Juve mong manh hàng thủ: Bước trung gian của cuộc cách mạng?

21/02/2010 12:27 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Cuộc cách mạng 3-4-1-2 của Alberto Zaccheroni đã đem lại hiệu quả trên phương diện thành tích: Juventus giành 2 chiến thắng liên tiếp ở Serie A (3-2 trước Genoa) và Europa League (2-1 trước Ajax). Thế nhưng thực tế, những kết quả ấy đến theo kiểu đốt cháy giai đoạn, chưa thiết lập được nền tảng cụ thể có chiều sâu.

Cứ tạm cho rằng Juventus đang hồi sinh, bởi không thể nhìn nhận quá tiêu cực về một đội bóng đã liên tiếp lội ngược dòng để giành lấy 2 thắng lợi vô cùng quan trọng trước những đối thủ khá cứng cựa, vào một thời điểm cơn khủng hoảng vẫn đang cháy âm ỉ. Sự tỏa sáng của Del Piero và Amauri cũng là một bằng chứng hoàn toàn logic về khả năng tấn công được cải thiện từ khi Zaccheroni áp dụng sơ đồ 3-4-1-2.

Tài năng như Buffon cũng có lúc mắc sai lầm đáng tiếc

Thế nhưng, sơ đồ ấy thực chất không đem đến quá nhiều những giải pháp tấn công tập thể, nó dường như chỉ đem đến sự kích thích về mặt tinh thần, giúp cho cặp tiền đạo của Juventus tìm lại những cảm hứng đã ngủ quên trong giai đoạn khủng hoảng nặng nề dưới thời Ciro Ferrara. Sự bùng nổ của cả Del Piero và Amauri mang nhiều màu sắc nỗ lực cá nhân: Alex nâng tỉ số 2-1 trước Genoa sau một pha bứt phá và dứt điểm mũi chân rất tinh tế, ghi bàn ấn định 3-2 từ chấm penalty sau khi chính anh bị phạm lỗi trong vòng cấm. Amauri chỉ cần 2 cơ hội để một mình đem về thắng lợi 2-1 cho Juventus trước Ajax, trong một trận đấu mà “Bà đầm già” đã phải co mình chịu trận trước sự cơ động của đội bóng Hà Lan.

Đó là mặt thực chất của cuộc cách mạng tấn công ở Juventus: Chưa định hình rõ rệt, dù đã đem đến những cảm hứng đáng giá cho các cá nhân vận hành nó, và cần thêm thời gian để thực sự hoàn thiện. Thế nhưng những lo ngại về sự lỏng lẻo của một sơ đồ hoàn toàn lạ lẫm với phong cách phòng thủ của Juventus cũng đã bắt đầu bộc lộ: Với chỉ 3 trung vệ, Juventus hoàn toàn lúng túng trong việc ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương.

Hàng thủ quá lỏng lẻo

Họ thiếu đi các chất liệu cần thiết để bảo đảm an toàn cho hệ thống phòng thủ ấy, mà quan trọng nhất là 2 người đá biên ở hàng tiền vệ, vốn dĩ phải công thủ cực toàn diện. Candreva (phải) hay De Ceglie (trái) khó có thể là giải pháp hợp lý, khiến Juventus rơi vào tình cảnh khi tấn công thì thiếu biến hóa ở biên, và khi phòng ngự thì cũng liên tục để đối phương khoét vào 2 cánh, khiến cho bộ 3 trung vệ rối loạn bởi không nhận được đủ sự hỗ trợ.

Sự lúng túng ấy rất dễ nhận thấy: 3 trận gần đây, Juventus đều bị dẫn trước, và phải sống nhờ cảm hứng bất chợt bùng nổ của Del Piero và Amauri. Hàng thủ của họ cũng dễ dàng để thủng lưới trước Livorno và Lazio, hai đội ghi bàn tệ nhất và… tệ nhì Serie A (Livorno 15 bàn, Lazio 19, tức cộng lại chưa bằng số lần Juventus chọc thủng lưới đối phương mùa này). Điều đáng sợ nhất: Trong khi sơ đồ 3-4-1-2 đang đem đến tinh thần chiến đấu đáng ngạc nhiên cho hàng công rệu rã, thì dường như lại triệt tiêu đi tinh thần và ý thức phòng thủ của Juventus.

Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất qua hình ảnh của Gianluigi Buffon, người được coi là chỗ dựa cuối cùng và đáng tin cậy đến nỗi mà khi Juventus thủng lưới quá nhiều, lý do rằng các đồng đội đã chủ quan do dựa dẫm vào tài năng của anh có thể được đem ra để bào chữa. Ở trận gặp Genoa, “Người nhện” đã chơi khá ngớ ngẩn và chính anh mắc sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn san bằng tỉ số 2-2 của Marco Rossi (bắt bóng không dính), bên cạnh khá nhiều pha xử lý thiếu an toàn.

Sự sụp đổ bất chợt của một tượng đài phòng ngự đã được cứu vãn kịp thời bằng sự tỏa sáng nhờ tinh thần hàng công. Có thể coi đó là một kết quả logic của một cuộc cách mạng mang thiến hướng tấn công: Muốn phóng khoáng và hướng lên phía trước nhiều hơn, thì phải sẵn sàng chấp nhận việc thủng lưới nhiều hơn. Câu hỏi ở đây: Đó là sự mất cân bằng nhất thời hay là bước trung gian để một cuộc cách mạng đi đến thành công? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm