Hội thảo về nhà văn Trương Tửu

13/12/2013 07:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp sau lễ kỷ niệm 100 năm năm sinh Trương Tửu do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức hồi tháng 11, Hội nhà văn Hà Nội lại vừa tôn vinh nhà văn với một hội thảo tại Hà Nội.

Hội thảo mang tên "Những thí nghiệm của ngòi bút tôi" theo tên một tác phẩm nghiên cứu của Trương Tửu.

Chân dung nhà văn Trương Tửu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Lịch sử sẽ công bằng

Trương Tửu là người quyết liệt và cực đoan trong quan điểm phê bình và sáng tác, sinh thời, ông từng gây nên nhiều cuộc tranh cãi trong giới học thuật. Trong đó, có việc nhận định đi ngược số đông về Truyện Kiều và Nguyễn Du, về sau ông lên tiếng nhận sai rất sòng phẳng (TT&VH từng nhắc đến chuyện này trong một bài viết trước).

Trong đề dẫn hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội nhắc lại lời nhà văn Trương Tửu nhắn nhủ con trai cách đây hơn 50 năm, mở đầu là: "Có điều bố muốn nói với con bằng cả tấm lòng của người cha".

"Những điều bố cùng các đồng nghiệp giáo sư đại học kiến nghị với Đảng, với Nhà nước… có thể đúng cũng có thể sai, nhưng với động cơ hoàn toàn trong sáng, chính trực với mong muốn đất nước ta ngày càng phát triển, xã hội ta ngày một dân chủ và tự do hơn, chế độ ta ngày một vững bền".

Trương Tửu từng "gác bút nghiên", dừng sự nghiệp văn chương ở tuổi 45 (về sau ông chỉ viết sách nghiên cứu không phải trong lĩnh vực văn học), nhưng trong lời nhắn con trai, ông vẫn chia sẻ một niềm tin: "Vì chân lý và lẽ phải, con hãy chờ, lịch sử sẽ chứng minh điều đó".


Từ trái sang: GS người Mỹ chuyên nghiên cứu văn học Việt Nam Peter Zenoman, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và ông Trương Quốc Tùng (con trai nhà văn Trương Tửu).


"Kiểm kê và tổng kết" các giá trị bị vùi lấp

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng rất tâm huyết với việc nhìn nhận lại cống hiến của Trương Tửu, một trong những nhân vật thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Việc xem xét lại và tôn vinh Trương Tửu nằm trong quá trình "kiểm kê và tổng kết" các giá trị văn hóa Việt Nam thế kỷ 20", (lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên) trong những năm gần đây. Trong đó, có một nhóm tác giả thuộc Nhân Văn Giai Phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Trần Đức Thảo, Phan Khôi… liên tiếp được khẳng định giá trị và phần nào khôi phục tên tuổi.

Trương Tửu (1913-1999) thuộc nhóm học giả đầu tiên của Việt Nam được phong hàm Giáo sư. Tác phẩm của ông gồm các tiểu thuyết Thanh niên S.O.S, Khi chiếc yếm rơi xuống, Một chiến sĩ, Một cổ đôi ba tròng…

"Trương Tửu nên được nhận Giải thưởng Nhà nước"

Phát biểu kết thúc hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh, cống hiến của ngòi bút Trương Tửu trong lĩnh vực sáng tác và phê bình văn chương xứng đáng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Đó là sự tôn vinh cần thiết cho một tác gia từng phải chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyên nói với TT&VH: "Năm ngoái, hồ sơ của nhà văn Trương Tửu đã được đưa vào diện xét Giải thưởng Nhà nước, tràn đầy tin tưởng, nhưng vào phút chót không có đủ số phiếu bầu nên chưa được giải. Đó là điều đáng tiếc, vì theo tôi ông là người rất xứng đáng".


Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm