Kei Nishikori: Người hùng tennis châu Á

14/10/2012 07:14 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Cuối tuần)- Kei Nishikori vừa đi vào lịch sử tennis không chỉ của Nhật Bản mà cả châu Á với chức vô địch ATP 500 ở Japan Open.

Danh hiệu lịch sử

Đó không chỉ là ước mơ từ tấm bé của Kei Nishikori. Ngay cả những người được coi là vĩ đại nhất của tennis châu Á như Vijay Amritraj (Ấn Độ, hiện làm bình luận cho kênh Star Sport) hay Paradorn Srichaphan (Thái Lan) cũng mới được nếm thử những vị ngọt vinh quang ở một số giải đấu thuộc cấp độ ATP 250.

Japan Open, được xếp vào danh mục ATP Tour cách nay đúng bốn thập kỷ, giờ là một giải đấu thuộc cấp độ ATP 500, vốn không phải là đất diễn cho những tay vợt đến từ những nền tennis đang phát triển. Trong sáu năm từ 2006-2011, chiếc cúp vô địch của giải đấu đều được trao cho những người nằm trong top 10 thế giới, từ Rafael Nadal và Roger Federer cho tới Andy Murray, Tomas Berdych hay David Ferrer. Trong quá khứ xa hơn, những người chiến thắng ở giải đấu ATP hiếm hoi được tổ chức ở châu Á (gần đây mới có thêm China Open) cũng là những nhà vô địch Grand Slam hay những người đứng hàng đầu bảng xếp hạng thế giới: Pete Sampras, Stefan Edberg, Jim Courier. 



Kei Nishikori đã làm nên lịch sử với chức vô địch Japan Open- Ảnh Getty

Kết quả Nishikori vô địch là bất ngờ. Xếp hạng thứ 17 thế giới hiện tại, Nishikori chỉ là hạt giống số tám. Nhưng cách chàng trai trẻ mới 22 tuổi lên ngôi là xuất sắc và thực sự xứng đáng. Khi Kei Nishikori nhoài hết người để trả cú giao bóng sấm sét của Milos Raonic, bóng rơi vào sân đầy bất ngờ khiến một Raonic có phần chán nản đã đánh bóng vào lưới, set thứ ba quyết định trong trận chung kết dừng lại ở tỉ số 6-0 cho chàng trai dũng cảm người Nhật Bản. Hai set trước đó Nishikori thắng set đầu qua tie-break, còn Raonic vùng lên ở set hai để thắng lại 6-3.

Màn trình diễn trong trận chung kết ấy thực tế cũng chỉ là sự tiếp nối những gì chính anh đã thể hiện trong chặng đường tiến vào chung kết, đánh bại top 10 Berdych hay á quân của Australian Open 2006 Marcos Baghdatis ở các vòng tứ kết và bán kết. 

Giấc mơ Mỹ

Đúng mười năm trước, Nishikori lọt vào tầm mắt của đội ngũ chuyên đánh giá tiềm năng đến từ học viện lừng danh IMG - Nick Bollettieri ở Mỹ. Cậu bé 12 tuổi được lựa chọn. Vượt qua ba tuần thử thách, Nishikori chính thức gia nhập lò đào tạo những nhà vô địch Grand Slam và số một của tennis Mỹ và thế giới.

Giấc mơ được gieo trong đầu Nishikori vô cùng giản dị: Vượt qua Shuzo Matsuoka, một huyền thoại của tennis Nhật Bản, từng đứng thứ 46 thế giới. Tức là Nishikori luôn được nhắc tới như một niềm hy vọng của Nhật Bản có thể vươn lên đứng thứ 45 thế giới trong một ngày nào đó.

Thực ra, mục tiêu ấy còn có từ sớm hơn nữa. Khi Nishikori từ chỗ chỉ là một cậu bé có năng khiếu và thể hiện được thêm tố chất về thể lực cũng như tinh thần thi đấu đã được chọn gia nhập ngôi trường đào tạo tennis của chính huyền thoại Matsuoka.

Nhưng chỉ khi Nishikori đặt chân tới học viện Nick Bollettieri ở Bradenton, Florida, con đường hoàn tất giấc mơ ấy mới được vẽ ra và từng kế hoạch cụ thể mới được xác lập. Nishikori được đánh giá là có cú thuận tay sấm sét, đôi chân khá nhanh, nhưng lại bắt vô-lê rất tệ và có cú giao bóng như một kẻ mới tập chơi. Nishikori mặc dù có sự chăm chỉ điển hình của người Nhật, đam mê cháy bỏng được cầm vợt tennis ở mọi nơi mọi lúc, nhưng lại vấp phải rào cản về ngôn ngữ và tỏ ra cực kỳ nhút nhát.

Nói về anh, giám đốc tennis kiêm trưởng đội ngũ huấn luyện viên của học viện, ông Gabe Jaramillo bảo rằng trong số 800 đứa trẻ đến từ 132 quốc gia khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, nhiều em có những tố chất vượt trội so với Nishikori, nhưng đa phần đều rơi rụng vì thiếu ý chí và lười nhác.

Vì thế, Jaramillo đã lập ra một ê-kíp tới 14 người, những người gắn bó với Nishikori từ khi mới đến và sẽ sát cánh cùng với anh trong chặng đường chuyên nghiệp về sau. Trong số ấy, Nick Bollettieri chuyên về kỹ thuật, Red Ayme chuyên tập luyện hàng ngày, Glenn Weiner sẽ là huấn luyện viên đi cùng Nishikori mỗi khi đi đánh giải, Sybil Ayme là một giáo viên dạy yoga, tiến sĩ Angus Mugford chuyên về tâm lý, Steve Shembaum chuyên huấn luyện kỹ năng ứng xử với truyền thông, Sally Parsonage chuyên về dinh dưỡng, Kevin Murdock là chuyên gia vật lý trị liệu, đại diện Olivier van Lindonk và Ben Crandell, Sato Nakajima kết nối với gia đình của Nishikori, Juan Herrera chuyên gia cơ bắp, và Yutaka Nakamura là huấn luyện viên thể lực.

Kỷ lục đầu tiên



Kei Nishikori và huấn luyện viên Gabe Jaramillo- Ảnh Getty

Sau gần sáu năm ăn tập ở học viện Nick Bollettieri, Nishikori được khuyến khích tham dự nội dung trẻ ở Roland Garros. Chàng trai 17 tuổi ấy lập tức giành được chức vô địch đôi nam và lọt vào tới tận vòng tứ kết (chấn thương bụng ảnh hưởng tới kết quả).

Hai năm sau, ở giải đấu ATP thứ hai mà anh tham dự, Nishikori đã làm nên điều kỳ diệu: Vô địch giải ATP 250 ở Delray Beach sau khi đánh bại những tay vợt đã có số của Mỹ là Sam Querrey và James Blake. Nishikori lúc đó mới 18 tuổi và gần hai tháng, trở thành tay vợt trẻ nhất vô địch một giải ATP Tour kể từ khi Lleyton Hewitt vô địch ở tuổi 17 năm 1998.

Nishikori không muốn so sánh với huyền thọai Matsuoka, nhưng ông chỉ vô địch được giải đấu ATP tổ chức ở Seoul khi 25 tuổi và sau đó không thể giành thêm một danh hiệu ATP nào nữa. Còn Nishikori có cả một tương lai rộng mở ở phía trước. Hay Srichaphan cũng chỉ bắt đầu nếm trải những thành công ở cấp độ ATP ở tuổi 23.

Nhưng như một hậu quả của sự đốt cháy giai đoạn, việc tham dự các giải đấu ATP Tour khi chưa tích lũy đủ thể lực đã khiến Nishikori hứng chịu khá nhiều chấn thương. Từng vươn lên tới vị trí 64 cuối năm 2008 rồi thứ 59 đầu năm 2009, nhưng việc nghỉ thi đấu gần hết năm 2009 đã khiến Nishikori rơi ra khỏi top 1.000 ở đầu năm 2010.

Nhưng cũng chỉ mất nửa năm sau khi bình phục chấn thương để Nishikori quay trở lại top 100 thế giới. Tháng 5/2011, anh chính thức sánh ngang với Matsuoka khi leo lên vị trí thứ 46. Điều quan trọng là Nishikori không dừng lại ở đó, chỉ năm tháng sau, anh trở thành tay vợt Nhật Bản có vị trí cao nhất trong lịch sử ATP, đứng thứ 30. Và lại bốn tháng sau, 1/2012, Nishikori công phá được thành trì top 20 thế giới. 

Phía trước của Nishikori giờ đây là những đỉnh cao mới, là top 10 như Srichaphan của Thái Lan đã làm được mười năm trước đây, là một dấu ấn đặc biệt là Grand Slam như tay vợt nữ Li Na đã làm ở Roland Garros 2011.


Bollettieri nói về Nishikori

"Sức mạnh của cậu ấy là thể lực, bộ chân. Nishikori còn có tốc độ đầu vợt rất nhanh, khả năng phán đoán tốt, cảm giác trên sân rất tuyệt và chẳng bao giờ ngại ngần khi dứt điểm một đường bóng". Match Point: Novak Djokovic bảo vệ thành công danh hiệu ở China Open sau khi đánh bại Jo-Wilfried Tsonga trong trận chung kết 7-6(4), 6-2. Thành tích này giúp anh có cơ hội lấy lại ngôi số một nếu như anh thắng tiếp ở Shanghai Masters đang diễn ra (còn Federer dừng bước trước tứ kết). Cũng tại Trung Quốc, Maria Sharapova không thể đòi nợ Victoria Azarenka, đã thua trong trận chung kết với tỉ số 3-6, 1-6.


Phạm Tấn

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm