14/09/2011 11:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Hôm nay, Chủ tịch VFF sẽ giao lưu trực tuyến với khán giả cả nước thông qua trang thông tin điện tử của báo Bóng đá. Điều người ta quan tâm là ông Hỷ có dám trả lời cơ bản những câu hỏi “khó”, hay là thông qua tờ báo vốn là cơ quan ngôn luận của VFF để thể hiện chủ ý có lợi cho ông và VFF?
Ngày 2/06/2005, tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ V Nguyễn Trọng Hỷ sau khi trúng cử đã có so sánh đi vào lòng người và gieo hoài bão cho khán giả về một cuộc chấn hưng bóng đá VN. Nói thế bởi thời điểm đó bóng đá VN đang hết sức khó khăn. “Tôi cũng như một người lính. Tôi vẫn nói đùa với anh em là mình như một người chiến sĩ, tôi cũng đã từng là một người lính. Tôi giữ chức vụ Chủ tịch VFF trong hoàn cảnh này là một bước thử thách rất lớn”.
Không phải đợi lâu, cựu quân nhân Nguyễn Trọng Hỷ cùng êkíp khóa V đã phải đối diện ngay với trận chiến tiêu cực. Bắt đầu là trọng tài, sau đó là 7 cầu thủ dính chàm tại SEA Games 2005 vào tháng 12 năm đó…
Mới đó mà đã 6 năm 3 tháng, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đã trải qua 2 nhiệm kỳ với tư cách là người đứng đầu một tổ chức xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tất nhiên, tai tiếng cũng quá nhiều như VFF. Bóng đá VN đã phát triển khá sâu rộng. Đấy là điều không thể phủ nhận. Có điều, để nói thành công mang tính đột biến thì chưa. Thành tích của các ĐTQG là tấm gương phản chiếu rõ nhất đẳng cấp của một nền bóng đá. Chúng ta chỉ một lần đăng quang AFF Suzuki Cup 2008. Còn lại, không cách nào chạm được giấc mơ vàng ở 3 kỳ SEA Games (2005, 2007, 2009), không bảo vệ được ngôi vua tại AFF Suzuki Cup 2010. Giờ chỉ còn SEA Games cuối năm này và AFF Suzuki Cup 2012 không vô địch là vứt. Những ám ảnh cơn bão tiêu cực của 6 năm về trước, chưa bao giờ hiện rõ như lúc này ở V-League. Liệu nhiệm kỳ VI kết thúc có hậu, trong diễn biến không phải là thuận lợi ?
Bóng đá đúng là một mặt trận khốc liệt, đòi hỏi lãnh đạo VFF có những tố chất đặc biệt, dĩ nhiên những phẩm chất của “người lính” thực sự cần thiết: bản lĩnh, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đại cuộc.
Nếu không có bài phát biểu gây sốc của bầu Kiên, có lẽ hôm nay Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ không phải đăng đàn. Đơn giản bởi những trường hợp giao lưu trực tuyến chỉ thường diễn ra sau những thành công.
Nếu Chủ tịch Hỷ không nhất trí đề nghị bầu Kiên mở cửa cho báo chí vào, thì sự thể cũng đã khác.
Chắc chắn, bầu Kiên đã tin tưởng ngài Chủ tịch VFF sẽ đồng ý đề nghị chính đáng của mình, nên mới nhắm đến ông Hỷ. Thực tế lâu nay, ở VFF, Chủ tịch Hỷ là người gần gũi với báo chí nhất. Ông cũng đã nhiều lần nói thẳng những hạn chế của VFF lẫn bóng đá VN, chứ không trốn tránh như nhiều quan chức khác. Ví như, “bộ máy của VFF không theo kịp sự tiến bộ của bóng đá nước nhà và sự phát triển của xã hội”; “khái niệm bóng đá sạch ở ta chỉ là tương đối”; “bóng đá chuyên nghiệp ta khác các nước”… Cũng chính vì dám nói, nên ông Hỷ đã không ít lần bị rắc rối. Trong khi đó thuộc cấp của ông không ít người đã chọn “triết lý” im lặng là vàng. Thậm chí, cố tìm những sơ hở của báo chí để gây khó dễ.
Hôm nay, chắc chắn ngài Chủ tịch sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi xoáy của dư luận. Lẽ ra, sẽ phải có thêm những người có trách nhiệm cùng ông trả lời, như thế mới gọi là dũng cảm và “đàn ông”, vậy mà hôm nay chỉ mỗi mình ông Chủ tịch VFF đơn độc trước mũi dùi dư luận.
Hy vọng, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ sẽ nói thẳng và thật, kể cả dám nhận những hạn chế của VFF. Như thế, thì hình ảnh của ông lẫn VFF sẽ được tôn lên. Còn ngược lại, còn gì thất vọng hơn?
NGỌC HÒA
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất