Huế đúng, Huế sai trong vụ bún bò Huế

09/08/2016 06:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện "muốn kinh doanh bún bò Huế, phải về Huế xin chứng nhận" cho thấy, những nhận thức sai về sở hữu trí tuệ sẽ đưa vấn đề đi lệch hướng ra sao. Một nhận thức đưa Huế đứng giữa đúng - sai.

Về giá trị của nhãn hiệu chứng nhận, Huế đã đi đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho Bún bò Huế. Vậy nhãn hiệu chứng nhận có giá trị như thế nào và vì sao cần phải đăng ký nhãn hiệu chứng nhận?

Có thể nói, nhãn hiệu chứng nhận cũng giống như những nhãn hiệu thông thường khác (nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý) đều có chức năng riêng của mình. Tự bản thân tên gọi nhãn hiệu chứng nhận cũng đủ làm rõ chức năng của loại hình nhãn hiệu này. Hiểu một cách đơn giản nhất là để chứng nhận những sản phẩm mang nhãn hiệu này đạt được một tiêu chuẩn chung.


Bún bò Huế

Vì vậy, khả năng được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong thực tế của nhãn hiệu chứng nhận một phần lớn phụ thuộc rất nhiều vào cái tiêu chuẩn chung về sản phẩm và ai là người tạo ra cái tiêu chuẩn đó. Ví dụ như, nhãn hiệu chứng nhận "Sữa bò Ba Vì" do UBND huyện Ba Vì là chủ sở hữu và "Thanh Long Bình Thuận" do Sở KH&CN Bình Thuận đứng chủ sở hữu.

Hai nhãn hiệu chứng nhận nêu trên sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì đơn vị nào tin tưởng vào giá trị do được gắn nhãn hiệu này và sản phẩm của họ đạt chuẩn theo tiêu chuẩn được quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có thể liên hệ với chủ sở hữu để xin gắn chứng nhận lên sản phẩm của họ.  

Đây là một cách làm thông minh nhằm rút ngắn công đoạn đưa sản phẩm ra thị trường nếu như nhãn hiệu chứng nhận đã được thừa nhận về mặt uy tín. Ngược lại, các đơn vị kinh doanh nếu không tin tưởng vào danh tiếng của nhãn hiệu chứng nhận nêu trên có thể lựa chọn riêng nhãn hiệu của họ. Họ vẫn có thể sử dụng các dấu hiệu "Sữa bò Ba Vì", "Thanh Long Bình Thuận" với thiết kế riêng.

***

Trở lại vấn đề Nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế" của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Huế đã sai trong thông điệp đầu tiên. Tôi cho rằng đây là một thông điệp được phát đi chưa đầy đủ hoặc do sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực đặc thù nên chỉ cần lệch về ngôn từ sử dụng sẽ dẫn đến lệch chuẩn nhận thức.

Theo đó, Huế yêu cầu muốn kinh doanh "Bún bò Huế" phải về Huế xin phép. Trong thông điệp này Huế đã thiếu đi cụm từ quan trọng: Ai kinh doanh "Bún bò Huế" có thiết kế giống với nhận diện mà họ sử dụng mới phải về Huế xin phép. Chính những thiếu sót này đã gây ra phản ứng trái chiều.

Phản ứng này là dễ hiểu bởi đây là một món ăn không chỉ có giá trị về ẩm thực mà còn ý nghĩa về văn hoá của một lượng lớn người Việt.

Tôi đã đọc đi đọc lại Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế" của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngoài một số điểm nhỏ cần bàn thêm về giá trị pháp lý, tôi cho rằng đây là một bản quy chế khá thú vị và đáng hoan nghênh. Như đã bàn ở trên, nhãn hiệu chứng nhận sẽ được thừa nhận rộng rãi nếu như có một bản quy chế chứa tiêu chuẩn chung về sản phẩm và có một đơn vị sở hữu đủ danh tiếng.

Dựa vào tiêu chí này thì tôi nghĩ nhãn hiệu chứng nhận của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra hoàn toàn có tính khả thi bởi bản thân từ Huế thôi cũng là đại diện cho một nền văn hoá ẩm thực.

Chính vì vậy, tham vọng của Huế mở rộng phạm vi cấp chứng nhận ra các tỉnh khác và thậm chí ra quốc tế là hoàn toàn khả dĩ, cần được khuyến khích. Nó giống như một chứng nhận về một sản phẩm Bún bò Huế chính danh.

Tuy nhiên, điều trước tiên Huế cần làm là phải được thừa nhận về tiêu chí "Bún bò Huế" đạt chuẩn mà họ đã nêu trong quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Ví dụ: "Sản phẩm hội đủ các màu tươi thắm tạo sự bắt mắt, ngon miệng. Trên bề mặt của tô bún có màu đỏ cam của ớt phi dầu (hoặc mỡ); màu trắng của sợi bún; màu nâu của thịt, huyết (tiết); màu vàng cam của chả cua, hồng nhạt của chả heo; màu xanh của hành, ngò; màu đỏ của lát ớt".

Như vậy, nếu tạm gác qua sai lầm nhỏ trong nhận thức hoặc truyền thông ra ngoài về nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế" thì đây là một cách làm hay, sẽ có nhiều người về Huế xin được cấp chứng nhận "Bún bò Huế" để được kinh doanh một sản phẩm có giá trị văn hoá trong đời sống người Việt.

Khương Duy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm