K-pop - Quyền lực mềm & “công nghệ hâm mộ”

29/11/2012 07:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo nhà báo Mỹ Linda Constant, cái thời người ta hoài nghi về khả năng thích ứng của K-pop đã là quá khứ, bất kể người ta có hâm mộ hay không. Google ra một kênh dành riêng cho K-pop, bài viết trên MTV về nhóm nhạc nữ SNSD được đọc nhiều hơn cả Jay-Z, Kanye West hay Robert Pattinson.

Đó là những tín hiệu nhỏ nhưng chứng tỏ K-pop đã vượt qua biên giới, không những thế, còn vượt xa biên giới.

“Quyền lực mềm” không thể hoài nghi

Trên Huffington Post, trong một bài báo nói về K-pop và vai trò tạo nên “quyền lực mềm” của nó, nhà báo Linda Constant  viết: “Chắc chắn nhiều người vẫn đang hoài nghi ảnh hưởng toàn cầu và vị thế một công cụ thực thi “quyền lực mềm” của K-pop, nhưng tôi có thể chỉ ra những lý do của sự hoài nghi đó. Thứ nhất, nó xuất phát từ một cách tiếp cận vấn đề có đôi chút kỳ thị chủng tộc (có xu hướng coi trọng giá trị Mỹ và phương Tây). Thứ hai, nó được xây dựng từ những thứ phổ biến (ví dụ, phong cách âm nhạc) vốn không dễ được nhìn nhận là trào lưu và xu hướng văn hóa mới, nếu không có sự giúp sức của các tập đoàn giải trí lớn và truyền thông”.

Bằng sự “xâm lăng” văn hóa quy mô lớn, K-pop hỗ trợ và được hỗ trợ về mặt lợi ích với các ngành kinh doanh dịch vụ khác của Hàn Quốc, chẳng hạn ngành du lịch.



Hình ảnh nhóm DBSK gồm Yunho (phải) và Changmin tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) vào ngày 28/11 khi sắp lên đường sang Việt Nam. Ảnh: TVReport

Đến bây giờ thì người Hàn đang thành công, bất chấp “mũi nhọn” K-pop ít nhiều cũng phải nhận những phản hồi tiêu cực: phong cách thiếu cá tính, nội dung âm nhạc (qua lời bài hát) nhiều khi vô nghĩa hoặc sáo rỗng, phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều, việc các ca sĩ trước và sau khi nổi tiếng phải làm việc quá sức…

Và, cực kỳ mạnh mẽ, là thái độ lên án, thậm chí không chấp nhận, những người hâm mộ quá khích đối với K-pop và họ bị gọi là “fan cuồng K-pop”.

Nhưng, phải nhắc lại là người Hàn đang rất thành công về quảng bá văn hóa. Không chỉ là âm nhạc. Tất cả các lĩnh vực văn hóa của Hàn Quốc đều đang hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai đang tổ chức tại Việt Nam, đại diện điện ảnh Hàn Quốc tham dự hội thảo Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới trong tư thế ngẩng cao đầu, bởi điện ảnh Hàn Quốc hầu như đã làm tốt một điều rất khó: có được sự ủng hộ của khán giả trong nước dành cho phim nội địa, trước sức ép của Hollywood. Thị phần phim trong nước tại các rạp chiếu Hàn trong năm 2012 này là 59%, dự kiến cuối năm có thể là 60%. Lượng khán giả xem điện ảnh trong năm đã là 180 triệu lượt người xem. Mỗi năm, các rạp Hàn chiếu 73 bộ phim nội địa.

“Công nghệ hâm mộ” kiểu Hàn Quốc

Nếu trước đây, khi các ngôi sao nhạc Hàn đến Việt Nam, người ta đã được chứng kiến cảnh hàng trăm người hâm mộ thức đến nửa đêm gần sáng để đợi đón thần tượng tại sân bay. Nhưng đến khi nhóm nhạc nam 2 thành viên DBSK đến sân bay Nội Bài vào ngày hôm qua (28/11) thì sự việc đã được nâng lên một tầm cao mới: nhiều bạn trẻ đã đến sân bay vào khuya ngày 27, ngủ lại và đợi thần tượng hạ cánh vào lúc 11h ngày 28.

Đến hẹn lại lên, sao Hàn lại sang. Mặc dù vậy, Đại nhạc hội K-pop lần này vẫn đáng chú ý nhất vì là sự kiện âm nhạc Hàn lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Độc giả Việt Nam nhờ đó mà có cơ hội được chiêm ngưỡng các màn đón thần tượng của nhiều “fan club” được chuẩn bị bài bản, đồng bộ: có tên riêng (Cassiopeia với DBSK, Sone với SNSD, ELF với Super Junior…); màu sắc riêng (dùng cho que sáng, bóng bay, áo đồng phục); cổ vũ theo bài riêng đã được học thuộc (fanchant), thường là do công ty chủ quản của nhóm nhạc “thiết kế” dành riêng cho nhóm đó, bài hát đó.

Việc đón thần tượng tại sân bay và đi xem ca nhạc cũng thực hiện theo quy trình bài bản, thường là học tập cách làm của cộng đồng fan các nước. Trong số fan, vài người có uy tín đứng ra tổ chức, chỉ đạo. Người hâm mộ tập hợp thành nhóm, thường là theo diễn đàn hoặc cụm diễn đàn, thuê xe bus riêng đi ra sân bay. Trước buổi biểu diễn thì in các tấm banner, poster có hình ảnh thần tượng. Đến khi đi xem biểu diễn cũng đi theo nhóm hàng chục hoặc hàng trăm người. Lúc xem biểu diễn, phải vẫy que sáng, bóng bay, giơ banner… theo nhịp. Việc hâm mộ trở thành “công nghệ” thực thụ.

Không rõ, ngoài Hàn Quốc thì có nền giải trí nào tồn tại “công nghệ hâm mộ” tương tự hay không, nhưng, ở Việt Nam, trước khi K-pop tràn vào, thì chưa cộng đồng fan nào có cách hâm  mộ như vậy cả.

Những người không chuộng K-pop có thể và nên chấp nhận “công nghệ hâm mộ” kể trên hay không là điều còn gây tranh cãi. Nhưng rõ ràng đã có sự xuất hiện của một khoảng cách văn hóa giữa các thế hệ, chỉ riêng qua cách hâm mộ.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm