Hợp xướng 1.000 người cùng trống đồng

17/03/2010 10:41 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Hôm qua, 16/3 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, HN) đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu các hoạt động về trống đồng nhân 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo đó, ngoài việc giới thiệu về chương trình đúc 100 trống đồng bằng phương pháp thủ công, BTC còn thông báo nội dung hòa khí 100 trống đồng này cùng cồng chiêng khoảng 10 phút trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với tên gọi Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long.

Hợp xướng 100 trống đồng


Nhạc sĩ Nguyễn Cường thử âm thanh của trống đồng - Ảnh: Mạnh Tuấn

Trong buổi hợp báo, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: Ông đã hoàn thành bản hợp xướng Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng. Lý do để ông viết hợp xướng này, như TT&VH đã từng đưa tin là sau khi được chứng kiến các nghệ nhân, nghệ sĩ xứ Thanh biểu diễn tiết mục Dòng máu Lạc Hồng tại hội thảo “Báo cáo quy trình đúc trống đồng thành công bằng phương pháp thủ công truyền thống” diễn ra tại Bảo tàng Hoàng Long (Thanh Hóa) năm ngoái, ông đã thực sự cảm thấy bàng hoàng.


Ông bàng hoàng là bởi sau bao năm nghiên cứu về dân ca của người Việt và dân ca của các dân tộc thì thấy một điều: Các làn điệu dân ca chủ yếu là trữ tình, nghĩa là chỉ có tính âm. Theo ông, tiếng trống đồng sẽ bổ sung tính dương, tính giao hưởng vì nó đã đáp ứng, giải quyết được độ vang, độ mãnh liệt mà nhạc giao hưởng cần phải có”. Vì vậy nên ông đã quyết tâm viết một hợp xướng vừa như tôn vinh âm thanh của trống đồng vừa là để chào mừng đại lễ.

Hợp xướng này, theo như ông cho biết, sẽ được biểu diễn trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội với sự tham gia của 1.000 nghệ sĩ và đệm cho hợp xướng này là 100 trống đồng.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng lưu ý đó chỉ là dự kiến, còn “có hiện thực hóa được dự kiến” này hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là kinh phí. Ông nhấn mạnh: Nếu như kinh phí không đủ cho 1.000 người hát với phần đệm của 100 chiếc trống đồng thì BTC cũng sẽ cố gắng tìm nguồn tài trợ để chí ít cho 400 người hát và 36 cái trống đồng trình tấu hợp xướng này trong dịp diễn ra đại lễ kỷ niệm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Việc chúng ta đúc trống đồng và sử dụng trống đồng đệm cho hợp xướng Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng không phải là chúng ta đang khai thác lại vốn cổ mà là một sáng tác mới trên nền âm thanh để tôn chính cái âm thanh của trống đồng với tất cả nội dung phù hợp với hào khí Thăng Long để tránh cho ai đó hiểu nhầm, ngộ nhận chúng ta đang phục hồi lại cái cũ. Chúng tôi xin đảm bảo chắc chắn rằng sẽ có đủ 100 chiếc trống đồng đệm cho hợp xướng của nhạc sĩ Nguyễn Cường chứ không thể là 36 cái được. Còn việc huy động 1.000 người hát bản hợp xướng này, đương nhiên là cả một vấn đề. Chúng tôi sẽ tiến hành dựng bản demo cho hợp xướng, đồng thời tiếp tục thảo luận với nhiều cơ quan ban ngành khác nhau một cách rõ ràng hơn, cụ thể hơn, mang tính thuyết phục hơn để tìm sự hỗ trợ. Hy vọng, chương trình sẽ là một phần của Đại lễ 1.000 Thăng Long.


Họp báo giới thiệu - Ảnh: Mạnh Tuấn
Mỗi trống đồng là một kỷ vật ngàn năm

100 trống đồng được đúc theo 4 mẫu Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Quảng Xương, Sông Đà (từ hoa văn, kích cỡ, khối lượng trống). Xét về góc độ di sản, TS Đặng Văn Bài cho biết: “Chúng tôi không đúc nguyên xi 1-1, y hệt bốn mẫu trống đồng như đã nêu mà đã được sáng tạo thêm một lần nữa rồi. Còn vấn đề trống đồng là nhạc khí hay linh khí thì không mấy quan trọng, điều quan trọng là làm thế nào đó hãy giúp di sản đến với cộng đồng, có chỗ đứng trong xã hội. Nếu chương trình của nhạc sĩ Nguyễn Cường thành công thì đó cũng là một “kênh” quảng bá hình thức văn hóa tiêu biểu của ông cha đến với mỗi thế hệ...”

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm: Chúng ta không phải đúc một hiện vật cụ thể mà chúng tôi còn gửi gắm ở đó một trách nhiệm cao nhất, cố gắng không để một sơ suất nhỏ nào xảy ra. Còn việc đánh trống như thế nào thì cần phải biết là chúng ta không làm lại chuyện đã có trong lịch sử mà là đang cố gắng khai thác tối đa những chất liệu, những hiểu biết của chúng ta để tạo ra một tiết mục nhờ vào việc khai thác âm thanh của trống đồng. Còn cách đánh trống đồng thì khảo sát trên thế giới có nhiều cách đánh khác nhau. Ở đây cái quan trọng nhất là thái độ trân trọng, thứ nữa là hiệu quả của âm thanh khi đánh (giã) trống.

Đúc trống đồng về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Cổ vật Thanh Hoa cho biết: Nhằm đúng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) tức ngày 23/4/2010, Hội Cổ vật Thanh Hóa sẽ nổi lửa tiến hành đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống dâng tặng Đảng và Nhà nước nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010). Theo đó, chiếc trống đồng được đúc mô phỏng hoa văn trống đồng Ngọc Lũ. Mặt trống có đường kính 120cm, tượng trưng cho 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều cao trống 100cm tượng trưng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tổng chiều cao của trống và bệ trống là 148cm tượng trưng cho 148 năm, năm sinh của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bệ gỗ rộng 142cm tượng trưng cho 142 năm ngày sinh của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần thân trống được khắc họa 9 hình ảnh tiêu biểu trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo ký hiệu từ 1-9...


Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm