08/05/2013 12:25 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả của nhiều tiểu thuyết bán siêu chạy, hơn cả Dan Brown và J.K. Rowling, vừa bỏ tiền túi mua quảng cáo trên hàng loạt tờ báo lớn về văn học để kêu cứu cho sách và giới xuất bản.
Theo trang The Ledger, Patterson đã ra mua hẳn một trang quảng cáo trong mục Book Review của tờ New York Times vào Chủ nhật tuần trước, tiếp đó đến báo tuần Kirkus Reviews và hoành tráng nhất là cả bốn mặt bìa trước và bìa sau của tờ Publishers Weekly số mới nhất.
Nhà văn James Patterson có rất nhiều sách đã được dịch sang tiếng Việt và bày bán trang trọng trong hầu hết các nhà sách: Kẻ đầu tiên phái chết, Cơ hội thứ 2, Cấp độ 3, Ngày 4 tháng Bảy... |
Đó đều là những tờ báo lớn về văn học, nhờ đó thông điệp được in to đậm trong tờ quảng cáo của Patterson đến được với hầu hết những ai quan tâm đến văn học: "Ai sẽ cứu sách? Cứu các hiệu sách? Cứu các thư viện?".
Với tổng cộng khoảng 270 triệu bản, trong vài năm qua, Patterson đã bán được nhiều sách hơn Dan Brown, John Grisham và J.K. Rowling. Hiện tại, các cuốn sách của ông có mặt ở 4 danh sách bán chạy khác nhau của New York Times. |
Nhà văn từ chối tiết lộ số tiền ông phải bỏ ra để mua quảng cáo trên các tờ báo lớn kia. Nhưng đây cũng không phải lần đầu ông chứng tỏ nỗ lực quảng bá cho sách và văn học. Năm 2012, trang web ReadKiddoRead của ông đã mang tặng miễn phí 300.000 cuốn sách cho thiếu nhi và ông cũng quyên góp 250.000 cuốn sách cho quân đội Mỹ.
Patterson, người đã viết đến 108 cuốn tiểu thuyết, cả viết riêng lẫn viết chung với các tác giả khác. Trong đó, cuốn mới nhất là 12th of Never (thuộc bộ tiểu thuyết Women's Murder Club) ra mắt đầu tháng 5, ông là đồng tác giả với nhà văn Maxine Paetro. Sở hữu lượng tác phẩm khổng lồ, Patterson cũng bán được khoảng 275 triệu bản sách, theo nhà xuất bản Little, Brown của ông.
Cạnh tranh của sách điện tử
Trong khi vẫn đang thành công nhờ hai bộ tiểu thuyết Alex Cross (20 tập) và Women's Murder Club (12 tập) thì Patterson vẫn trăn trở về tương lai của ngành xuất bản trong bối cảnh công nghệ số đang tạo nên nhiều thay đổi.
Theo Publishers Weekly, doanh số sách giấy toàn cầu giảm 9% trong năm 2012. "Sách điện tử đã khiến ngành xuất bản gặp xáo trộn mạnh" – nhà văn 66 tuổi nói với The Ledger. "Sách điện tử không có gì sai. Đó là một thành tựu cực lớn. Nhưng vì nó mà mọi thứ thay đổi quá nhanh mà không thấy ai chịu ngồi lại và bàn bạc, rằng chúng ta sẽ bảo vệ sách như thế nào".
Ngành xuất bản không đơn giản thay đổi từ sách giấy sang sách điện tử như người ta tưởng, mà việc các hiệu sách biến mất, quỹ dành cho các thư viện ngày càng eo hẹp, tất cả đều đe dọa đến một cộng đồng đọc lành mạnh.
Maureen Sullivan, Chủ tịch Hiệp hội thư viện Mỹ, cho biết bà vừa gửi thư cảm ơn Patterson vì những hành động có tính khích lệ của ông. Các mẩu quảng cáo của Patterson khiến những nhà quản lý thư viện cảm thấy ấm lòng, Sullivan cho biết.
Quảng cáo kêu gọi cứu lấy sách của James Patterson trên tờ New York Times.
Các kiệt tác văn chương đi về đâu?
Nhưng bản thân Patterson không phải là người chịu thiệt hại quá lớn từ sự đi xuống của ngành xuất bản. Sách do ông viết hoặc viết chung xuất hiện trên mọi danh sách bán chạy, các kệ sách cả thiếu nhi lẫn người lớn, cả sách bìa cứng, bìa mềm lẫn sách điện tử.
Nhưng Patterson không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Trong quảng cáo, ông đăng kèm tên các tác phẩm văn học tiếng Anh kinh điển của các tác giả như William Faulkner, Toni Morrison và Thomas Pynchon. Ông tin rằng những cuốn sách của họ là một phần quý giá của văn hóa Mỹ.
"Nếu chỉ còn sót lại các nhà xuất bản nghiệp dư thì mọi chuyện sẽ ra sao? Sẽ rất khó để tìm ra các nhà văn có tài và giúp họ phát triển tài năng. Với "khí hậu" xuất bản như hiện nay, liệu chúng ta có tìm ra một Ulysses (tiểu thuyết kiệt tác của nhà văn James Joyce) mới?".
Patterson cùng không đồng tình với những hình mẫu nhà văn tự phô trương bản thân trên các mạng xã hội. Ông không cho rằng càng nhiều những người như vậy thì sẽ càng giúp ích cho nền văn học. "Các nhà văn độc đáo không ai tự quảng bá bản thân. Thật khó để hình dung J.D. Salinger của Bắt trẻ đồng xanh lại thèm lập một trang Facebook".
Nhưng Patterson thừa nhận chính ông cũng chưa nghĩ ra được giải pháp cho những gì ông chất vấn trong mẩu quảng cáo. Ông chỉ muốn khởi xướng cuộc bàn luận về việc cứu lấy sách.
"Tôi nghĩ báo chí không có mấy đóng góp tích cực trong chuyên này. Trên báo, bạn chỉ đọc được những thông tin như các nhà kinh doanh sách lớn đóng cửa, chẳng hạn Borders, hoặc về mức độ thiệt hại của ngành kinh doanh sách".
"Tôi nghĩ sách cũng nên đề cập đến những gì đang xảy ra trong xã hội. Một khi bạn đưa ra chủ đề khiến báo chí quan tâm, công chúng sẽ chú ý. Ngành xuất bản sẽ phát triển".
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất