấu... Song, có thể khẳng định, dù có thay đổi, cải tiến đến đâu thì những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương như tính trữ tình, nét bi, sự khôi hài… vẫn tồn tại trong nhiều vở diễn kinh điển của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Nghệ thuật truyền thống Cải lương lương đã khẳng định được sức sống tiềm tàng mạnh mẽ bởi sự dung nạp, kết hợp, chọn lọc tinh hoa một số loại hình sân khấu trong và ngoài nước, tạo nên sự mới mẻ và có sức cuốn hút, đáp ứng sở thích của nhiều tầng lớp công chúng. Từ nôi văn hóa của vùng đất Nam Bộ, Cải lương đã phát triển rộng khắp, lan tỏa đến nhiều vùng, miền của đất nước và trở thành một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Vở diễn “Bên dòng Long Khốt”

Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021 diễn ra trong 15 ngày, từ ngày 5-20/11, do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTTDL tỉnh Long An tổ chức. Các vở diễn tham gia lần này có sự đa dạng về đề tài, phản ánh được hiện thực cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân, góp phần vào việc đấu tranh, phê phán cái xấu, lan tỏa cái đẹp, tình yêu thương, đức nhân hậu, thủy chung của con người, bồi dưỡng lòng nhân ái, vị tha với những giá trị Chân-Thiện-Mỹ.

Ngay sau lễ khai mạc, đơn vị chủ nhà Long An đã có phần thi đầu tiên với vở diễn “Bên dòng Long Khốt”. Ngày 6/11, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai và Đoàn Cải lương Hương Tràm sẽ dự thi với hai vở diễn “Sứ Mệnh” và “Hương Tràm”.

Thảo Nhi. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm