Bàn chuyện “hành pháp” ở BĐVN: Luật & Lệ

30/03/2010 13:27 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - “Đánh người chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”, một quan niệm đôi khi bị “lạm dụng” giống như một bức bình phong, đã dẫn tới một tình trạng nhân nhượng tràn lan, hoặc dễ dãi trước các thách thức mà VFF phải đương đầu.

Hoàng Danh Ngọc thực hiện án treo giò 4 trận thay vì 6 trận cho lỗi giơ ngón tay xấu xa về phía các CĐV Thể Công mùa 2009. Nghĩa là án cho cầu thủ trẻ Nam Định đã được giảm 1/3.

Vụ các cầu thủ bán độ ở SEA Games, từ người trùm sỏ cho tới những cầu thủ bị “dụ dỗ” đều được giảm án sau một thời gian rời xa sân cỏ. Quốc Vương, Hải Lâm, Phước, Vĩnh... cho tới Văn Quyến, Quốc Anh đều được trở lại sân cỏ sớm hơn rất nhiều so với án. Giảm tới mức kỷ lục như Quốc Vượng là gần 50%.

Trung Tuấn, Việt Thắng, Như Thành, những người đã từng được cho là phạm sai lầm khi họ khoác áo các CLB hay ĐT U23 VN cũng được giảm án sau một thời gian rời xa sân cỏ.

Có một cảm giác, ở BĐVN, câu nói án bóc lịch 7 năm nhưng chỉ 3 năm là được ân xá nếu biết “gõ cửa đúng chỗ” thường được bàn luận ở ngoài xã hội, cũng được vận dụng một cách triệt để với các CLB, cầu thủ và VFF.

Vẫn có những ngoại lệ, nhưng nó thường chỉ rơi vào những thành phần là “dân đen”, như Hà Hoàng Đảm ở mùa trước, bị treo giò 5 trận, đã phải treo giày đủ 5 trận ở hạng Nhất rồi mới được quay trở lại sân cỏ khi tiền vệ này còn khoác áo Ninh Bình.


Không ai biết vì sao Quốc Vượng (trái) lại được giảm án nhanh chóng đến thế, lại vào thời điểm cận Tết Kỷ Sửu 2009, khi hầu hết các tờ báo đều đã nghỉ Tết.

Nhân từ hay Dễ dãi

Các cầu thủ đã chấp hành tốt án phạt, ai cũng có thể nói điều đó. Nhưng chỉ ra việc các cầu thủ đã làm những gì một cách cụ thể thì không. Một cầu thủ trong thời gian thụ án bóng đá khác phạm nhân, anh ta chỉ làm công việc đơn thuần là tập luyện và cuối tuần có mặt trên khán đài để theo dõi đồng đội thi đấu. Đánh giá một cầu thủ thụ án tích cực hoặc tiêu cực có lẽ chẳng có gì khác để căn cứ vào đó. Trước nay, nếu người viết không nhầm, chỉ có một cầu thủ ngồi trên khán đài theo dõi đồng đội thi đấu mà làm chuyện phản cảm là Tấn Tài ở Khánh Hòa, đã gác chân đất lên ghế trước có CĐV có lẽ bằng tuổi ông của cầu thủ này, trong khi chưa ai quên chính Tấn Tài đã là người gọi xã hội đen tới dằn mặt đồng đội.

Thế cho nên, việc xem xét giảm án cho các cầu thủ ở VFF luôn đồng nghĩa với việc án sẽ giảm xuống, nhiều thì một nửa, ít thì cũng chỉ còn 2/3.

Điều kiện để giảm án đôi khi chỉ là việc các cầu thủ có viết đơn hay không. Và các thống kê của người viết cho thấy, chưa có lá đơn xin giảm án nào gửi lên mà chủ nhân của nó không được toại nguyện.

Với “phong tục” ấy, các cầu thủ sau khi nhận án có thể làm ngay một việc: viết sẵn một lá đơn, rồi chờ ngày thích hợp gửi lên VFF. Vấn đề còn lại chỉ là lúc nào họ được giảm án và giảm bao nhiêu trận.  

Hệ quả

Cho tới thời điểm này, có vẻ như chúng ta mới phần nào “cải tạo” được vấn đề tiêu cực bất chấp cách giảm án đôi khi được thực hiện tới mức dễ dãi. Việc các cầu thủ ở Tiền Giang tố cáo được mua độ, dù cho là số tiền gạ gẫm rất “bèo” so với thu nhập cầu thủ hiện nay-chỉ 100 triệu, hay nó có vẻ là một vụ phá rối nội bộ đội bóng, thì cũng vẫn có thể lấy nó làm cơ sở để báo cáo.

Nhưng với các hành vi nhẹ hơn tiêu cực, nhưng vẫn là nhức nhối với tiêu chuẩn đạo đức sân cỏ thì các vụ việc không giảm đi qua từng mùa giải, sau từng bản án từ phía VFF, mà trái lại, nó có xu hướng tăng lên.

Một hành vi thiếu văn hóa của các cầu thủ đồng nghĩa tối thiểu 6 trận treo giò chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ. Quy định kỷ luật mỗi năm sửa một lần theo xu hướng chặt chẽ hơn và nghiêm khắc hơn cũng chỉ có tính tượng trưng. Thực tế lại là cả một câu chuyện khác, và rất đáng bàn, để thay đổi!

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm