Quái thai của Chiến tranh lạnh

23/11/2012 06:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cái ao khổng lồ mang tên Đại Tây Dương ngăn cách châu Âu và châu Mỹ đã bị John Alcock và Arthur Whitten Brown chinh phục từ năm 1919, nhưng hai châu lục không thể cùng lúc xem được chương trình truyền hình của nhau, đơn giản vì độ cong của Trái đất cản mọi bước sóng ngắn. Năm 1962 người Mỹ phóng vệ tinh truyền hình Telstar, trả đũa thành công cơn sốc Sputnik đến từ Liên Xô, để rồi lại tự tay ném nó vào sọt rác của lịch sử.

Nín thở đợi thời khắc lịch sử

Cuộc cách mạng kỹ thuật sẽ bắt đầu trong mấy giây tới. Walter Cronkite liên tục chấm mồ hôi trán trong khi nhìn chăm chăm vào ba màn hình đen thui. Anh là phát thanh viên thời sự quen thuộc nhất trên màn hình nhỏ của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ cao cả của anh hôm ấy, ngày 23/7/1962, là viết dòng đầu của lịch sử mới trong kỹ thuật truyền hình vệ tinh trực tiếp từ Bắc Mỹ qua châu Âu. Lần đầu tiên hai châu lục này được nối với nhau bằng vận tốc ánh sáng.

Vệ tinh Telstar

Hôm nay, khi ở bất kỳ xó xỉnh nào trên thế giới cũng có đủ kỹ nghệ để bắt sóng chương trình ti-vi của cả thế giới, ít ai thấu hiểu được những lo lắng của đầu thập kỷ 1960. Không chỉ khoa học kỹ thuật còn thô sơ, mà Đông-Tây còn nóng bỏng cuộc chạy đua để chứng tỏ ưu thế của chế độ mình trên mọi lĩnh vực an sinh xã hội, thể thao, công nghệ...

Kẻ từng “quét sạch” đường phố châu Âu hôm 23/7/1962 giờ chỉ là cục sắt vụn bay 200 năm nữa trong không trung

Để thực thi kỳ vọng mang tên “Cầu truyền hình qua Đại Tây Dương“ nhằm nối Washington, London, Paris và Berlin, trước đó hai tuần NASA đã đưa thành công vệ tinh Telstar lên quỹ đạo. 3 trạm mặt đất ở Mỹ, Anh và Pháp sẽ thu và phát tín hiệu qua Telstar để dấy lên một cuộc tâm lý chiến. Vệ tinh nhân tạo này là một quả cầu nặng 77 cân, lớp ngoài dán 3.600 mảnh pin mặt trời, có đường kính chưa đầy 1 mét nhưng chứa trong ruột hơn 15.000 linh kiện điện tử hiện đại nhất thời ấy, kể cả 1.000 tế bào bán dẫn. Dự tính Telstar sẽ có tuổi thọ ít nhất 2 năm để phục vụ cuộc Chiến tranh lạnh.

Nếu mọi việc trôi chảy.

“Hãy xếp tháp Eiffel bên cạnh Nữ thần Tự do!”

Đúng lúc Cronkite đang đợi một cơn đau tim thì một kỹ thuật viên báo đã nhận được tín hiệu từ trạm mặt đất của Pháp ở Pleumeur-Bodou. Trạm này sẽ cùng hàng xóm Cornwall (Anh) truyền tiếp tín hiệu đi khắp châu Âu trong một dự án truyền hình và truyền thanh chung mang tên Eurovision.

Cronkite gọi: “Eurovision? Eurovision, bây giờ chúng tôi sẽ đưa hình Nữ thần Tự do ở cảng New York lên nửa trái màn hình. Hãy xếp tháp Eiffel sang bên phải, được không?“.

Sau vài giây ngập ngừng, phóng viên BBC từ Bruxelles đáp: "Chào Walter Cronkite, chào Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, trên màn hình tôi thấy rõ cả hai biểu tượng”. Kỷ nguyên truyền hình mới có thể bắt đầu! 200 triệu khán giả châu Âu hồi hộp theo dõi những gì mà trước đó họ chỉ được xem “nguội” qua các phim trao đổi giữa hai bên. Sợi dây liên lạc giữa hai châu chỉ là điện thoại và điện tín đang dần trở nên lạc hậu.

Năm 1960 NASA thử đưa khinh khí cầu Echo lên không trung. Vỏ ngoài của nó tráng kim loại, có khả năng thu sóng radio chứ không phát được tín hiệu. Echo truyền được đúng... 1 bức ảnh từ Indiana tới Texas. Thế hệ vệ tinh thông tin sau đó đã tải được hẳn một bài hát từ Mỹ đến Anh, mở đường cho liên lạc trực tiếp bằng hình ảnh động, khiến người ta đã có quyền mơ ước được xem trực tiếp Thế vận hội 1964 từ Tokyo. Nước Mỹ ngây ngất đặt tên một “Phòng bưu điện vũ trụ”. Giới kinh doanh đánh hơi thấy nguồn tiền béo bở, vì giao lưu điện tín giữa hai châu lục đang làm kẹt đường cáp truyền dưới đáy biển. Đó là lý do tập đoàn truyền thông Mỹ AT&T tung 30 triệu USD vào phát triển vệ tinh Telstar. Và giờ đây, hy vọng ấy đang bay vun vút với vận tốc 28.000 km/h quanh Trái đất.

Công trình khai sơn phá thạch của Telstar hôm 23/7/1962 quét sạch đường phố châu Âu, vì tất cả đều tụ tập trước màn hình ti-vi bé tẹo ở nhà hoặc quán hàng. Tiền thân của các màn hình video khổng lồ ở mỗi giải World Cup bóng đá - ngày nay mang tên Public Viewing - là vậy đó.

Ngôi sao yểu mệnh

Dù được trang bị kỹ thuật tối tân nhất thời ấy, công năng của Telstar kém một chiếc iPhone hôm nay. Do không vận hành song song với trục quay của Trái đất, mỗi lần truyền hình chỉ được tối đa 18 phút, sau đó lại bị gián đoạn trên 2 tiếng rưỡi vì Telstar ra khỏi cửa sổ của Mỹ và châu Âu.

Hình ảnh đầu tiên lên sóng Eurovision là khuôn mặt Walter Cronkite, rồi đến Nữ thần Tự do, đường chân trời Manhattan, cầu Cổng Vàng ở San Fransisco. Sau đó đến trận bóng chày giữa Chicago và Philadelphia với lời chào trực tiếp từ hàng vạn lồng ngực trong sân vận động. Tổng thống đương nhiệm John F.Kennedy không bỏ lỡ dịp được nói chuyện trực tiếp với phần còn lại của thế giới, dĩ nhiên sau vài lời thống thiết về hòa bình của nhân loại là mục phản đối các thí nghiệm vũ khí nguyên tử của Liên Xô, kế đó là dàn hợp xướng “Glory, Glory, Hallelujaaaah”…

Tổng thống Kennedy xuất hiện trên chương trình phát sóng đầu tiên nối liền hai châu

Châu Âu đáp lại - sau cú giải lao 2 tiếng rưỡi bắt buộc - bằng loạt phim ngắn về tuần lộc của Thụy Điển, Điện Louvre ở Paris, Big Ben kiêu hãnh bên dòng Thames, Trường Huấn luyện ngựa Vienna, nhạc kịch Italia...

Không lời nào tả nổi sự phấn khích, những ngày sau đó hầu như không còn chủ đề nào được bàn tán sôi động hơn. AT&T vẽ kế hoạch phóng liền 50 vệ tinh để phủ sóng cả địa cầu, và chính khách Mỹ mơ đến ngày đưa các “giá trị Mỹ“ lên ngôi bá chủ.

Nhưng cuộc vui ngắn chẳng tày gang, chỉ hơn 4 tháng sau Telstar tịt ngóm. Và xấu mặt nhất không phải nhóm nghiên cứu của NASA, mà là Kennedy, người tận dụng nhịp cầu truyền hình đầu tiên xuyên Đại Tây Dương để thọc sườn Liên Xô về vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Vì chính Hợp chúng quốc vĩ đại của ông đã khởi hành chiến dịch Dominic hôm 9/7/1962, một ngày trước khi Telstar lên quỹ đạo. Dominic là loạt thí nghiệm vũ khí hạt nhân lớn nhất mọi thời, và dưới mật danh Starfish Prime người Mỹ đã điểm hỏa một quả bom nhiệt hạch với sức nổ 1,5 triệu tấn ở độ cao 400 cây số, dù không hề biết trước các hậu quả cũng như đường lan truyền của tia xạ trên vũ trụ.

Và trớ trêu thay, một trong những hậu quả đó đã hiển hiện nhãn tiền sau vài tháng: thoạt tiên một vệ tinh khoa học của Anh tê liệt, sau đó là một vệ tinh nghiên cứu của hải quân Mỹ, rồi 11/1962 thì đến lượt Telstar: các dòng hạt tích điện đã phá nát mọi tế bào bán dẫn, chỉ để sót lại bộ phận cảm ứng để truyền xuống đất kết quả đo độ phóng xạ cao gấp trăm lần mức cho phép.

Cục sắt vụn Telstar vẫn bay tiếp khoảng 200 năm nữa, trước khi rơi vào vùng khí quyển dày đặc hơn và... tự thiêu.

Lê Quang
Thể thao & văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm