Hôm nay bầu tân Giáo hoàng: Chờ khói trắng trên nóc nhà nguyện

12/03/2013 07:39 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo kế hoạch, ngày hôm nay (12/3) các Hồng y sẽ tiến vào nhà nguyện Sistine ở Vatican để tiến hành Mật nghị Hồng y bầu tân Giáo hoàng. Các Hồng y sẽ làm gì trong mật nghị và người ta giữ bí mật cho cuộc họp kín này bằng cách nào đã là điều thu hút sự chú ý của dư luận nhiều ngày nay.

Các chi tiết chuẩn bị cuối cùng đã được thực hiện tại Nhà nguyện Sistine, ngay trước khi 115 Hồng y Công giáo Roma tiến vào mật nghị để bầu Giáo hoàng mới.

Truyền thống họp kín đã có từ hàng trăm năm trước

Một khi các ngài đã vào trong, những cánh cửa của Nhà nguyện Sistine sẽ được đóng lại và các Hồng y sẽ không có báo để đọc, tivi để xem và đặc biệt là không được tiếp cận với điện thoại, với các mạng xã hội như Twitter và Facebook. Về cơ bản họ sẽ chẳng được tiếp xúc với bất kỳ thứ gì từ bên ngoài, trừ đồ ăn thức uống.

Các kỹ thuật viên của Vatican hiện đã lắp các thiết bị gây nghẽn điện thoại di động tiên tiến nhất để khiến thế giới không thể biết được các Hồng y đang nói gì ở trong nhà nguyện.

Các Hồng y sẽ có buổi cầu nguyện chung trước khi tiến vào mật nghị

"Đây là cách để đảm bảo rằng những âm thanh vọng tới tai các Hồng y trong mật nghị chỉ thuộc về Đức Thánh linh và không thuộc về ai khác" - mục sư John Wauck, chuyên gia tư vấn Vatican của hãng tin ABC News nhận xét.

Sáng 11/2, công nhân Vatican đã treo các bức rèm đỏ tại cửa sổ nhà thờ St. Peter's Basilica, nơi thế giới sẽ được chiêm ngưỡng tân Giáo hoàng ngay khi ngài được bầu tại mật nghị.

Nghi thức mật nghị liên quan tới các truyền thống đã bắt nguồn từ cách nay nhiều thế kỷ và đã thay đổi rất ít theo thời gian. Truyền thống khóa cửa bắt đầu từ năm 1274, khi các Hồng y tụ hội tại làng Viterbo để bầu Giáo hoàng. Tuy nhiên sau mật nghị kéo dài nhất từ trước tới nay (2 năm 8 tháng) mà không bầu được Giáo hoàng, cư dân Viterbo đã nổi giận và quyết định ra tay buộc các Hồng y phải lựa chọn nhanh hơn. Họ nhốt các Hồng y trong phòng họp ở làng Viterbo và sử dụng các biện pháp khá cực đoan như gỡ mái nhà, bỏ đói các Hồng y để họ phải ra quyết định.

Tuy nhiên các Hồng y tham gia mật nghị tới đây sẽ ở trong không gian ấm áp, thoải mái hơn nhiều, được vây quanh bởi các tuyệt tác bích họa của Michelangelo.


Nghi lễ linh thiêng

Trong khi vận động tranh cử là điều bị cấm ở trong nhà nguyện Sistine, các chuyên gia nói rằng các Hồng y thực ra đã làm chuyện này nhiều ngày trước đó.

Hơn một nửa Hồng y có quyền bầu cử do Giáo hoàng Benedict XVI tự tay lựa chọn và nhiều người đã sử dụng những ngày trước mật nghị để làm quen với nhau và cảm nhận được xu thế lựa chọn chung.

"Tôi nghĩ rằng mỗi Hồng y đều đã có danh sách của khoảng một chục người ở trong đầu họ. Ông ấy có thể biết ai đó khá rõ và biết một số người khác chỉ qua danh tiếng" - Christopher Bellitto, một giáo sư tại Đại học Kean ở New Jersey, người đã viết tới 9 cuốn sách về lịch sử nhà thờ cho biết - "Nếu các Hồng y không biết ai đó, họ có thể hỏi ý kiến từ người mà họ tin tưởng".

Tân Giáo hoàng sẽ ra mắt thế giới tại ban công nhà thờ St. Peter’s Basilica

Trong ngày 12/3, các Hồng y sẽ tham dự một buổi cầu nguyện chung trước khi bước vào Nhà nguyện Sistine. Đây sẽ là lần cuối cùng 1 trong  số 115 người này còn đội chiếc mũ đỏ của Hồng y.

Một khi ở trong nhà nguyện, các Hồng y sẽ tuyên thệ giữ bí mật và được trao cho các lá phiếu hình chữ nhật có dòng chữ "Eligo in Summum Pontificem", có nghĩa "tôi lựa chọn làm Giáo hoàng".

Mỗi Hồng y sẽ viết tên người họ lựa chọn lên lá phiếu và được yêu cầu thay đổi kiểu viết để tránh không cho người khác biết họ ủng hộ ai.

"Khi bạn bước đi cùng với lá phiếu trong tay, giơ nó ra trước điểm bỏ phiếu và nói: “Con kêu gọi Chúa Jesus, người sẽ đóng vai trọng tài để chứng kiến rằng con đang bỏ phiếu cho người con tin là xứng đáng”, cảm xúc sẽ thực sự dâng lên" - Hồng y Wilfrid Napier, Tổng giám mục Durban, Nam Phi, cho biết.

3 người trong ban kiểm phiếu sẽ đếm các lá phiếu và nếu không Hồng y nào nhận được 2/3 phiếu bầu, các lá phiếu sẽ bị đốt. Người ta sẽ cho hóa chất vào trong lò đốt phiếu nhằm tạo ra khói màu đen ở ống khói nhà nguyện Sistine - tín hiệu cho thế giới rằng chưa bầu được Giáo hoàng.

Bellitoo cho biết ngày xưa rơm ẩm được dùng để tạo khói đen. Tuy nhiên sau nhiều năm gây nhầm lẫn, bởi có lúc khói rơm biến thành màu trắng, nay người ta chỉ dùng thuốc nhuộm.

Khói trắng và tân Giáo hoàng

Trong một ngày, các Hồng y chỉ được bỏ phiếu tối đa 4 lần và nếu sau 3 ngày mà vẫn chưa chọn được Giáo hoàng, việc bỏ phiếu sẽ bị ngừng lại một hôm để các Hồng y cầu nguyện và thảo luận.

Trong suốt tiến trình bí mật này, các Hồng y sẽ ăn và ngủ tại một nhà khách riêng nằm bên rìa Vatican.

Chỉ có đội ngũ nhân viên được lựa chọn kỹ, gồm các bác sĩ, đầu bếp và các quản gia, tất cả đều phải tuyên thệ giữ bí mật, mới được tiếp cận với các Hồng y. Với khoảng nửa số Hồng y tham gia bỏ phiếu, đây sẽ là lần thứ hai trong đời họ tham gia vào sự kiện trọng đại này.

Hồng y William Levada ở San Francisco, người lần đầu tham gia bầu Giáo hoàng, nói rằng những người khác trong Hồng y đoàn đã cho ông biết về những gì sẽ diễn ra. "Tôi nghĩ bầu không khí bên trong sẽ đầy những lời cầu nguyện. Không có vận động tranh cử. Việc này bị cấm và anh không thể đề cử bản thân" - ông nói.

Bí mật vĩnh viễn

Tân Giáo hoàng sẽ bước lên ban công nhà thờ St. Peter's Basilica và lần đầu tiên chào thế giới. Tuy nhiên những gì đã diễn ra trong mật nghị để giúp đưa ngài lên chiếc ghế Giáo hoàng sẽ vĩnh viễn được giữ bí mật trong đầu những Hồng y tham gia sự kiện trọng đại đó.

Tín hiệu đầu tiên mà 1,2 tỷ giáo dân Công giáo trên toàn cầu biết rằng họ đã có Giáo hoàng mới là khi khói trắng bốc ra khỏi ống khói của nhà nguyện Sistine. Bên trong Nhà nguyện, người được chọn làm Giáo hoàng sẽ được lãnh đạo Hồng y đoàn hỏi rằng ông có chấp nhận vị trí mới hay không. Nếu ông đồng ý, người ta sẽ hỏi tên Giáo hoàng mà ông đã chọn.

"Thông thường, các Hồng y đều đã có sẵn một số cái tên mà họ có cảm tình" - Bellitto nói. Trong buổi thuyết giảng đầu tiên với tư cách Giáo hoàng, Benedict XVI nói rằng ngài chọn cái tên của mình là để "tạo một mối liên hệ về tinh thần với Giáo hoàng Benedict XV, người đã lèo lái Giáo hội qua giai đoạn khó khăn sau Thế chiến I".

Tân Giáo hoàng sẽ được mặc các bộ y phục dành cho Giáo hoàng trước khi tiến tới nhà thờ St. Peter's Basilica. Tới lúc này, danh tính của ngài vẫn nằm trong vòng bí ẩn đối với thế giới.

Tiếp đó Hồng y Pháp Jean-Louis Tauran sẽ bước lên ban công nhà thờ St. Peter's Basilica để nói với thế giới cái tên của người đã được chọn làm Giáo hoàng kế tiếp. Tauran đã được dự kiến là người loan báo tên Giáo hoàng, từ phi chính ông trở thành Giáo hoàng. Khi đó sẽ có người khác chịu trách nhiệm truyền tin.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm