(TT&VH) - LTS: Với việc bầu đủ số lượng 15 ủy viên Ban chấp hành (BCH) như chỉ tiêu đại hội đề ra, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII có thể được xem là thành công hơn so với các kỳ đại hội gần đây. Về mặt hình thức thì như vậy, song đi vào chi tiết, nhiều hội viên lại nhận thấy đây là đại hội có nhiều luộm thuộm trong khâu tổ chức và những bất cập từng xảy ra trong một số kỳ đại hội trước đã lại có cơ tái diễn... TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phạm Khải xung quanh vấn đề này.
90% người đọc tham luận bị vỗ tay... mời xuống Trong bài viết Không chỉ để cho... vui in trên Chuyên đề Văn nghệ Công an số ra ngày 2/8/ 2010, người ta đã lên tiếng “cảnh báo”: “Bởi trong các đại biểu, có người hàng chục năm trời nay mới gặp nhau; có người đọc nhiều của nhau nay mới có dịp biết mặt, họ sẽ “tranh thủ” tối đa thời gian để hàn huyên, thăm hỏi đời sống, công việc của nhau. Cho nên, thiết nghĩ, các bản tham luận muốn gây được chú ý đối với các đại biểu cần được trình bày ngắn gọn, thiết thực, liên quan tới mối quan tâm chung của nhiều người” và “Kinh nghiệm cho thấy, những nhà văn có lối nói con cà con kê, dông dài những chuyện cá nhân tầm phào sẽ là những đối tượng dễ bị... vỗ tay mời xuống”. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần này, số đại biểu đọc tham luận bị vỗ tay... mời xuống xem ra còn nhiều hơn các kỳ đại hội trước (với tỉ lệ chiếm tới 90%).
Bỏ phiếu bầu BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII
Rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp lên đọc tham luận trước đó, nhà phê bình văn học Phan Trọng Thưởng hứa “sẽ không làm mất thì giờ của đại hội”, song khi ông đọc đến đoạn “Nhà văn cần phải...” thì nhận được một tràng vỗ tay. Nhà phê bình văn học Lê Quang Trang là người điều hành buổi tham luận, không biết có phải vì quá đồng cảm với bài viết của đồng nghiệp mà phải băn khoăn hỏi lại: “Tôi không hiểu vỗ tay tán thưởng hay vỗ tay mời xuống”. Mọi người ồ lên, vỗ tay mời xuống. Nhà phê bình Phan Trọng Thưởng tiếp tục đọc. Các đại biểu lại vỗ tay... Nói chung, nhiều nhà văn khi bị vỗ tay mời xuống, họ đều cố đọc cho hết bản tham luận. Một số đại biểu thấy vậy đã phải bình luận: “Cứ cố mà đọc trong tiếng vỗ tay ấy, không hiểu có tác dụng gì”. Công bằng mà nói, trong các phát biểu, các bản tham luận được trình bày tại đại hội không phải không có những ý kiến tâm huyết, những sáng kiến, đúc kết quý báu, nhưng, như trên đã nói, một phần do tâm thế của các đại biểu (gặp nhau, muốn hàn huyên, trao đổi riêng với nhau), một phần do trục trặc của hệ thống loa đài, và một phần do các đại biểu không biết cách “nhấn nhá” sao cho ấn tượng nên suốt thời gian diễn ra đại hội, mặc dù đã có gần bốn chục nhà văn tham gia phát biểu, song chỉ có dăm ba người là thoát khỏi tình cảnh bị vỗ tay... mời xuống. Tất nhiên, ở đây cũng cần phải nói thêm một điều: Dù không muốn nghe song không phải “tất cả mọi người đều đồng loạt vỗ tay” như một trang web nào đó đã thông tin. Sự thực là gần như những tiếng vỗ tay chỉ chủ yếu xuất phát ở mé phải của hội trường. Tiếc là trong các nhà văn tham gia Chủ tịch đoàn, không phải ai cũng dứt khoát, mạch lạc trong việc điều hành đại hội: Như khi nhận thấy đại biểu phát biểu dài dòng quá thì nhắc nhở ngay (có lẽ họ ngại “đụng chạm” trước lúc bầu cử chăng?), đừng để các nhà văn ngồi dưới phải... “ra tay trước”. Nói gì thì nói, việc các nhà văn phải hành xử với nhau theo cách vỗ tay... mời xuống là một việc mà trong con mắt người đời, nó không được hay ho cho lắm. Lúng túng trong phát, kiểm phiếu Nhiều người đã biết, kể từ Đại hội Hội Nhà văn lần thứ IV đến trước thời điểm diễn ra đại hội này, chưa đại hội nào bầu được đủ số lượng thành viên BCH như chỉ tiêu đặt ra. Thậm chí, cả 4 kỳ đại hội đó, chưa lần nào số lượng ủy viên BCH của Hội tới được con số 10. Đại hội VII, tình hình còn “thê thảm” đến độ, số ủy viên BCH quá ít đã đành (6 người), lại là số...chẵn (một việc tối kị vì gây khó cho việc biểu quyết). Bên thềm Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VIII, các báo đã nói “rát” về vấn đề này và bản thân nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, ngay tại phiên họp dành riêng cho các nhà văn đảng viên hôm 4/8 cũng đã phải đặt vấn đề: “Không phải các nhà văn ta hẹp hòi với nhau đâu, mà là chúng ta chưa biết cách tổ chức, khiến phiếu phân tán. Cần phải cải tiến phương pháp bầu cử”. Cải tiến như thế nào? Thật ra đáp án cũng đơn giản. Trong phiên họp ngày 5/8, toàn thể các đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua việc BCH Hội Nhà văn khóa VIII phải có số lượng 15 ủy viên. Để có danh sách 15 người này, ban tổ chức đã cho phát phiếu để các hội viên giới thiệu những ứng viên mà mình tín nhiệm. Căn cứ vào sự giới thiệu ấy, sẽ chọn từ cao xuống thấp 30 ứng viên (chứ không phải hàng trăm người như ở các đại hội trước) để sau đó, các đại biểu tiến hành bỏ phiếu chọn lấy 15 người. Phải nói, đây là một cách thức bầu cử khoa học. Song do ban kiểm phiếu chưa được thuần thục nên mặc dù đông tới 54 người, và với số phiếu thu về chỉ là 693, vậy mà phải mất tới... 7 tiếng đồng hồ mới kiểm đếm xong. Kết cục, tới khi kết quả được công bố thì đã gần 7 giờ tối. Lúc này, các đại biểu, đa phần đều từ tuổi lục tuần trở lên đã thực sự... oải (vừa mệt vừa đói). Vậy mà ngay sau đấy, họ lại phải tiếp tục lao vào cuộc bỏ phiếu chính thức. Các thành viên tổ kiểm phiếu được kêu gọi hãy sẵn sàng làm việc... qua đêm. Cũng cần phải nói thêm là sau khi kết quả đợt phát phiếu giới thiệu đề cử vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII được công bố, đã có 12 nhà văn nằm trong danh sách 30 người có số phiếu cao nhất được đề cử đã... xin rút, trong đó hầu hết là những nhà văn có số phiếu rất cao: nhà thơ Trần Đăng Khoa (đứng thứ 3 trong số tất cả các nhà văn được đề cử), nhà văn Hữu Ước (thứ 5), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (đứng thứ 8), nhà văn Hồ Anh Thái (thứ 9), nhà văn Phan Thị Vàng Anh (thứ 13), nhà văn Đỗ Bích Thúy (thứ 14), nhà thơ Bằng Việt (thứ 15)... Theo quy chế đã được đại hội thông qua, sẽ có 12 nhà văn đứng thứ tự từ 31 đến 42 được “đôn” vào danh sách này. Nhưng có lẽ vì thời gian quá muộn, mọi người xem chừng đã ngán nên đa phần đều không muốn bổ sung thêm 12 ứng viên nữa, để rồi cuối cùng họ đi đến thống nhất chốt lại ở danh sách 18 người. 18 người để bầu lấy 15 người. Có lẽ, lâu lắm rồi ở Hội Nhà văn Việt Nam mới có trường hợp các nhà văn ta “thoáng” với nhau đến vậy. Và đến lúc này thì việc phát phiếu gần như đã trở nên khó kiểm soát (báo Tuổi trẻ phải dùng cái tiêu đề Ồn ào và lộn xộn để nói về hiện tượng này). Bình thường ra thì các đại biểu phải ngồi nguyên trên ghế của mình, tổ viên tổ kiếm phiếu xuống kiểm đếm từng bàn và phát phiếu trực tiếp. Đằng này, như ong vỡ tổ, các nhà văn người đứng người ngồi, người cắp cặp chực ra về, tổ kiểm phiếu thì luôn miệng thông báo: “Mời các nhà văn nào chưa có phiếu lên trên này nhận phiếu”. Đã có những nhà văn lên nhận phiếu cho nhau... Trung tướng - nhà văn Hữu Ước cũng được phát... 2 phiếu. Ông chỉ bỏ một phiếu, phiếu còn lại ông trao trả nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội. Nhà văn Hữu Ước kiên nhẫn chờ tới lúc ban kiểm phiếu công bố kết quả. Và ông thở phào nhẹ nhõm nói với tôi: “Thật may là đại hội đã bầu đủ 15 thành viên cho BCH như đã thống nhất. Thế là tốt, chứ nếu không bầu đủ, tôi sẽ yêu cầu bỏ phiếu lại”. Trong cuộc trao đổi với tôi và các nhà thơ Trần Quang Quý, Bùi Đức Khiêm trong buổi chiều bế mạc đại hội, nhà thơ Quang Hoài, một thành viên tổ kiểm phiếu cũng thừa nhận, việc ban tổ chức vừa phát phiếu vừa in phiếu (chắc vì lý do thời gian gấp gáp - PV) đã khiến chuyện kiểm soát phiếu trở nên khó khăn hơn. Ông thật thà cho hay, hiện ông còn giữ cả tập tới vài chục phiếu in thừa trong cặp. Xin đừng coi đây là việc nhỏ Với việc bầu ra được một BCH đủ 15 người, trong đó có hai nhà văn dưới tuổi 50 (Nguyễn Thị Thu Huệ, Vũ Hồng), bốn nhà văn dưới tuổi 60 (Trần Đức Tiến, Nguyễn Quang Thiều, Văn Công Hùng, Võ Thị Xuân Hà), Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII được xem là tương đối thành công về mặt nhân sự. Tuy nhiên, nhìn lại hơn hai ngày tiến hành đại hội, trong khi việc kiểm điểm, chất vấn các thành viên BCH khóa VII chưa được tiến hành, một số kiến nghị của hội viên về bổ sung điều khoản “Chủ tịch Hội không được làm quá hai nhiệm kỳ” cùng một số vấn đề khác trong Điều lệ Hội chưa được lấy biểu quyết thông qua; hầu hết thời gian dành để đọc tham luận và bầu cử, vậy mà việc đọc tham luận thì có tới 90% đại biểu bị vỗ tay... mời xuống, việc bầu cử thì xảy ra những chuyện lộn xộn như trên - đây thực sự là vấn đề cần phải lên tiếng cảnh báo để các kỳ đại hội sau, chúng ta tổ chức được chặt chẽ, khoa học hơn. Theo tôi, xin đừng coi đây là việc nhỏ. Cứ thử hình dung, chỉ cần một đôi lá phiếu bị đưa “nhầm địa chỉ” thôi, tình thế có thể sẽ khác. Thì trong đại hội này, chẳng đã có một ủy viên BCH chỉ hơn người bị trượt có đúng một phiếu (354 và 353) đó sao?
Phạm Khải