“Phù thuỷ” bong bóng Fan Yang muốn truyền nghề cho trẻ em Việt

16/05/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau 10 đêm mê hoặc công chúng TP.HCM bằng tài thổi bong bóng, hôm qua, 15/5, “phù thủy bong bóng” người Canada gốc Việt Fan Yang đã có mặt tại Hà Nội. Trước khi tái ngộ công chúng tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội (từ 28/5 đến 2/6/2011 với nhiều suất diễn trong ngày), Fan Yang đã cùng với con trai, đồng nghiệp và đại diện Nhà hát Tuổi trẻ làm một “tour từ thiện” quanh Hà Nội. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với Fan Yang.

Tự bạch” bằng ngôn ngữ bong bóng

* Trước tiên, xin được hỏi “phù thủy” Fan Yang: 10 suất diễn vừa qua của anh ở TP.HCM nghe nói là thành công mĩ mãn. “Giấc mơ bong bóng” của Fan Yang có lãi rồi chăng, vì về Việt Nam biểu diễn, nói như ai chẳng khác gì “tiền cá quá tiền cơm”, và thực tế năm 2006 anh đã lỗ 50.000 USD ?!

- Lần này tôi về Việt Nam mang theo hơn 5 tấn đạo cụ, trị giá khoảng 5 triệu USD, được luân chuyển qua các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, và Thổ Nhĩ Kỳ. Chi phí cho vận chuyển là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, đi cùng tôi có 13 người “giúp việc”. Và đương nhiên, tôi phải mất phí cho họ để họ giúp tôi trong việc bảo quản đạo cụ, phụ diễn và giúp tôi... pha nước xà phòng.

Trong 10 suất diễn ở Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) số tiền bán vé thu được của buổi diễn đầu tiên 29/4/2011 xác lập lại Kỷ lục Guinness lần thứ 17 (với 150 người trong 1 bong bóng - PV) tôi và BTC đã dành ủng hộ vào Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn của báo Sài Gòn Giải phóng.

Tuy nhiên, tôi không quan tâm quá mức tới việc “kiếm lãi” được bao nhiêu từ những chuyến lưu diễn, được công nhận kỷ lục Guines thế giới bao nhiêu lần mới là thành công, mà với tôi, được về Việt Nam biểu diễn và được công chúng - những người “Việt Nam quê hương tôi” yêu thích chính là thành công “mĩ mãn” nhất.

Fan Yang và những chùm bong bóng chở theo ước mơ của anh

* Đó là ở TP.HCM, vậy còn lần tái ngộ công chúng Hà Nội sắp tới, Fan Yang và những phụ tá của mình mang cho khán giả những gì?

- Trong chương trình Huyền thoại bong bóng Fan Yang, tôi sẽ “tự bạch” với công chúng bằng “ngôn ngữ bong bóng” qua 2 phần, gồm nhiều tiết mục mới lần đầu tiên có mặt ở quê hương như tiết mục Đom đóm, Mưa bong bóng, Tạo hình bong bóng bằng tay, Sự kỳ diệu của những quả bóng, Những chiếc nhẫn mây, Tôi trong quả bóng... Phần II gồm các tiết mục Những quả bóng tuyết, Bong bóng nước, Bức tường bong bóng, Chiếc bàn bóng nhiều màu sắc, Bong bóng cầu vồng, Siêu bong bóng, Bong bóng đại dương...

* Tự bạch, nghĩa là nói về mình bằng ngôn ngữ của bong bóng? Sẽ có rất nhiều người không thể đến rạp nghe anh tự bạch bằng ngôn ngữ vừa siêu hình, vừa trừu tượng của bong bóng. Anh nói luôn được không?

- Tôi có một hành trình tuổi thơ dài mà tôi không nhớ hết mà chỉ nghe mẹ kể lại về sau này. Mẹ tôi kể về đất nước Việt Nam mình rằng chiến tranh rất ác liệt và nghèo khó. Tôi không mường tượng được ngôi nhà của tôi ở Việt Nam năm tôi 2 tuổi nó như thế nào mà chỉ nhớ ngôi nhà sau này tôi lớn lên nằm ven một cánh rừng ở một vùng quê ngèo thuộc đất nước Nam Tư (cũ). Nhà tôi ngày ấy không có điện và anh em chúng tôi phải bỏ học giữa chừng (Fan Yang chỉ học hết lớp 8 - PV) và đi làm thuê để kiếm sống như những nông dân thực thụ. Tôi và anh tôi thường trốn việc ra sông nhìn và vớt bọt nước chơi...

Chiếc nhẫn bong bóng tặng vợ thay cho nhẫn kim cương

* Tôi đã xem một số chương trình thổi bong bóng nghệ thuật của anh và để ý thấy độc đáo nhất là màn biểu diễn “Những chiếc nhẫn mây” với những vòng khói tròn bắn vào không khi rồi được anh rất nhanh “đính” vào những vòng tròn đó những chùm bong bóng tượng trưng cho “kim cương”. Sao lại có màn biểu diễn vừa trữ tình, vừa lãng mạn đến vậy, Fan Yang?

- Ngày tôi và Ana Yang, (quê ở Ninh Thuận - PV) yêu nhau, chúng tôi rất nghèo. Yêu được một thời gian, tôi hối hận lắm vì nếu như mình làm việc khác chắc muốn tặng em ấy món gì đó chắc không mấy khó khăn. Đằng này quanh đi quẩn lại tôi chỉ có bong bóng xà phòng, đầy màu sắc, mong manh và dễ vỡ thì lãng mạn vô cùng nhưng rất thiếu thực tế. Nhưng cuối cùng tôi vẫn tặng chiếc nhẫn bằng “hơi” ấy cho vợ tôi bây giờ.

* Vợ anh - Ana Yang đã tỏ thái độ thế nào khi anh “bắn nhẫn” tặng chị?

- Cô ấy cũng nghèo và yêu tôi nên đã rất xúc động và khóc. Cô ấy đưa tay giữ lấy tim mình làm tôi thấy... sợ và chuẩn bị muốn chui xuống đất vì hành động ngớ ngẩn của mình. Nhưng cô ấy nói: “Đủ rồi. Anh không cần mua nhẫn thật tặng em nữa. Những chiếc nhẫn hơi này đã là quá giá trị với em rồi...”.

* Điều đó cho thấy giấc mơ bong bóng của Fan Yang không hề mong manh và dễ vỡ, đúng không?

- Bây giờ, gia đình tôi là gia đình duy nhất trên thế giới làm nghệ thuật thổi bong bóng. Đó là một sự kỳ diệu. Kỳ diệu không phải vì trên thế giới chỉ có gia đình chúng tôi thổi bong bóng, mà chính là bởi cuộc sống rất kỳ diệu. Nó kỳ diệu ở chỗ nếu bạn có một ước mơ, dù là rất nhỏ nhưng nếu bạn có tình yêu và sự kiên trì theo đuổi nó, không riêng bạn mà bất kỳ ai cũng có thể thành công và thêm tin yêu cuộc sống.

* Cái ăn, cái mặc nhiều mấy cũng là ít. Thay vì tặng quà cho các em nhỏ khuyết tật, sao Fan Yang không tìm cách truyền nghề thổi bong bóng cho các em nhỏ ở Việt Nam?

- 81 nước tôi đến biểu diễn đều có PV hỏi tôi câu này và tôi cũng đã trả lời thật rằng; nếu có mở trường, lớp dạy môn nghệ thuật này cho các em, nơi đầu tiên tôi thực hiện chính là quê hương tôi - Việt Nam.

Tôi cũng đã tâm sự việc này với một số người bạn Việt Nam như là Nhà hát Tuổi trẻ và chúng tôi đã thật sự đồng cảm về ý tưởng này. Tuy nhiên, nói là một chuyện, làm được hay không chưa hẳn phụ thuộc vào tôi mà còn phụ thuộc vào rất nhiều “điều khoản” khác nữa. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ nhận được tín hiệu vui về việc hiện thực hóa ý tưởng này từ Việt Nam.

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm