(TT&VH Online) - Tối 18/9, tại Tokyo đã diễn ra lễ khai mạc “Lễ hội Việt Nam 2008” tại Nhật Bản. Đây là một trong những hoạt động chính của “Tuần lễ Việt Nam 2008 tại Nhật Bản”, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, do Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, Công ty CIAT phối hợp tổ chức.
Đồng chí Hồ Đức Việt- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, trưởng ban tổ chức trung ương phát biểu khai mạc Lễ hội Việt Nam 2008 tại Nhật Bản. |
Sự có mặt của ông Hồ Đức Việt- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, trưởng ban tổ chức trung ương; ông Nguyễn Phú Bình- Đại sứ VN tại Nhật Bản, ông Komura Masahiko- Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Matsuda Iwao- Thượng Nghị sĩ, Trưởng Ban tổ chức phía Nhật… cùng đông đảo quan khách hai nước đã làm lễ khai mạc thật sự trang trọng và ấn tượng.
Lễ hội Việt Nam 2008 được coi là điểm nhấn của chương trình Tuần lễ Việt Nam năm nay. Diễn ra từ ngày 19- 21/9 tại Công viên Yoyogy của Thủ đô Tokyo, lễ hội bao gồm các hoạt động hội chợ, biểu diễn nghệ thuật, được giới thiệu qua những không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc truyền thống với ba phần nội dung chính: không gian trưng bày hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu doanh nghiệp tham gia hội chợ và biểu diễn nghệ thuật; không gian giới thiệu nghệ thuật ẩm thực và không gian giới thiệu những sản phẩm văn hóa, du lịch.
Lãnh đạo VN và Nhật Bản đập rượu khai mạc lễ hội Việt Nam 2008 |
Đặc biệt, trong những không gian này, còn có những triển lãm nghệ thuật sắp đặt theo từng chủ đề như: không gian tơ lụa, nghệ thuật tỉa hoa, trà đạo Việt Nam, không gian tre và gốm, không gian áo dài, xích lô, đường hoa, múa rối nước… cùng nhiều hoạt động trình diễn thời trang, nghệ thuật, biểu diễn một số lễ rước ngày hội truyền thống đặc sắc của Việt Nam…
Các gian hàng trong lễ hội |
Thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Tokyo là cuộc “ra quân” của các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc triển lãm, một hoạt động chính của lễ hội. Với sự góp mặt của hơn 50 gian hàng tại triển lãm, một hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, những tiềm năng kinh tế, du lịch của Việt Nam đã được giới thiệu đến đông đảo công chúng Nhật Bản. Có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham dự triển lãm lần này như Ban quản lý dự án Vịnh Hạ Long, Công ty CP Dịch vụ và thương mại Vinpearl, Công ty Furama Resort Đà Nẵng, Công ty TNHH Sài Gòn Moring Huế, Công ty TNHH Hương Giang (Huế). Đều mang chung một khát vọng muốn “chinh phục” những du khách Nhật Bản, các doanh nghiệp đã mang tới một hình ảnh Việt Nam xinh đẹp, thân thiện và mến khách. … Phát biểu tại cuộc triển lãm, TS- HH Đoàn Thị Kim Hồng, đại diện BTC cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn, thông qua sự kiện này, người dân Nhật Bản sẽ có điều kiện được tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa, du lịch và các sản phẩm truyền thống Việt Nam và cùng với sự hiểu biết này, sẽ có một làn sóng du lịch và đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam”.
Tham dự lễ hội lần này, cũng có rất nhiều gương mặt doanh nghiệp Việt Nam đã quen thuộc với phía Nhật đã xuất hiện trong cuộc triển lãm cũng như Diễn đàn các tổ chức kinh tế VN- Nhật Bản. Lần thứ 3 tới Nhật, mang theo gần 100 sản phẩm tranh đá quý, giới thiệu những cảnh đẹp của Việt nam và Nhật Bản, cùng những nét sinh hoạt, đời sống của Việt Nam và Nhật Bản, ngoài khát vọng giới thiệu về nét văn hoá của Việt Nam, sự khéo léo vài tài tình của nghệ nhân Việt Nam trong việc đưa ngọc lên tranh, Nghệ nhân- Doanh nhân Đào Trọng Cường của Công ty Thần Châu Ngọc Việt rất tin tưởng sẽ tiếp tục chinh phục được thị trường “khó tính” này.
Tiết mục nghệ thuật chào mừng |
Cũng một tâm trạng như vậy, doanh nhân Cao Văn Tuyến- Tổng giám đốc Công ty TNHH 283, người rất nổi tiếng với những sản phẩm từ da cá sấu cũng rất tự tin với những sản phẩm của minh sẽ chinh phục được thị trường Nhật. Và đặc biệt, một thông điệp nữa mà ông Tuyến mang tới Nhật lần này là mong muốn “quảng bá tinh thần bảo tồn thiên nhiên với việc bảo tồn và phát triển loài cá sấu. Ông Tuyến tâm sự: “Tôi đã vào những siêu thị của Nhật và chứng kiến những sản phẩm giả da cá sấu được bán tới hàng chục triệu Yên. Vậy thì chẳng có lý do gì mà người Nhật không đón nhận những sản phẩm bằng da cá sấu thật với giá tương tự hoặc đắt hơn 1 chút. Lần này, tôi giới thiệu với công chúng Nhật những chiếc túi xách, ví, giày… bằng da cá sấu do chính tôi thiết kế, vừa mang nét đẹp hiện đại, khoẻ khoắn, vừa không làm mất đi vẻ sang trọng của chất liệu này”.
Thứ trưởng Vũ Dũng (Bộ Ngoại Giao) và đại diện BTC TS- HH Đoàn Thị Kim Hồng tại Lễ Hội Việt Nam 2008 |
Và đặc biệt, có 1 “doanh nghiệp” khiến ai cũng ngỡ ngàng là trường ĐH Hồng Bàng – thành phố HCM với những sản phẩm thủ công mĩ nghệ do chính sinh viên khoa tạo dáng mỹ thuật Công nghiệp của trường thực hiện. Những chiếc rổ mây, tre, xích lô gỗ, chổi bông cỏ, nồi và bếp than bằng đất nung, thớt gỗ me… của trường đã thật sự khiến người xem thích thú. Hiếu, một cô gái Việt Nam lấy chồng tại Nhật tới xem triển lãm đã tâm sự: “Tới với triển lãm này, em như được trở về nhà. Những sản phẩm của Việt Nam chúng ta thật sự và đẹp, tinh xảo và giàu tính truyền thống”.
Kéo dài tới hết ngày 21/9, dự kiến cuộc triển lãm này cùng với lễ hội VN sẽ thu hút khoảng 300.000 du khách tới tham quan.
Tuyết Anh