12/08/2015 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vì lý do khách quan, Kịch Hồng Vân tại Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận phải tạm ngưng trong một thời gian khá dài. Tối 10/8/2015 sân khấu này đánh dấu sự trở lại bằng vở Đàn bà dễ có mấy tay (KB: Chu Thơm, ĐD: NSND Hồng Vân), một chuyển thể từ Giông tố của Vũ Trọng Phụng.
Cái lạ đầu tiên của Đàn bà dễ có mấy tay là toàn bộ diễn viên đều nói giọng Bắc rất chuẩn, cho dù bình thường phần lớn họ nói giọng Sài Gòn gốc Nam bộ. Điều này giúp người xem mường tượng được không gian câu chuyện xảy ra tại xứ Bắc Kỳ các thập niên trước 1940.
Nét độc đáo kế tiếp là trình độ đồng đều của các tuyến nhân vật, từ giàu kinh nghiệm đến những gương mặt trẻ. Xem vở này khán giả sẽ thấy khả năng biến hóa khôn lường của NSƯT Trịnh Kim Chi (vai bà cả); một Nghị Hách của Xuân Trang đúng như hình dung, vốn là một gã dâm đãng bệnh hoạn, háo danh, đạo đức giả.
Bên cạnh đó, Ốc Thanh Vân hoàn thành rất tốt tâm lý của một Thị Mịch, từ cô gái nhà quê ngơ ngác sang một kiểu đàn bà sành đời, lạnh lùng. Còn diễn viên Xuân Nghị - một gương mặt trẻ, vốn là học viên khóa 1 của lò đào tạo Hồng Vân - rất sáng tạo và cá tính trong giọng cười lấc cấc để biểu đạt chân thực kiểu người đốn mạt, tiểu nhân và thù đời.
Từ trái sang, Ốc Thanh Vân (vai Thị Mịch), Xuân Trang (Nghị Hách) và NSƯT Trịnh Kim Chi (bà cả) trong Đàn bà dễ có mấy tay
Điểm độc đáo không thể bỏ qua của vở này còn ở cách khoác áo mới cho tác phẩm văn học quen thuộc. Nếu ở tác phẩm gốc, Vũ Trọng Phụng xoáy vào sự thối nát của xã hội qua hình ảnh bệnh hoạn của Nghị Hách, thì trong Đàn bà dễ có mấy tay lại là bản lĩnh đàn bà.
Trong Giông tố, Nghị Hách biết rõ Long là con rơi của mình nhưng vẫn cho đám cưới với Tuyết - con gái ruột của ông với bà cả - khiến Long tự tử sau đó. Trong Đàn bà dễ có mấy tay, đạo diễn đã khiến Nghị Hách rơi vào trạng thái đột quỵ ngay lúc phát hiện ra Long là con trai của mình. Còn Long thì tự sát ngay trước mặt Nghị Hách ngay khi biết rõ quan hệ huyết thống ấy.
Chính vì vậy, mà đoạn cuối của vở diễn trở thành cao trào và giàu xung đột nhất. Tất cả những điểm sáng tạo này hướng khán giả đến một mục tiêu khác xa với tư tưởng của câu chuyện gốc, nhưng vẫn giữ được nét hấp dẫn cơ bản của một tác phẩm văn học trứ danh.
Thực tế phòng vé cho thấy dòng kịch văn học khó thành công ở khía cạnh kinh doanh, nhưng ít nhiều đã tạo nên phong thái riêng của Kịch Hồng Vân. Cụ thể như Làm…!, chuyển thể từ tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, từng tạo tiếng vang cách đây chừng 2 năm. Rồi việc tái dựng Số đỏ sau 13 năm vắng bóng, cũng có sức hút nhất định. Hồng Vân có vẻ rất mặn mà với lối châm biếm, phê phán của Vũ Trọng Phụng, cuối năm 2008, vở Kỹ nghệ lấy Tây cũng rất thành công.
Với các sân khấu tư nhân tại TP.HCM, nếu Kịch IDECAF là “ông trùm” về dựng Lưu Quang Vũ (khoảng 6 vở), thì Hồng Vân là “bà trùm” về dựng kịch chuyển thể từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Tam Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất