Khắc gỗ của Khắc Hân: Những đứa trẻ 'khác' trong mỹ thuật Việt Nam

17/05/2021 08:33 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - “Nếu chúng ta nhìn vào hình tượng những đứa trẻ trong mỹ thuật Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn vẹn nguyên những vẻ đẹp trong sáng, tinh túy gắn với người phụ nữ Việt Nam… Các họa sĩ tiền bối đã rất thành công. Nhưng những đóng góp xuất sắc của Hân đã mang tính lật trang cho hình tượng trẻ em trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét.

Triển lãm 'Khắc Hân khắc gỗ': Một kỹ thuật đỉnh cao - một nghệ thuật chiều sâu

Triển lãm 'Khắc Hân khắc gỗ': Một kỹ thuật đỉnh cao - một nghệ thuật chiều sâu

Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân (sinh 1978, Bắc Ninh), đánh dấu 10 năm chuyên tâm với tranh khắc gỗ đen trắng.

Rất tâm đắc với hình tượng thiếu nhi trong tranh khắc gỗ của Khắc Hân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, bộ tranh này xứng đáng được đề cử Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn.

Triển lãm Khắc gỗ Khắc Hân diễn ra đầu tháng 4 vừa qua tại Trung tâm triển lãm ArtSpace, 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội đem đến đầy bất ngờ. Có thể nói đây là một triển lãm thành công, chinh phục được khán giả không chỉ bởi kỹ thuật khắc gỗ truyền thống điêu luyện đạt đến độ tinh xảo, vượt lên trên những hạn chế của thể loại tranh khắc gỗ truyền thống, mà còn bởi nội dung phản biện xã hội sâu sắc.

Chú thích ảnh
Trích đoạn tác phẩm “Một mình 2” - bộ tam bình khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân

Những đứa trẻ xuất hiện trong tranh của anh để lại sự gờn gợn trong lòng người xem. Chúng khác với hình ảnh về trẻ thơ đã được “cài đặt” trong tâm trí chúng ta, và cũng rất đặc biệt so với hình ảnh trẻ thơ trong mỹ thuật Việt Nam trước đó.

Mỹ thuật dân gian Việt Nam phản ánh đời sống làng quê và cũng là nơi gửi gắm mong muốn của nhân dân trong đời sống bình dị đó. Hình ảnh thiếu nhi trong tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng là những em bé trai, bé gái tròn trịa khỏe mạnh, ôm gà ôm vịt, đại diện cho ước muốn có nếp có tẻ, vinh hoa phú quý của các bậc cha mẹ ông bà. Hay hình tượng em bé ôm rùa tượng trưng cho ước mong gìn giữ một giá trị trường tồn của dân tộc là Lễ - Trí. Những bức tranh vui tươi miêu tả sinh hoạt hàng ngày như em bé chơi với chim, chăn trâu thổi sáo hay trẻ em là nhân vật phụ trong những tranh Hứng dừa, Đánh ghen… đầy hóm hỉnh.

Những bức tranh dân gian trong nhiều thế kỷ đã ấn định hình ảnh trẻ thơ Việt Nam như một phần trong sáng đầy hy vọng của làng quê Việt.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Đánh cắp giấc mơ 1 – bộ tam bình khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam ra đời, người ta biết đến trẻ em nông thôn với Em bé cho chim ăn, Chơi ô ăn quan (1931) của Nguyễn Phan Chánh. Đến bức sơn dầu Em Thúy (1943) của Trần Văn Cẩn, lần đầu tiên hình ảnh một em bé Việt Nam được làm nhân vật trung tâm trong mỹ thuật, dường như chứa đựng cả tâm tư tình cảm của cá nhân em lúc đó. Nhưng những tình cảm ấy chỉ mơ hồ, cũng giống như vẻ đẹp mà họa sĩ Tô Ngọc Vân diễn tả trong bức Hai thiếu nữ và em bé năm 1944.

Sau năm 1945, mỹ thuật hòa vào cuộc kháng chiến của dân tộc, trẻ em lại trở về vị trí mang tính biểu tượng. Tiêu biểu là những bức tranh về tình cảm mẹ con của họa sĩ Lê Thị Lựu, hay bức Xưởng thêu của Lương Xuân Nhị, Em bé đọc sách của Mai Thứ, Bác Hồ với thiếu nhi của Nguyễn Sỹ Ngọc, Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng của Đỗ Hữu Huề, Bác Hồ với thiếu nhi của Huy Oánh, Tiếng đàn bầu của Sỹ Tốt … Ở đó, trẻ em là điểm xuyết trong đề tài về tình cảm cảm gia đình, sinh hoạt, lao động sản xuất hay chiến đấu… để ca ngợi và cổ vũ tinh thần kháng chiến.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Xưởng thêu” - sáng tác khoảng 1936-1937,  tranh lụa của Lương Xuân Nhị

Sau Đổi mới đến nay, vẽ về trẻ em, các họa sĩ phần lớn vẫn lột tả cho được vẻ hồn nhiên trong sáng. Biểu tượng hạnh phúc, niềm tin, hy vọng của trẻ em vẫn là lý do mà chúng được xuất hiện trong những tác phẩm hội họa điêu khắc. Vẻ đẹp của trẻ em trong mỹ thuật Việt vẫn không mấy thay đổi.

Nguyễn Khắc Hân không xuất hiện nhiều, nhưng mỗi lần anh được nhắc tới là gắn liền với một giải thưởng lớn, chinh phục cả hội đồng nghệ thuật lẫn đồng nghiệp và người thưởng ngoạn.

Xung quanh những khám phá của Nguyễn Khắc Hân về hình tượng thiếu nhi, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

* Thưa ông, ông có nhận xét gì về hình ảnh trẻ em trong triển lãm tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân vừa qua?

- Hình tượng trẻ em mà Hân khắc họa rất khác so với ở những những bức tranh trước đây - ở đó, những đứa trẻ chỉ làm đẹp cho khung cảnh chứ không phải nhân vật trọng tâm. Còn Nguyễn Khắc Hân thì đưa những đứa con trai của mình vào tranh, chúng sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà của chính vợ chồng anh, nhưng nó lại là câu chuyện ám ảnh của nghệ thuật Việt đương đại.

Hai đứa con chỉ là cái cớ để Hân bày tỏ chính kiến sống và quan điểm nghệ thuật. Chủ đề tranh của Hân đơn giản và bình dị như câu chuyện hàng ngày, chẳng mấy ai hay về những đứa trẻ trong xã hội mới. Nhưng nếu nhìn sâu và cẩn trọng thì người xem như bị thôi miên bởi nét khắc sắc sảo, tinh tế hết sức điêu luyện. Nhưng những nét khắc đó như những nhát khía xót xa vào hình hài những đứa trẻ để bất kỳ ai cũng phải tự ngẫm lại mình.

Hân đã tạo ra một hành trình yên lặng trong 10 năm qua để thấy được mối bận tâm của Hân là những đứa trẻ.

Chưa bao giờ có những tác phẩm vẽ hay viết về thiếu nhi đặc sắc, rung động, biểu cảm tinh tế như thế. Cũng như chưa từng có những tác phẩm về thiếu nhi có giá trị hiện thực xã hội sâu sắc đến thế… Chưa từng có một tác giả nào thành công như Hân trong triển lãm vừa qua.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chân dung em bé” sáng tác năm 1959 - tranh lụa của Lê Thị Lựu

* Ngoài mặt nội dung tư tưởng, ông có đánh giá như thế nào về các yếu tố khác làm nên sự thành công của Nguyễn Khắc Hân?

- Nghệ thuật khắc gỗ dân gian được thể hiện rất xúc động qua các dòng tranh dân gian, rồi đến các thế hệ mới của mỹ thuật Đông Dương và giai đoạn sau Đổi mới thì cũng nương theo truyền thống dung dị, nhưng phải đến thế hệ 7X của Nguyễn khắc Hân mới có một bước ngoặt hết sức quan trọng, định nghĩa lại tranh khắc Việt Nam.

Về kỹ thuật, tranh khắc của Hân không còn sự mộc mạc thuần túy mà đã đạt đến nét khắc tinh tế, giàu biểu cảm nhất. Cách tổ chức không gian trong những cấu trúc ghép bộ 3, bộ 5 đã giúp Hân giải quyết câu chuyện nghệ thuật ý niệm hết sức khô khan về đời sống người Việt.

Ở một không gian rộng lớn như vậy mà Hân vẫn xử lý được cấu trúc nét thống nhất tinh tế, để thấy đây thực sự là một bàn tay tài hoa, giàu trí tuệ, nhân văn mà điềm tĩnh, dồn nén chăm chút cho từng nét khắc điêu luyện, buộc người xem phải bám theo những nét khắc mà mở ra những câu chuyện, xúc cảm nhiều ý nghĩa.

Nét đen và trắng cô đọng, kiệm lời nhưng biểu cảm. Chỉ có 2 màu đen trắng nhưng tạo nên trùng trùng lớp lớp các sắc độ trong tác phẩm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Công trình cho con” - bộ tam bình khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân

Tác phẩm Công trình cho con là toàn bộ đời sống của văn hóa Việt, làng nghề Việt. Đó là sự xác lập nhân cách cho đứa con/ đứa trẻ Việt ngay từ đầu. Đó là sự thành công mà trong 10 năm qua anh im lặng để đi đến cùng với nghề. Giữ cho được bàn tay điêu luyện, bài học trong im lặng, tự bảo trọng phẩm cách và tài năng của mình trong bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống trong xã hội đương đại.

Đây là một đóng góp xuất sắc cho xu thế thay đổi nền đồ họa đương đại Việt Nam. Nguyễn Khắc Hân đã thử thách mình qua nhiều chất liệu khác nhau như khắc kẽm, khắc khô trên mica, ăn mòn kẽm… nhưng chỉ riêng đến khắc gỗ, Nguyễn khắc Hân mới chế ngự hoàn toàn trên con đường đồ họa đương đại Việt Nam.

* Theo ông, nhìn rộng ra thì nghệ thuật của Nguyễn Khắc Hân có giá trị như thế nào đối với xã hội?

- Xã hội càng phát triển thì áp lực càng lớn không chỉ với người lớn mà còn làm lão hóa những đứa trẻ. Trước kia, môi trường sống của trẻ em Việt Nam an lành đến thế để văn hóa truyền thống phát tiết ở làng quê, còn giờ đây, văn hóa truyền thống rất khó khăn để phát tiết ở đô thị. Văn minh đô thị là thứ nguy hiểm, đầy cạm bẫy đối với đứa trẻ. Giá trị cảnh báo âm thầm trong những bức tranh của Hân mang sức nặng lớn đối với xã hội. Bởi vậy trong cả nền văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại, đặc biệt là giải Dế Mèn mà báo Thể thao và Văn hóa vừa phát động thì tôi nghĩ đây là một đề cử xứng đáng.

Nguyễn Khắc Hân đã thả mình trong nhịp sống của xã hội Việt đương đại để phát hiện ra cái thuộc về mình - tài sản nội tâm tạo nên đời sống tâm hồn người nghệ sĩ - thứ đối với Hân chính là những đứa trẻ. Tâm hồn Hân được nuôi dưỡng từ làng quê Kinh Bắc, từ tranh Đông Hồ. Qua tranh của Hân, những hình ảnh quen thuộc trong bức tranh quê của người Việt một lần nữa lại được làm sống động nhưng nó đã trở thành một tài sản mới, chứ không phải một sự nhắc lại hay nhại lại vốn cổ.

Về cá nhân tôi, tôi đã dõi theo Hân từ rất nhiều năm nay chứ không phải chỉ sau những giải thưởng lớn mà anh đạt được gần đây. Thành công khẳng định từ năm 2015 của anh trong bức A Di Đà Phật là những ghi nhận đầu tiên và thuyết phục tuyệt đối của hội đồng nghệ thuật. Sau đó là liên tục những giải thưởng của anh ở các cuộc thi…

Tôi tin rằng mục đích của Hân không phải là những giải thưởng, Hân sống khép kín và không phải là người bận tâm về danh vọng hào quang bởi tranh của Hân đã tự là hào quang tỏa sáng với những giá trị đen trắng chân xác nhất của phẩm cách và về tài năng…

* Cảm ơn ông!

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bác Hồ với thiếu nhi” - tranh in năm 1950 của Nguyễn Sỹ Ngọc
Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” - sơn dầu của Đỗ Hữu Huề vẽ năm 1976
Chú thích ảnh
Tác phẩm Tiếng đàn bầu năm 1963 - Sơn dầu của Sỹ Tốt
Chú thích ảnh
Tác phẩm Biến dạng bộ 5 tranh khắc gỗ - Nguyễn Khắc Hân
Chú thích ảnh
Tác phẩm Biến dạng bộ 5 tranh khắc gỗ - Nguyễn Khắc Hân
Chú thích ảnh
Tác phẩm Khoảng không – bộ 4 tranh khắc gỗ - Nguyễn Khắc Hân
Chú thích ảnh
Tác phẩm Đuổi bắt giấc mơ Khắc gỗ bộ tam bình - Nguyễn Khắc Hân
Chú thích ảnh
Tác phẩm Ngắm - bộ 5 tranh - Nguyễn Khắc Hân

   

Vài nét về Nguyễn Khắc Hân

Sinh 1978, quê quán Bắc Ninh. Là họa sĩ chuyên ngành Đồ họa. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2006-2011). Hội viên hội mỹ thuật Bắc Ninh. Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam

Giải thưởng:

2020: Giải Nhì - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020

2019: Giải Nhất – Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng

Giải Nhất – Giải thưởng Hội Mỹ Thuật Việt Nam

Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

2018: Giải Khuyến khích – Triển lãm Mỹ thuật Khu vực 1

2016: Giải Nhì - Triển lãm Đồ họa ASEAN tại Việt Nam

2015: HCV của Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam

2011: Giải Ba - Triển lãm Festival Mỹ thuật Trẻ toàn quốc

2010: Giải Khuyến Khích – Triển lãm mỹ thuật toàn quốc

2009: Giải Nhất – Triển lãm Mỹ thuật Trường ĐHMTVN

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm