Đâu rồi, những Milan Lab?

13/03/2011 06:29 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ cao của câu lạc bộ AC Milan, gọi tắt là Milan Lab, chính thức khánh thành vào tháng 7/2002 và có trụ sở đặt tại Trung tâm huấn luyện Milanello, từng được xem là hình mẫu cho các câu lạc bộ hàng đầu thế giới trong công tác nghiên cứu rèn luyện sức khỏe và điều trị chấn thương cho các cầu thủ. Mô hình này sau đó được nhân rộng ở nhiều nơi. Nhưng nay với hiện tượng các cầu thủ dính chấn thương hàng loạt và phải mất thời gian dài để điều trị, người ta đang đặt ra câu hỏi, phải chăng những Milan Lab đã lỗi thời?

Milan Lab, nơi có sự kết hợp hoàn hảo giữa các yếu tố khoa học và công nghệ, là địa điểm lý tưởng cho công tác rèn luyện thể lực, điều trị tâm lý cũng như điều trị chấn thương cho các cầu thủ. Ban đầu, Milan Lab được xây dựng để sử dụng cho các cầu thủ Milan. Với các thành tựu khoa học tân tiến nhất trong lĩnh vực y học và tâm lý, các cầu thủ của Milan đều có hồ sơ riêng về tình trạng sức khỏe cũng như tâm lý. Thông qua việc phân tích bằng máy tính, các chuyên gia sẽ tìm ra giáo án tập luyện hoặc phác đồ điều trị thích hợp nhất cho từng cầu thủ. Hệ thống này còn có tác dụng cảnh báo sớm những nguy cơ dẫn đến chấn thương dựa trên thông tin về sức khỏe của từng cầu thủ.

Kaka chấn thương, tránh nhiệm đầu tiên thuộc Milan Lab - Ảnh Getty

Thời gian đầu mới ra đời, Milan Lab tỏ rõ hiệu quả trong việc trợ giúp các cầu thủ Milan. Con số mà giáo sư người Bỉ Jean Pierre Meerseman, người đứng đầu Milan Lab, đưa ra là Milan đã giảm được khoảng 90% số ca chấn thương ở mùa giải 2002-2003. Thậm chí, ông còn lạc quan tuyên bố, với sự hỗ trợ của Milan Lab, các cầu thủ còn có thể kéo dài sự nghiệp thêm từ 3 đến 5 năm. Bằng chứng rõ ràng nhất là chỉ sau 9 tháng Milan Lab ra đời, Milan đã giành được chức vô địch Champions League sau trận chung kết nghẹt thở với đồng hương Juventus tại Old Trafford vào tháng 5/2003.

Sau màn quảng bá vô cùng ấn tượng ấy, nhiều đội bóng lớn ở châu Âu đã gửi cầu thủ bị chấn thương đến Milan Lab để điều trị, hoặc mời chuyên gia của Milan Lab đến thiết lập các hệ thống tương tự cho riêng mình. Mô hình Milan Lab nhanh chóng được nhân rộng ra ở nhiều câu lạc bộ lớn ở châu Âu. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, Milan Lab bắt đầu xuống dốc. Thể hiện rõ ràng nhất là trường hợp chấn thương của Ronaldo hồi năm 2009. Tiền đạo người Brazil được Milan Lab chẩn đoán rách cơ đùi nhẹ nhưng sau đó liên tiếp đưa ra các cột mốc đáng ngờ về ngày trở lại sân cỏ của anh. Chấn thương điều trị không có tiến triển, Milan Lab phải mang Ronaldo sang hết Bỉ đến Pháp đễ thăm khám nhưng không thành công. Chỉ đến khi Ronaldo tự ý bỏ về quê hương để gặp bác sĩ của đội tuyển Brazil nhờ phẫu thuật, anh mới có thể trở lại sân cỏ.

Sau Ronaldo, đến lượt Nesta, Maldini, Kaladze, Ambrosini, Gattuso, Pirlo rồi Kaka trở thành “nạn nhân” của Milan Lab. Tuy nhiên, cũng vì nhờ Milan Lab mà Milan đã thành công trong một “cú lừa thế kỷ”, khi Real Madrid phải bỏ ra 65 triệu euro để mua Kaka vốn mang trên mình rất nhiều chấn thương nguy hiểm. Đặt chân đến Santiago Bernabeu, Kaka trở thành một bệnh nhân và đóng góp rất ít cho đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Không chỉ Milan Lab xuống cấp mà các bộ phận y tế của các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Hệ quả là những Inter Milan, Real Madrid, Bayern Munich, Manchester United hay Arsenal đang lao đao vì tình trạng chấn thương xảy ra tràn lan vào thời điểm quan trọng nhất của mùa giải.

Phải chăng, đã đến lúc các câu lạc bộ cần phải đầu tư nghiên cứu để cho ra đời những Milan Lab mới, đáp ứng nhu cầu phát sinh trong công tác nghiên cứu - điều trị chấn thương cho các cầu thủ, trong hoàn cảnh mà mật độ thi đấu ngày càng dày đặc hơn?

H.L

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm