'Jennifer ở thiên đường' - chuyện về bức ảnh photoshop đầu tiên của thế giới

17/06/2014 16:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đằng sau bức ảnh đơn giản, chụp một cô gái da rám nắng ngồi trên bờ biển ở thiên đường du lịch Bora Bora (thuộc Pháp), khoe lưng trần, mắt nhìn ra hòn đảo To'opua đằng xa là câu chuyện vừa lãng mạn vừa sáng tạo.

Bức ảnh trông không có vẻ gì là gây chấn động thế giới, mặc dù chụp một người đẹp để ngực trần, nhưng lại là một dấu ấn trong cả văn hóa lẫn công nghệ.


Bức ảnh Jennifer ở thiên đường của John Knoll chụp năm 1987.

Bức ảnh mở màn hoàn hảo của Photoshop

Theo Guardian, ảnh được chụp năm 1987, bởi chuyên gia công nghệ John Knoll, bằng máy phim Kodak. Cô gái trong ảnh là Jennifer, bạn gái của Knoll khi đó, sau này là vợ ông. Chính xác là Knoll đã cầu hôn bạn gái mình vào cuối ngày hôm đó, sau khi ông chụp bức ảnh.

Đôi tình nhân là đồng nghiệp tại công ty kỹ xảo Industrial Light & Magic thuộc hãng phim Lucasfilm. Lúc đó, họ đang đi nghỉ mát sau một dự án lớn. Nhớ lại kỷ niệm đó, Jennifer Knoll nói: “Đó thực sự khoảng thời gian đầy phép màu đối với chúng tôi”. Tên bức ảnh, Jennifer ở thiên đường, không có gì để bàn cãi.

Thời đó, khi làm việc ở công ty, Knoll thường sử dụng công cụ có tên Pixar Image Computer để chỉnh sửa ảnh bằng tay. Chiếc máy này trị giá hàng trăm nghìn USD và phần mềm để sửa ảnh quá phức tạp, cần đến cả thợ máy được huấn luyện riêng.

Anh trai của Knoll là Thomas, cũng là một chuyên gia công nghệ, đang nghiên cứu một phần mềm ưu việt hơn để dùng trên máy tính Macintosh Plus. Knoll đã có rất nhiều đóng góp trong việc phát triển phần mềm này cùng với anh trai. Cuối cùng, cả hai đã cho ra một phần mềm mà theo họ là sẽ hái ra tiền.


Tác phẩm được chỉnh sửa trong triển lãm của Constant Dullaart mới đây.

Thời đó còn quá ít ảnh số để thử nghiệm phần mềm này. Hai anh em Knoll đã đến phòng lab của tập đoàn Apple và dùng máy để quét ảnh in thành ảnh số. Bức ảnh duy nhất Knoll mang theo chính là bức Jennifer ở thiên đường.

Theo cách đó, Jennifer ở thiên đường đã trở thành bức ảnh đầu tiên được anh em Knoll chỉnh sửa bằng phần mềm được đặt tên là Photoshop đó. Knoll nhớ lại: “Đó là bức ảnh hoàn hảo để thử nghiệm phần mềm. Ảnh rất hút mắt và có thể gợi nhiều ý tưởng chỉnh sửa”. Bức ảnh rõ ràng, ít chi tiết, màu sắc đồng nhất.

Nhờ cuộc thử nghiệm đầy mãn nguyện này, Photoshop ra đời, được phát triển và tạo nên cuộc cách mạng trong cả nhiếp ảnh lẫn công nghệ.

Hồi năm 2010, nhân kỷ niệm sự ra đời của Photoshop, Knoll đã đăng tải môt video quay cảnh ông thực hiện các bước chỉnh sửa bức ảnh Jennifer ở thiên đường trên chiếc máy MacOS của Apple như đã làm hồi trước. Phần mềm Photoshop mà ông sử dụng cũng là bản đầu tiên. Ông làm các bước như nhân đôi hình ảnh người vợ, hình ảnh hòn đảo đằng xa, đổi màu nước biển…

Có thể chỉnh sửa, nhưng không bao giờ chụp lại

Nhưng chuyện không dừng lại ở đó, gần đây bức ảnh gây ra một tranh cãi nho nhỏ khi một phiên bản chỉnh sửa xuất hiện trong triển lãm Stringendo, Vanishing Mediators tại London (Anh) của nghệ sĩ Hà Lan Constant Dullaart. Phiên bản này xóa đi hầu hết các chi tiết, giữ lại 2 chi tiết chính là cô gái và hòn đảo. Đây cũng là tác phẩm trung tâm của triển lãm mở từ 13/6 đến 19/7.

Tác giả của bức ảnh, John Knoll không hài lòng với việc Dullaart sử dụng ảnh không xin phép. Ông nói với Guardian: “Tôi không hiểu nổi ông ta đang làm gì”. Trớ trêu là, Dullaart cũng sửa ảnh bằng Photoshop.

Còn Jennifer dễ tính hơn: “Vẻ đẹp của internet chính là việc người ta có thể chất liệu ở bất cứ đâu và thực hiện mọi ý tưởng với chúng, để thể hiện những gì họ muốn hoặc cảm nhận”.

Dullaart còn say mê bức ảnh đến nỗi muốn mời vợ chồng Knoll quay lại Bora Bora để chụp lại bức ảnh một lần nữa. Về ý tưởng này, Jennifer cười và nói: “Ôi, không. Không ổn chút nào”.

Mi Ly


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm