Hữu Thắng & áp lực đồng tiền

25/10/2008 18:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Không ai phủ nhận Hữu Thắng là một cầu thủ tài năng, nhưng dường như chưa bao giờ anh bung hết được cái tài của mình ra để thi thố với đời. Vì thế mà khi bất đắc dĩ trở thành "người bạc tỉ", anh dường như bị áp lực của đồng tiền đánh quỵ.

* Luẩn quẩn vòng may - rủi

Nhiều bậc lão làng trong làng bóng đá phía Nam đã từng nhận xét Hữu Thắng thuộc mẫu cầu thủ "hàn lâm", nghĩa là tư duy - kỹ thuật - thể lực đủ cả, nhưng khi cần ứng dụng trong trận đấu thì mọi phẩm chất ấy dường như lại... tiêu tán đi đâu mất. Chính bản thân cha ruột của Thắng, cựu danh thủ Nguyễn Văn Thòn, cũng nhiều lần vỗ vai con mà bảo: "Mày được cái dáng đẹp, nhưng mà cứng lắm"!

Đấy là những lúc vui vẻ. Còn khi cáu lên, ông Ba Thòn chẳng ngại ngần đốp chát cậu quý tử là "chân gỗ". Nhiều lúc xem tivi, ông cứ ngửa cổ than trời vì cái tội thằng Thắng nhà ông chuyền không ra chuyền mà sút không ra sút. Ông còn nói toáng lên là ai chứ ông mà có quyền chọn thì ông quyết không cho Thắng lên tuyển.

Tất nhiên, đó chỉ là góc nhìn riêng của người cha vừa nóng tính vừa đòi hỏi cao. Dân bóng đá "cao niên" nhiều người như vậy, nhìn ai chơi bóng, kể cả con cháu mình, cũng khó mà lọt mắt. Nhưng với các nhà tuyển trạch thì Hữu Thắng vẫn là một "mầm non" đầy triển vọng vào thời điểm đầu những năm 2000.

Từ một cầu thủ còn vô danh của trường Năng khiếu nghiệp vụ TPHCM, theo phân công về đá cho Bưu điện, Hữu Thắng đột ngột được tiến cử lên thẳng đội U-23 tham dự SEA Games 21. Niềm vui đến quá bất ngờ đối với một cậu trai chưa đầy 21 tuổi, trước đó không lâu còn ôm mộng chuyển sang môn... bóng ném.

Thật ra thì bóng đá vẫn luôn là niềm đam mê lớn nhất của Hữu Thắng, nhưng anh lại bị mắc chứng gai đuôi cột sống mạn tính. Cứ mỗi lần vận động mạnh là Thắng lại cảm thấy ở sống lưng như điện giật. Vì thế mà đã có lúc Thắng bày tỏ ý định xin chuyển sang chơi bóng ném cho... nhàn, nhưng tất cả những người quen biết ông Thòn đều phản đối.
 
Hữu Thắng (trái) chật vật khẳng định ở giải hạng Nhất 2008
 
Họ đều khuyên Thắng nên chịu khó chạy chữa, vì tuổi còn trẻ, lại có năng khiếu con nhà nòi. Nếu sang chơi bóng ném thì cơ hội để thành danh gần như là không có. Vậy là ông Ba Thòn đưa con đi vái tứ phương, dùng đủ loại thuốc bắc thuốc nam, đông tây y kết hợp. Đúng lúc Thắng có vẻ sung sức trở lại thì chiếc vé lên tuyển trao tay - như một món quà ngoài tưởng tượng.

Nhưng ở SEA Games 21, Thắng không phải là một vị trí quan trọng trong đội hình của HLV Dido. Điểm mạnh nhất của Thắng là thể hình, nhưng Dido, một người Brazil đặc sệt chất "phủi", lại ưa thích những tiền vệ nhanh nhẹn, xoay trở tốt. Vậy là cả một kỳ SEA Games đó, hầu như Thắng bị... ra rìa. Anh chỉ chơi được khoảng hơn một giờ đồng hồ trong trận mở màn thua Indonesia 0-1.
 


Giải đấu lớn đầu tiên trong đời trôi qua trong thất vọng, nhưng ngay sau đó, sự nghiệp của Hữu Thắng lại mở sang một trang khác. Thể Công đón anh về với tham vọng xây dựng một đội quân trẻ hùng hậu làm thế hệ kế cận cho những Hồng Sơn, Quang Hà, Đức Thắng... Hồi đó, Thể Công vẫn đang là một thế lực đáng nể trọng của bóng đá Việt Nam.

Rời đất Sài Gòn ra Thủ đô, Thắng còn chưa kịp làm quen với nếp sống mới thì đã dính chấn thương nghiêm trọng. Trong một trận đấu với CAHN, Hữu Thắng vì trẻ người non dạ, quá ham một quả bóng "dại" mà bị ăn đòn của cố thủ môn Đỗ Thành Tôn. Ngay sau khi gục xuống sân, Thắng đã phải lên xe cấp cứu đưa đi bệnh viện, và tiếp đó nghỉ thi đấu mất mấy tháng trời do hậu quả chảy máu dạ dày.

Đó là một cú sốc thực sự trong đời cầu thủ của Hữu Thắng. Sau đó, Thắng "khôn" ra nhiều, nhưng cũng nhát bóng đi nhiều. Anh không còn chỗ đứng ở Thể Công, vỡ luôn mộng lập nghiệp phương xa, đành quay trở lại QK7.

Tuy nhiên, Hữu Thắng lại có cái duyên đội tuyển. Khi người hâm mộ đã bắt đầu quên Thắng thì anh bỗng trở lại đầy bất ngờ tại SEA Games 22. Dưới tay HLV Riedl, Thắng được trọng dụng ở khu trung tuyến và chơi hay đến mức có lúc người ta đã so sánh anh với Thonglao, tiền vệ được xem là số 1 của khu vực ĐNA.

Cũng từ cái bàn đạp SEA Games, Thắng đổi vận ở CLB. Bình Dương, trên hành trình khẳng định quyền lực ở V-League đã lần lượt mua về cả dàn sao nội. Dĩ nhiên, người ta không quên Hữu Thắng - một cầu thủ có tiềm năng thủ lĩnh.

Nhưng, thật tiếc là sự nghiệp của Thắng bao giờ cũng đi theo những khúc cua tay áo. Chưa đóng góp được cho đội bóng mới bao nhiêu thì Thắng đã tái phát vết đau đầu gối - chấn thương mà anh mắc phải từ hồi còn khoác áo ĐT U-23.

Trong 5 năm đá cho Bình Dương, Thắng chủ yếu là dưỡng thương. Và tranh thủ thời gian không đá bóng thì lấy vợ. Hiếm khi người ta thấy anh ở trên sân, mà nếu có thì cũng chỉ khởi động nhẹ nhàng rồi... nghỉ.
Vậy mà chỉ cần Thắng có dấu hiệu bình phục, đã có CLB khác sẵn sàng "rước" anh đi với cái giá "trên trời" thuộc diện đình đám lúc ấy.
 
Áp lực của "người bạc tỉ"

Năm 2007, sự nghiệp của Hữu Thắng bắt đầu sang một câu chuyện khác - chuyện của "người bạc tỉ". Vinakansai Ninh Bình - anh nhà giàu mới nổi đầu mùa 2008 - thể hiện rõ quyết tâm chiêu hiền đãi sĩ bằng cách giành giật bằng được Hữu Thắng từ tay Bình Dương.
 
Sau rất nhiều tranh cãi, mọi chuyện cũng được giải quyết ổn thoả giữa hai đội bóng. Chỉ có điều người bị "sứt mẻ" nhiều nhất chính là Hữu Thắng.
 
Làm sao cầu thủ có số mà như Thắng không tổn thương cho được, khi bản thân anh bị mang ra làm một món hàng để hai bên "mặc cả" và đấu đá lẫn nhau. Ninh Bình trách Bình Dương bán cho mình một bản hợp đồng thương tật, Bình Dương vặc lại rằng Ninh Bình biết thừa tình trạng của Thắng rồi mà sao vẫn... lao đầu vào xin mua.

Từ chỗ áy náy vì suy nghĩ bị Bình Dương "nuôi báo cô" suốt mấy năm trời, Thắng lại chuyển sang trạng thái áp lực khi mang trên vai gánh nặng 3 tỉ bạc - kỷ lục chuyển nhượng thời điểm đó. Hơn ai hết, Thắng hiểu rằng anh đang đánh cược với số phận của chính mình.
 


Lẽ ra, ở hoàn cảnh của một cầu thủ vừa bình phục, Thắng nên tìm một bến đậu an toàn, nơi anh có thể ung dung đá tròn vai trước đã. Nhưng rồi, anh vẫn lao đến với một thách thức có vẻ quá sức chịu đựng của anh.
Về với Ninh Bình, Hữu Thắng không chỉ phải gồng mình chống chọi những cơn đau vẫn đang hành hạ cái đầu gối trái mà anh còn vất vả gấp bội phần để giải toả "khối u" tinh thần. Xung quanh Thắng dường như không phải là một tập thể đoàn kết (toàn các cầu thủ thập phương), cũng không có nhiều đồng đội biết san sẻ những uẩn ức trong lòng anh. Thắng bị chìm dần đi trong những đòi hỏi phải đá cho xứng với khoản tiền kếch xù, phải chứng tỏ rằng anh vẫn còn là một "sao" đương thời...

Quá nhiều người kỳ vọng rằng Thắng sẽ đảm đương được cả tuyến giữa cho Ninh Bình, rằng mua Thắng về là Ninh Bình kê cao gối ngủ cũng thăng được hạng... Nhưng chỉ qua nửa đầu mùa bóng, ai cũng hiểu rằng tham vọng của "đại gia" từ ngành Xi măng sẽ "tắt" trong ngày một ngày hai.
 
Hữu Thắng (phải) đi bóng

Lúc ấy thì bầu không khí trong đội bóng không còn hào hứng và phấn chấn như hồi chưa xung trận nữa. Bắt đầu những cuộc cãi vã, trên sân, trong phòng họp chiến thuật, rồi âm ỉ trong các bữa ăn. Bắt đầu có những người ra đi... Và không thể nào tránh khỏi, một nhân vật "chóp bu" như Hữu Thắng đương nhiên phải gánh chịu thật nhiều những lời ra tiếng vào.

Đã hơn một lần Thắng tâm sự với những người thân của anh về một mùa bóng thảm hoạ. Chẳng còn né tránh được nữa, cái sự thật: Thắng ở hạng Nhất mùa 2008 chỉ còn là một tiền vệ hạng trung bình. Anh chuyền không sắc, tranh chấp không mạnh, hạn chế trong việc ghi bàn, tóm lại là anh cũng nhạt nhoà như biết bao cầu thủ... không có giá. Và anh cũng đồng cân đồng lạng với biết bao cầu thủ không biết đến ngày nào mới có một suất trên ĐTQG.

Không cam chịu thất bại, mùa này Ninh Bình tiếp tục đổ tiền tấn ra mua sắm nguồn nhân lực. Rất nhiều gương mặt cũ đã phải ra đi, nhưng Thắng "Thòn" vẫn ở lại. Ở lại để "gỡ gạc" canh bạc muộn của đời cầu thủ, ở lại để trả cho hết món nợ với Ninh Bình, hay ở lại để thấm thía cái bi kịch của một "người hùng hết thời"?!

Xuân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm