Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc"

02/08/2024 11:13 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 2/8, tại huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), UBND tỉnh phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc".

Hội thảo nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng; đánh giá di sản, định dạng tầm vóc lịch sử, khát vọng dân tộc thể hiện qua thân thế, sự nghiệp, đóng góp của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh đối với đất nước Việt Nam. Đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng và nhà Đinh trong thúc đẩy khát vọng dân tộc, hào khí Hoa Lư phục vụ quản lý và phát triển đất nước nói chung, vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng hướng đến tầm nhìn năm 2050.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, thế kỷ X được xem là thế kỷ bản lề, thế kỷ chuyển đổi từ thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc sang thời kỳ độc lập - tự chủ với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, có tính chất bước ngoặt của lịch sử Việt Nam. 

Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc" - Ảnh 1.

Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924), mất năm Kỷ Mão (979), ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thái Bình, định đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở nền chính thống quốc gia, mở đầu một kỷ nguyên mới thống nhất giang sơn, phục hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước, tiếp tục củng cố vững chắc nền độc lập tự chủ mà họ Khúc, họ Dương, họ Ngô đã giành được.

Tầm vóc lịch sử vĩ đại, khát vọng dân tộc về một nền độc lập, thống nhất, quốc gia hùng cường thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành tài sản quý báu, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh Ninh Bình, của quốc gia, dân tộc. Hiện nay, Ninh Bình đang sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có 324 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An).

Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc" - Ảnh 2.

Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (đứng) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế và Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Bởi vậy, việc thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị đó cần phải tiếp tục triển khai với cường độ và quy mô lớn hơn, bài bản hơn, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các tổ chức chính trị xã hội cùng cộng đồng dân cư… để di sản của cha ông thực sự trở thành nguồn lực và động lực trong phát triển quê hương, đất nước.

Hội thảo tổ chức 2 phiên chuyên đề bao gồm: "Quê hương, thân thế, sự nghiệp, tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng" và "Phát huy di sản của Đinh Tiên Hoàng trong định hướng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ". Hội thảo có sự tham gia đồng hành của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Ninh Bình được lắng nghe các báo cáo nghiên cứu khoa học - lịch sử, những ý kiến thảo luận, phản biện khách quan, nhằm tiếp tục bổ sung, làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng nói riêng và nhà Đinh nói chung đối với lịch sử dân tộc; những đề xuất phương hướng, giải pháp trong quản lý, phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình, góp phần xây dựng tỉnh Ninh bình trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng đô thị di sản, thành phố sáng tạo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, mục đích hội thảo nhằm tiếp tục làm sáng tỏ thân thế, sự nghiệp và di sản Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản ấy theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư, nhằm xây dựng tại Ninh Bình một thành phố di sản, lấy các di sản của Đinh Tiên Hoàng Đế cùng triều Đinh, Tiền Lê làm trung tâm; xây dựng Ninh Bình thành một địa phương văn minh và hiện đại, xứng tầm là một thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian không xa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng, có sức thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm kỷ niệm 1.100 năm sinh của Đinh Tiên Hoàng Đế (924 - 2024).

Hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc" - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Đức Cường, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Ông Trần Đức Cường cho biết, các công trình nghiên cứu trước đây đã khẳng định Đinh Tiên Hoàng có công lao to lớn trong việc xóa bỏ tình trạng phân tán, cát cứ trước đó để thống nhất đất nước, đồng thời xây dựng một quốc gia Đại Cồ Việt vững mạnh, thực sự độc lập, một nhà nước quân chủ tập quyền trong lịch sử Việt Nam, tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc phục hưng dân tộc, phục hưng văn hóa của người Việt, tạo nên nhiều kỳ tích về xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ sau đó.

Đức Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm