Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Viết một hợp xướng để hát với trống đồng

29/08/2009 15:54 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Sau 2 bài viết về chủ đề “Giải mã trống đồng”, khẳng định trống đồng đương nhiên là nhạc khí, chúng tôi vui mừng được biết nhạc sĩ Nguyễn Cường - người nổi tiếng với các ca khúc về Tây Nguyên đã bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng là viết một hợp xướng để hát với trống đồng.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường không phải là nhà sử học, càng không phải là nhà nghiên cứu sâu về lĩnh vực khảo cổ học hay những vấn đề cổ sử, nhất là về trống đồng. Tuy nhiên, sau khi được chứng kiến các nghệ nhân, nghệ sĩ xứ Thanh biểu diễn tiết mục Dòng máu Lạc Hồng tại hội thảo “Báo cáo quy trình đúc trống đồng thành công bằng phương pháp thủ công truyền thống” diễn ra tại Bảo tàng Hoàng Long (Thanh Hóa) hôm 23/8, ông đã thực sự cảm thấy bàng hoàng rồi khẳng định: “Trống đồng có thể tham gia vào bộ nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng Việt Nam”.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tại Hội thảo về trống đồng
 
Đánh trống đồng là tìm “phần hồn” của trống

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: “Giống như cái chiêng của người Tây Nguyên, trống đồng vừa là linh khí vừa là nhạc khí. Trước khi đánh chiêng, người ta cũng làm lễ cầu nhạc. Cách đây hơn 100 năm gì đó, người ta tìm thấy chiếc trống đồng Ngọc Lũ cổ thì tôi cho rằng đó mới chỉ là tìm thấy phần xác của trống đồng. Ngày nay, chúng ta đánh trống đồng thì cái tiếng của nó chính là phần hồn của trống, hồn của Đại Việt, hồn của người Việt Nam chúng ta.

Tôi đã nghiên cứu về dân ca của người Việt và dân ca của các dân tộc thì thấy một điều: các làn điệu dân ca chủ yếu là trữ tình, nghĩa là chỉ có tính âm. Vậy thì so với một dân tộc đã chiến thắng đủ các loại quân xâm lược thì cái tính dữ dội của nó ở đâu? Chả nhẽ nền âm nhạc dân tộc chúng ta chỉ có quan họ Bắc Ninh, những bài hát ghẹo, hát xoan... những bài hát u uẩn, buồn thảm, nhớ thương rất là hoài cổ? Nhưng đến hôm nay, tôi đã tìm thấy được cái dũng mãnh của tinh thần, ý chí quật cường của người Đại Việt trong tiếng trống đồng. Tiếng trống đồng sẽ bổ sung tính dương, tính giao hưởng mà vì nó đã đáp ứng, giải quyết được độ vang, độ mãnh liệt mà nhạc giao hưởng cần phải có”.


Biểu diễn đánh trống đồng

Khi được hỏi trống đồng với phương pháp đúc thủ công truyền thống chắc hẳn sẽ có cái dày, cái mỏng, ông không lo sợ chất lượng âm thanh sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả dàn nhạc, thì nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: “Không quan trọng việc trống đúc dày hay mỏng vì rằng trống đồng chưa, hay nói thẳng là không phải trống định âm. Nó chỉ là một bộ gõ bình thường mà thôi, nên không cần phải đồ, rê, mi, pha, son... làm gì cả. Thậm chí cũng chẳng nên lo đánh trống sẽ làm trống vỡ, vì như anh Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - PV) đã nói “chẳng có ai dại dột, điên rồ vác cái trống đồng Ngọc Lũ nguyên gốc ra mà đánh cả”. Trống mới thời nay, nếu đánh vỡ thì đúc cái khác. Nó cũng giống như trống da, đánh rách thì căng lại da hoặc làm mới...

“Chơi nhạc giao hưởng với trống đồng, tôi cũng cho là chuyện bình thường, chẳng có gì là sáng tạo hay ghê gớm cả, quan trọng là người sáng tác có viết ra nổi loại nhạc để hòa hợp chúng một cách hiệu quả hay không mà thôi” - ông thẳng thắn.

Tìm kiếm nghệ sĩ đánh trống không khó

Chơi nhạc giao hưởng với trống đồng, tôi cũng cho là chuyện bình thường
 
- Phát biểu của NS Nguyễn Cường -
Mang ý kiến của GS-TS Diệp Đình Hoa rằng “để thành lập một dàn nhạc trống đồng và đánh trống đồng theo một quy chuẩn nào đó, trước tiên cần nghiên cứu kỹ cách đánh trống đồng của hơn 10 tộc người thì sẽ hoàn chỉnh hơn về tất cả các mặt...”. Còn nếu trống đồng được đưa vào nhạc khí Việt Nam thì có cần thiết phải làm như vậy không? Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết quan điểm của ông: “Hiện nay chúng ta mới chỉ có cái trống đồng và những hình ảnh khắc hai người giã vào cái trống (hình người cầm chày giã như giã chày tay - PV) chứ chưa có tư liệu gì nói về việc đánh trống như thế nào, đánh thế nào là đúng và đánh kiểu gì...?! Mà cần gì đúng hay không đúng? Thế nào là đúng? Thế nào là không đúng. Nghệ thuật là không đúng, không sai! Có cái trống đó rồi thì ta phải làm thế nào cho hợp, nghe thấy hay, chứ làm sao cứ phải lo đánh thế nào cho đúng ngày xưa?! Mình biết người xưa người ta đánh như thế nào mà bảo đánh đúng? Tại sao lại phải đánh đúng như ngày xưa?”.


Về phần nghệ sĩ đánh trống đồng khi loại trống này tham gia vào dàn nhạc khí thì sẽ “mượn” các nghệ sĩ của địa phương từng biểu diễn trống đồng hay phải đào tạo mới, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho biết quan điểm là: “Tất nhiên khi tham gia bộ nhạc khí thì đánh trống đồng lúc ấy sẽ phải có sự riêng biệt. Tuy nhiên, trống đồng cũng chỉ là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ nên chuyện tìm kiếm nghệ sĩ đánh trống cũng không có gì là khó khăn cả, có thể mời nghệ sĩ đánh trống khác sang đánh trống đồng cũng được”.

Viết “Ngàn năm Thăng Long, mở hội trống đồng”

Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Nguyễn Cường còn cho biết ý tưởng đưa trống đồng tham gia vào bộ nhạc khí Việt Nam đã có trong ông từ lâu, nhưng cũng giống như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, do còn đầy ngờ vực, cũng rất băn khoăn rằng hình như chúng ta chưa có nhiều tư liệu để chứng minh nó là một nhạc khí nên cũng chưa đủ sức để phục dựng lại, nhất là phục dựng lại bằng những sản phẩm cụ thể về giá trị phi vật thể”... nên “không dám thổ lộ cùng ai”. Bây giờ, nhận ra và tìm thấy được phần hồn của trống đồng rồi thì ông cũng đã bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng viết một hợp xướng để hát với trống đồng với tựa đề “tạm đặt”: Ngàn năm Thăng Long, mở hội trống đồng. Ông hát thử cho chúng tôi nghe một vài câu trong hợp xướng đó: “Cùng theo mẹ lên núi, cùng theo cha xuống biển/Hôm nay cùng mọi người về đây thắp lửa Lạc Hồng. Rung trống đồng lên... Các Vua Hùng, đã cùng cháu con về đây...”.

Hợp xướng này nếu được thực hiện sẽ được 400 nghệ sĩ hát (nếu thu thanh thì khoảng 40 nghệ sĩ) với khoảng 18 chiếc trống đồng hoặc nhiều hơn là 30 chiếc với thời lượng khoảng 15 phút trong Lễ hội 1.000 Thăng Long sẽ diễn ra vào năm sau tại Hà Nội. 

Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm