02/03/2020 19:17 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân Hành trình tarot của Dương khai mạc lúc 17h30 ngày 3/3/2020 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) chắc sẽ là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời sáng tạo của Bùi Hoàng Dương. Triển lãm gồm 79 bức sơn dầu kích thước 80cm x 60cm, được sáng tác trong các năm 2018, 2019, 2020, tái dựng biểu tượng tarot trong hình hài của chú chó H’Mông cộc đuôi.
“Tarot đưa tôi đến sự kiếm tìm không mệt mỏi, bởi những triết lý cuộc sống, nhân sinh quan, vạn vật trong sự vận hành của nó. Hầu hết các câu hỏi đôi lúc làm ta mơ hồ trong những sự việc nhỏ to nào đó. Hay nói cách khác, trọn vẹn một bộ bài là sự trải nghiệm bản thân về nội giới và cảnh đời. Những sự u mê, dị đoan, tăm tối… nhường chỗ cho quá trình trải nghiệm đầy màu sắc và sự bay nhảy trong hình hài sáng tạo” - Bùi Hoàng Dương cho biết.
Một phóng tác nhọc nhằn
Chuyển hóa, hoặc phóng tác 78 lá bài tarot thành 78 tranh tarot, dạng vẽ minh họa thôi, cũng đã là một việc nhọc nhằn, thậm chí đơn điệu và vô vị. Bùi Hoàng Dương không dừng lại ở sự minh họa này, mà là tái sáng tạo, nơi tarot chỉ còn là nguồn cảm hứng để anh làm nên một cảnh giới khác. Công việc này, vì vậy, mà càng nhọc nhằn hơn, anh đã vượt qua được, nên càng thú vị hơn với người xem.
Bùi Hoàng Dương cho biết khi mới vẽ chừng 10 bức đầu tiên, thấy rất hưng phấn và khá dễ dàng, nhưng càng đi về sau, càng thấy khó, vì tìm bố cục, bút pháp và ngôn ngữ cho từng bức tranh không hề đơn giản. Mất 3 năm miệt mài cho 79 bức (trong đó có 1 tranh bìa), chung một khổ đứng (80cm x 60cm), Bùi Hoàng Dương đã phác thảo, hủy, rồi đắn đo… trong việc hoàn thành từng tác phẩm. Nếu ai am tường bài tarot, xem có tính cách đối chiếu với bộ tranh, sẽ thấy Bùi Hoàng Dương đã nỗ lực lột tả, và phiêu. Tuy vẫn liên nối với bộ bài tarot, nhưng tự mỗi bức tranh của Dương đều muốn tìm đến chỗ đứng độc lập.
Nếu “can, chi” có nhiều chi phối đến người Đông phương, thì cung hoàng đạo cũng tương tự với người Tây phương. Cung hoàng đạo và bài tarot có quan hệ mật thiết về biểu tượng và triết lý. Bùi Hoàng Dương mượn hình ảnh và cổ mẫu của Tây phương để đi một đường vòng về với chính mình, trong đó phảng phất không gian, tự tình và văn hóa vùng đất nơi Dương sinh ra và lớn lên.
Nhân cách hóa một loài chó quý
Việt Nam có 4 giống chó bản địa quý hiếm vì sự thông minh, trung thành và linh cảm đặc biệt của chúng, đó là H’Mông cộc (hoặc H’Mông đuôi cộc), lài (Dingo Đông Dương), Bắc Hà, Phú Quốc. Bùi Hoàng Dương đặc biệt yêu thích chó, nên bạn bè thường gọi Bùi Hoàng Dương là “Dương chó”, theo khía cạnh trọng thị nghề nghiệp. Vì nhiều năm theo đuổi nghiệp vẽ, Dương luôn muốn nhìn thế gian và nhìn chính mình qua hình tượng chó.
Thách thức và cũng là lối riêng của Bùi Hoàng Dương là chuyển hóa 78 quân bài tarot thành hình tượng chó, mà ở đây là H’Mông cộc, một loài chó mà anh rất yêu quý, nuôi tại xưởng vẽ, chơi với nhau như bạn bè. Khai thác các thuộc tính về tính cách, về biểu tượng, triết lý và tâm linh từ hình tượng chó, triển lãm Hành trình tarot của Dương là hành trình tìm về bản lai diện mục của chính họa sĩ tuổi Tuất (sinh 1982).
Cuối cùng, nhìn ở khía cạnh tranh bộ, đây có thể nói là một cột mốc của Bùi Hoàng Dương, mà chưa chắc anh có dịp lặp lại trong đời. Vẽ hàng trăm, hàng ngàn bức tranh cùng chủ đề suốt cuộc đời đã khó - dù đôi khi vẽ lặp lại rất nhiều, vẽ một bộ tranh theo một ý niệm, một triết lý thì càng khó hơn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây tại Việt Nam, những họa sĩ vẽ tranh bộ thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X dù đã nhiều hơn các thế hệ trước đây, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với các họa sĩ vẽ ngẫu hứng. Nhìn riêng thế hệ 8X, bộ tranh Hành trình tarot của Dương sẽ vượt qua câu chuyện cá nhân để thành một dấu mốc, một động lực để những họa sĩ nào có ý thích về vẽ tranh bộ thì sẽ mạnh dạn dấn bước.
Vài nét về cỗ bài tarot “Cỗ bài tarot 78 lá thường được xem là Kinh dịch của phương Tây, một Kinh dịch thể hiện bằng hình ảnh và cổ mẫu. Đầy huyền bí và hiền minh. Vậy nên có thể nói về một triết lý tarot (tarosophy) hoặc một hiền minh tarot (tarot wisdom). Nguồn gốc tarot vẫn còn mờ ảo nên tốt hơn là chớ bận tâm làm gì. Chỉ biết cỗ bài tarot lưu hành từ thời Phục hưng nhưng chưa bao giờ phát triển phong phú như hiện nay với hơn 500 bộ có phong cách thiết kế khác nhau, dù ta vẫn nhận ra 78 ý tưởng chung ở từng bộ” - trong một nghiên cứu về tarot và Truyện Kiều, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất