16/05/2023 14:27 GMT+7 | Champions League
Dẫu dự án Super League chưa bị chết yểu, những trận đấu hấp dẫn như derby Madonnina giữa hai đội bóng Milan ở Champions League như một chỉ dấu cho thấy bóng đá châu Âu không cần những dự án như thế trong tương lai.
Một trận đấu như thế này là hình dung đầy hấp dẫn về dự án Super League, nơi cả Milan lẫn Inter Milan đều từng đăng ký tham gia trước khi những áp lực từ dư luận buộc họ phải rút lui.
Champions League tự thân đã đủ sức hút
Cảm xúc là thứ một giải đấu xa lạ như Super League khó có thể thu hút khán giả kể cả khi thể thức của nó có tương đồng với Champions League đi chăng nữa. Đơn giản, đó không phải một trận đấu bình thường diễn ra tại Serie A.
Thật buồn, 15 năm gần đây là khoảng thời gian chứng kiến cả hai đội bóng thành Milan tụt lại so với nhiều ông lớn châu Âu. Đó là hệ quả của việc họ không thể chạy đua về mặt tài chính với những đội bóng hàng đầu khác vốn được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư của các ông chủ từ Mỹ đến châu Á vào bóng đá. Mô hình cổ điển của các CLB dần dần trở nên lỗi thời. Inter Milan để lại dấu hỏi về chủ sở hữu, cụ thể là tập đoàn Suning của Trung Quốc. Trường hợp của Milan cũng không khá hơn, dù họ được nắm bởi tập đoàn RedBird Capital của Mỹ. Điều này khiến cả hai là kẻ ngoài cuộc trong trật tự mới của bóng đá châu lục.
Theo một cách hiểu cơ bản nhất, đó là lý do vì sao kế hoạch về một giải đấu như Super League lại gặp trục trặc. Ý tưởng của nó là phục hưng lại những trận cầu đỉnh cao mỗi tuần, nhưng điều này chỉ có thể tạo ra tính hấp dẫn nếu diễn ra trong một giải đấu giàu tính cạnh tranh.
Điều này lại tạo ra một vấn đề khác. Tính hấp dẫn của Champions League biến giải đấu này thành cỗ máy tạo ra lợi nhuận. Bất chấp dòng tiền chảy vào bóng đá ngày càng mạnh mẽ, sân chơi hàng đầu châu lục không có nhu cầu cần phải quảng bá bằng mọi giá. Nếu cách biệt về mặt tài chính giữa các giải đấu chỉ vào khoảng 10% (hoặc thấp hơn thế), liệu nó có đáng để bóng đá châu lục phải đánh đổi?
Những cách tiếp cận đối lập của hai nửa Milan
Bóng đá hiện đại đang chứng kiến các mô hình chiến thuật đề cao hiệu quả của hệ thống. Chẳng hạn, Inter đang vận hành theo cách dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh ở một trận đấu cụ thể. Điều này lý giải chiến thắng của thầy trò Simone Inzaghi ở trận lượt đi. Inter dưới thời Inzaghi giống như một chuyên gia đấu Cúp, điều không quá bất ngờ bởi nhà cầm quân 47 tuổi này từng vô địch Coppa Italia cùng Lazio trước khi dẫn dắt đội chủ sân Giuseppe Meazza. Nó hoàn toàn đối lập với Milan, khi Rossoneri xây dựng mô hình theo định hướng dài hạn, đậm chất tính toán. Điều này lý giải vì sao thầy trò Stefano Pioli lại giành Scudetto mùa trước, kế vị ngai vàng của chính Inter mùa 2019-20.
Cách tiếp cận của Inter dưới thời Simone Inzaghi đang giúp những chân sút như Lautaro Martinez, Edin Dzeko hay kể cả một wing-back trái như Federico Dimarco được phát huy tối đa năng lực vốn có. Nếu Nerazzurri bảo toàn thành công chiến thắng 2-0 ở trận lượt đi, họ sẽ là đối thủ đáng gờm cho bất cứ ai, Real Madrid hay Man City, ở trận chung kết. Đó chắc chắn là một phiên bản nâng cấp của Inter Milan dưới Inzaghi dù cho nhiều thành viên trong số này từng vô địch Scudetto cùng Antonio Conte cách đây ba năm. Những con người của đội bóng áo xanh-đen thành Milan lúc này nổi trội năng lực hơn Milan, từ những tiền đạo như Dzeko hay Romelu Lukaku cho đến các trụ cột khác bao gồm Nicola Barella ở tuyến giữa, Milan Skriniar hay Alessandro Bastoni ở hàng thủ. Chỉ cần một tập thể như thế thể hiện tinh thần đoàn kết, họ hoàn toàn có thể tiến xa đến những trận đấu quan trọng như chung kết Champions League.
Ngược lại, Milan muốn nhắm đến những phương án dài hạn, thứ sẽ được thể hiện phần nào ở trận lượt về sắp tới. Thầy trò Pioli đáng ra phải có ít nhất một bàn ở trận lượt đi và họ nhớ Rafael Leao hơn bao giờ hết. Tiền đạo người Bồ Đào Nha được kỳ vọng sẽ trở lại để cứu rỗi đội bóng áo đỏ-đen.
Đức Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất