10/08/2014 12:39 GMT+7 | Trong nước
Rốt cuộc con chuột cũng mon men lại gần và liếm vào đĩa mứt quả trên nền nhà, đúng hơn không thể gọi là nhà, mà cái hang đó được đặt tên là Midnight Cave vì ở đây chỉ có bóng tối vĩnh cửu. Đó là ngày 20/8/1972. Cũng có thể là ngày 21 hay 19?
Ở nơi bóng tối vĩnh cửu
Nhà nghiên cứu hang động Michel Siffre không đoán ra hôm đó là ngày nào, vì anh không có lịch hay đồng hồ trong tay. Duy nhất cảm giác cho anh biết là anh phải đợi hàng tiếng đồng hồ cho đến khi con chuột bị nhử lại gần để anh ụp cái nồi lên. Cho đến thời điểm ấy, nhà nghiên cứu 33 tuổi toàn bắn chuột bằng súng hơi, song hôm nay ông muốn kết thân với con chuột cuối cùng còn sống sót. Anh không, không thể có động cơ nào khác.
Đó là thời điểm Siffre đã trải qua hơn 5 tháng trong cô quạnh tuyệt đối. Theo kế hoạch, anh sẽ đơn độc cầm cự đủ 205 ngày trong cái hang ở Del Rio (Texas) này để cung cấp một số kiến thức cho dự án nghiên cứu của Nasa muốn tìm hiểu tác động của sự cách ly đối với chu kỳ ngủ. Khi ký vào hợp đồng, dĩ nhiên anh không hề mường tượng ra cái giá sẽ phải trả.
Trước đó 10 năm Siffre từng tự giam mình 2 tháng trong một cái hang ở vùng Alps thuộc Pháp. Đó là 2 tháng trời liên tục ướt chân ở 3 độ C. Cùng với các nhà nghiên cứu hang động khác, anh đưa ra kết luận là con người ở tình trạng cách ly trong bóng tối sẽ có chu kỳ sinh học dài gấp đôi bình thường, nghĩa là 48 tiếng. Người ta sẽ hoạt động 36 tiếng liền rồi ngủ trong 12 tiếng còn lại. Kiến thức ấy đánh động Nasa, vì họ cho rằng có thể giúp các phi hành gia làm chủ các ca đêm dài dằng dặc trong không gian hạn chế.
“Sau hai tháng rưỡi trong hang tối, tôi trở về với ánh sáng như một cái xác không hồn”, Siffre kể lại ở tuổi 75. Nhưng thí nghiệm ở Texas có lẽ còn ở mức độ khắc nghiệt hơn - mặc dù nhiệt độ trong Midnight Cave luôn ở mức 25 độ và anh được trang bị mọi vật dụng cần thiết. “Tôi không chịu thách thức gì về cơ bắp, nhưng đối với tâm lý thì đây đúng là địa ngục”.
Siffre ngủ trên một ván gỗ trong lều vải dù, ăn các thực phẩm như phi hành gia trên tàu Apollo 16. Mỗi ngày anh liên lạc 3 lần với đội hậu cần: sau khi thức dậy để họ bật đèn, khi bắt đầu ăn và lúc đi ngủ. Đội hậu cần sẽ tắt đèn đi, vì Siffre không được phép chủ động quyết định tự phát, ví dụ như bật đèn đọc sách giữa đêm. Thời gian bật đèn cũng là cách đo cảm giác về thời gian của người tham gia thí nghiệm.
Đôi khi Siffre tự nghiên cứu cơ thể mình suốt 8 giờ liền. Anh phân tích mẫu tóc, thử thị lực qua bài tập bắn súng hơi, đo huyết áp... Còn thì anh đọc sách, ghi chép và nghe nhạc. Tháng đầu tiên trôi qua nhẹ nhàng - Siffre vốn quen ngoại cảnh này trong công tác thường nhật của mình.
Thời gian tiếp theo mới nhọc nhằn, khi sách vở bị mốc bám dày, chiếc máy quay đĩa hỏng vì ẩm, còn không khí nồng nặc mùi phân chuột và dơi, chưa kể bụi rơi lả tả suốt ngày từ trần hang. Do cả người gắn đầy cảm ứng điện tử để đo hoạt động của cơ bắp và não cũng như các động thái khi mơ, Siffre chỉ được di chuyển trong bán kính 10 m. “Tôi có cảm giác như con chó bị buộc dây.”
Ngày thứ 156 anh ghi nhật ký: “Hoảng loạn! Hoảng loạn như chưa từng trải qua! Tôi cào nấm mốc trên trang tạp chí để đọc được thông tin là nước tiểu dơi có thể truyền bệnh dại qua đường không khí”. Vậy là anh đã hít thở nguồn bệnh đó mấy tuần nay? Những mụn nhọt mới mọc - liệu đã phải là triệu chứng đầu tiên? Và bộ râu chợt bạc phếch? “Tôi phải rời khỏi chốn này ngay lập tức!”.
Nỗi cô đơn tuyệt vọng
“J’en ai assez!”, anh hét lên trong bóng đêm, đủ quá rồi! Nhưng phản ứng đó nằm trong dự đoán của đội hậu cần. “Yên tâm nào, không sao đâu”, một đồng nghiệp nói qua điện đàm rồi dập máy. Nỗi tuyệt vọng của Siffre không hề thuyên giảm. “Tôi nằm đờ đẫn mấy ngày liền và cố không suy ngẫm gì cả”, anh viết nhật ký. “Đột nhiên tôi nghĩ ra giải pháp lý tưởng: tự sát!”. Khôi hài, nhưng cũng bi thảm: lý do duy nhất để Siffre từ bỏ ý định tự tử lại là mấy món vay tín dụng mà bố mẹ anh sẽ trả nợ cả đời không hết. “Niềm kiêu hãnh của một nhà khoa học ngăn tôi sổ toẹt mọi thứ, nhưng tôi không chịu đựng lâu hơn được nữa trong cái hang tối này. Tôi suy tính cách nào để ngụy tạo một tai nạn làm gãy chân hoặc hít nhiều bụi để bị viêm phổi”.
Cuộc vật lộn với chính mình kéo dài 10 ngày liền, Siffre không buồn liên lạc với bên ngoài. Sau đó là cuộc chạm trán với con chuột mà anh đã thấy nó lẩn khuất đâu đó và đặt tên là Mus. Ụp cái nồi lên Mus, anh tràn trề hạnh phúc vì từ nay không còn cô đơn, song Mus bị cạnh nồi đập vỡ đầu - một cơn sốc cho nhà nghiên cứu thèm khát người đồng hành!
Siffre ra khỏi hang vào ngày thứ 205. Một đội quân hùng hậu các nhà vật lý, hóa học, sinh học và tâm lý học nóng lòng đợi các kết quả và kinh nghiệm mà anh thu lượm được. “Trong bóng đêm cô đơn, đồng hồ sinh học chạy chậm đi, và tôi luôn quên những gì vừa làm hôm trước”, Siffre kể, và cho đến nay không ai giải thích được lý do. Nasa ghi lại một cách máy móc: cô đơn làm người ta giảm sút trí nhớ, tuyệt vọng, ốm, hoặc phát điên. Nhiều tháng sau khi trở về, Siffre vẫn bị trầm uất, mắt mờ và đãng trí. Chưa kể hơn 5 vạn euro nợ nần, vì anh phải chịu phí tổn đánh giá dữ liệu cao hơn dự tính khi ký với Nasa.
Mãi đến 1999 Siffre mới đủ dũng cảm xuống lòng đất lần nữa, lần này kéo dài 69 ngày, và “nhân thể” mừng sinh nhật thứ 61 trong cô đơn.
Đôi khi người ta hỏi Siffre về Mus. “Tôi nhớ là đã thả nó ra thì phải”.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất