Barca - M.U: Và bóng đá tấn công lại lên ngôi...

27/05/2009 08:42 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Dù trận đấu ở Roma có kết thúc theo cách nào, người ta vẫn có thể nói về sự tôn vinh dành cho bóng đá tấn công (M.U luôn chơi thực dụng khi cần thiết, nhưng nhìn chung họ vẫn là đại diện của lối chơi tấn công). Thêm một mùa giải nữa, châu Âu lại rạp mình trước vó ngựa truy phong của các sát thủ. Quên những tảng bê tông xù xì của người Italia đi, bây giờ là thời của lối đá vũ bão từ Anh quốc, và dĩ nhiên, phần còn lại là chất Latin luôn chực bùng nổ từ các nghệ sỹ Catalan.

Năm trước, ít nhất 3 trận chung kết đã vinh danh triết lý tấn công. Đó là Tây Ban Nha ở EURO, là Zenit ở UEFA Cup, mà M.U tại Champions League. Năm nay, một Shakhtar Donetsk yếu hơn (trên lý thuyết) vẫn tấn công Bremen để đăng quang ở Cúp UEFA. Vì thế, trận chung kết này là một sự tiếp nối của xu hướng ấy.

Trên đường tới Roma, Man Utd đã bước qua xác mọi đối thủ với 18 bàn thắng. Con số đó không nói lên năng lực thực sự của các tiền đạo áo đỏ, bởi rất nhiều trận, Ferguson đã tránh khoa trương sức huỷ diệt một cách không cần thiết. Đó là những ứng xử đậm nét chiến thuật và kinh nghiệm của những nhà ĐKVĐ. Kết quả là họ luôn đạt được mục tiêu: 1, Thắng; 2, Giữ sức; 3, Tạo hiệu quả cao nhất, bằng nỗ lực ít nhất có thể. Sau 1 năm, dù không còn những chiến thắng kiểu bom nguyên tử, nhưng đó không phải là dấu hiệu cho thấy Man Utd đã mất đi sự sắc sảo và những ý tưởng tấn công đáng xem. Chiến thắng trước Inter, trận đấu trên sân Porto, và gần nhất là show diễn ở Emirates đã chứng minh điều đó.
 
Dù trận đấu ở Roma có kết thúc theo cách nào, người ta vẫn có thể nói về sự tôn vinh dành cho bóng đá tấn công

Cùng Chelsea, Man Utd có thể đá phòng thủ hay nhất châu Âu hiện nay. Và đó là điểm khác biệt lớn nhất so với Barca. Từ đầu mùa, cỗ máy tàn sát hàng loạt của Pep hầu như đã tấn công trong tất cả các trận đấu. Ở Liga, họ tấn công khủng khiếp với thành tích 104 lần sút tung lưới đối phương. Còn ở Champions League, chỉ riêng vòng bảng, Barca đã ghi được số bàn thắng bằng cả mùa của M.U tại châu Âu (18). Trước khi tới Rome, những cậu bé của Pep đã ghi 30 bàn, trung bình hơn 2 bàn/trận. Kim chỉ nam của họ thật rõ ràng, dù thủng lưới hay thất bại, dù thắng 1 bàn hay đã ghi được 4 quả, chỉ có 1 hướng đi thôi: Tiến lên phía trước.

Tấn công, xu hướng mới của bóng đá hiện đại?

Khi Tây Ban Nha tiến sâu vào EURO bằng sự bùng nổ của các chân sút, nhiều người đã ngờ vực khả năng giành Cúp của họ. Điều đó cũng phần nào đúng với Man Utd mùa trước, khi họ vượt qua vòng bảng bằng những màn trình diễn quá ấn tượng của CR7. Nhưng rồi thất bại đã không còn gọi tên cái đẹp như truyền thống nữa. Thay vào đó, lưỡi hái tử thần lại đổ sụp xuống đầu những đối thủ được xem là chuyên gia... phòng ngự.
 
Thực tế, triết lý tấn công đã không đơn giản chỉ là việc xông lên phía trước và ghi nhiều hơn đối thủ 1 bàn nữa. Cũng là tấn công, nhưng cả Man Utd và Barca đều đã thể hiện khả năng chiến thắng bằng cách kiểm soát trận đấu, thay đổi nhịp độ bằng tốc độ, tạo áp lực bằng lối đánh trực diện, trước khi bắt đối thủ tự mắc sai lầm. Đó là những kiểu tấn công có tính toán, và có cả những phương án tự điều chỉnh ở từng cấp độ khác nhau, áp dụng với từng đối thủ khác nhau.

Trong quá khứ, nhiều thời điểm người ta đã đánh đồng khả năng tấn công với tư duy phổi bò, hoặc thậm chí là sự non nớt về chiến thuật.

Mọi chuyện giờ đây đã khác. Với sự vượt trội về thể lực của người Anh và ma thuật Latin từ Tây Ban Nha, ít có đối thủ nào dám chơi ván bài phòng thủ nữa.

Chỉ 1 kẻ liều mạng dám chơi như vậy: Chelsea. Nhưng họ cũng đã bị Thần may mắn nguyền rủa. Để Roma thực sự là chiến địa của những mũi lao. Để hôm nay, người Italia rất có thể sẽ phải chứng kiến bóng đá tấn công lên ngôi ngay trên quê hương mình.

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm