29/04/2024 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Không chỉ nằm trong kho bảo quản của các Trung tâm tư liệu của Nhà nước, rất nhiều tư liệu quý như sắc phong, mộc bản, gia phả, bản đồ... hiện vẫn đang được lưu giữ tại các cơ sở di tích hoặc các gia đình, dòng họ. Và tất nhiên, do khó đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, lượng tư liệu này rất dễ xuống cấp, hư hại theo thời gian.
Để hạn chế tình trạng này, nhiều năm qua, các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I vẫn thường xuyên có sự kết nối để hỗ trợ cộng đồng trong khâu phục chế và bảo quản những tư liệu quý.
"Mở sắc phong luôn gặp chuyện chẳng lành"
Trong tọa đàm Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh, chuyên gia Phạm Xuân Phương (từng chủ nhiệm một chương trình số hóa tài liệu Hán - Nôm của làng xã và tư gia tại Thừa Thiên - Huế), cho biết: Theo truyền thống, các làng hoặc dòng họ ở Thừa Thiên - Huế khi mở hòm các bộ sắc phong, tư liệu cũ thường phải làm lễ với sự góp mặt đầy đủ các thành phần chức sắc của làng hoặc các chi phái. Quy định thời gian mở hòm thường là từ 3 tới 5 năm/lần, thậm chí có những dòng họ rất nhiều năm không mở.
Đơn cử, năm 2012, sau rất nhiều lần vận động, các chuyên gia tại Huế mới có thể thuyết phục dòng họ Tống (dòng họ của bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan) mở hòm sắc được đặt trong thùng sắt - vốn đã không mở 10 năm. May mắn, những sắc phong bằng lụa điều của vua Gia Long ban cho họ Tống vẫn còn, nhưng các tài liệu bằng giấy long đằng, giấy dó trong hòm thì bị hỏng đến trên 60%.
Hoặc, với ông Trần Đăng Phương, Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, thì đó là lần đến phủ thờ Thư Ngọc hầu (xã Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp) để tu bổ sắc phong vào năm 2017. Người trong dòng họ cho biết: "Mỗi lần mở sắc phong, luôn xảy ra chuyện chẳng lành". Sau nhiều lần từ chối, phải có sự động viên, giải thích của chính quyền, dòng họ này họp bàn và thống nhất "đồng ý" để các chuyên gia tác nghiệp.
Thậm chí, theo ông Phương, lời kể và phản ứng của người dân tại phủ thờ Thư Ngọc hầu khi ấy cũng gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng ở một số chuyên viên trẻ lần đầu đi tu bổ tài liệu tại các cơ sở thờ tự. Để trấn an, chuyên gia này phải động viên: "Chúng ta đến đây để làm nhiệm vụ. Việc chúng ta làm là việc tốt khi chữa lành, hồi sinh tài liệu quý hiếm nên không phải lo lắng. Các bạn hãy toàn tâm, toàn ý, tự tin để tập trung hoàn thành tốt công việc của mình".
Như giải thích của các dòng họ lớn, việc để tư liệu trong hòm suốt nhiều năm không mở được đặt ra nhằm tránh tình trạng tuỳ ý mở thêm bớt, tẩy xoá làm sai lệch thế thứ, con người trong gia phả và một số lý do khác...
"Đảo ngược quy trình" để cứu tư liệu
"Nhìn chung, việc thuyết phục người dân cho phép chúng tôi đụng chạm vào các sắc phong đã có cả trăm năm tuổi là không đơn giản" - ông Trần Quang Phương nói - "Nhất là khi trong dân gian thường quan niệm: Các đạo sắc phong như linh hồn của các cơ sở thờ tự, luôn luôn được an vị "ngự trị" và không thể xa rời nơi đây".
Dù vậy, như lời ông Phương, trong nhiều trường hợp, khi hiểu câu chuyện, cộng đồng sở hữu tư liệu lại thường rất nhiệt tình và đặt trọn hi vọng vào phía bảo tồn. Điển hình, vào năm 2017, từ đình thần Mỹ Thọ (thị trấn Mỹ Thọ, Cao Lãnh, Đồng Tháp), 6 đạo sắc phong có niên đại nửa đầu thế kỷ XIX đã được đưa khỏi nơi thờ tự, vượt trên 2.000 km ra Hà Nội để bóc tách, tu bổ và bồi nền trong thời gian hơn 3 năm.
Khi các chuyên gia tiếp nhận, các tư liệu bằng giấy nằm chung thành một cuộn trong tình trạng bị hư hỏng nặng và bết dính, đóng cục, thậm chí không xác định được có bao nhiêu đạo sắc bên trong. Như lời Ban Tế tự địa phương kể lại, khi chạy giặc những năm 1940, cuộn sắc này bị rớt xuống sông, sau đó vớt lên cho vào ống quyển (bằng đồng) và để nguyên vậy đến nay.
Theo ông Phương, đây cũng là trường hợp tài liệu bị hỏng nặng nhất mà người dân nhờ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khắc phục. Sau quá trình nghiên cứu, quy trình xử lý các Châu bản triều Nguyễn được đơn vị này áp dụng để phục chế sắc phong cơ bản. Tuy nhiên, các sắc tại đình Mỹ Thọ sử dụng chất liệu giấy sắc gồm nhiều lớp giấy mỏng nghè lại với nhau nên quá trình tu bổ phải tiến hành khá chậm và thận trọng. Ngoài ra, vì lớp giấy quá yếu và bị rách thành nhiều mảnh vụn nên có một số công đoạn phải đảo ngược quy trình.
"Sau hai năm, việc bóc tách và xếp các mảnh nhỏ tái hiện hình hài cho các đạo sắc phong cơ bản hoàn thành. Sau 3 năm 3 tháng, toàn bộ các đạo sắc phong được tu bổ, bồi nền với chất lượng rất tốt và khôi phục tương đối đầy đủ các thông tin ban đầu" - ông Phương kể - "Chúng tôi cũng rất xúc động khi các đạo sắc phong trong ngày trở về quê hương được đón tiếp trang trọng với đủ kiệu hoa, trống nhạc và dòng người đầy hào hứng, như cảnh rước sắc về làng khi xưa".
Cần những giải pháp cơ bản
Có nhiều kinh nghiệm về quá trình khôi phục tư liệu tại các di tích hoặc dòng họ, chuyên gia Điền Thị Hạnh (Viện Bảo tồn di tích) cho biết: Những tư liệu dạng này thường được bảo quản theo cách phổ biến nhất là cuộn tròn, đặt trong ống hoặc cho vào túi nilon rồi cất kỹ trong hòm sắt, hòm gỗ, két sắt… Thông thường, những trường hợp hư hại đến từ việc tư liệu giấy được cất giữ quá lâu tại phần hậu cung của di tích - vốn là nơi không đủ các điều kiện tiêu chuẩn về về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để bảo quản.
Ở một số trường hợp khác, các lỗi bảo quản phổ biến còn còn gắn với việc cho sắc phong vào khung kính treo lên tường, sau vài năm bị mờ chữ do bị phản ứng quang hóa; dán vá băng dính, băng keo lên bề mặt tài liệu bị rách thủng; mang sắc phong ra ép plastic khiến chúng bị biến màu do phản ứng hóa học. Những tác động sai cách này thường khiến các chuyên gia rất vất vả để xử lý - thậm chí có nơi không thể khôi phục vì đã hỏng hoàn toàn như trường hợp đình Hữu Bằng, (Thạch Thất, Hà Nội).
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chuyên môn từng tổ chức một số chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm bảo quản tư liệu giấy cho các cơ sở thờ tự, gia đình, dòng họ… Theo đó, cộng đồng sở hữu tư liệu được hướng dẫn bảo quản tư liệu giấy tốt nhất theo kinh nghiệm truyền thống: bọc bằng giấy dó, bỏ trong hộp giấy phi axit kèm gói chống ẩm hoặc giá/tủ chuyên dụng, đặt ở vị trí khô thoáng và thường xuyên kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm hoặc ánh sáng, mời cơ quan chuyên môn tư vấn hoặc tham gia xử lý khi gặp sự cố.
Thực tế cho thấy, đây là giải pháp khá cơ bản và hiệu quả, đồng thời có tính lan truyền mạnh để giúp người dân có thể bảo quản đúng cách những tư liệu giấy cổ của mình.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Phương để có thể phát huy trọn vẹn giá trị, việc bảo quản an toàn tài liệu sau tu bổ trong dân nên được thực hiện theo phương thức phối hợp giữa cá nhân và Nhà nước. Bởi, sau khi tu bổ, dù tình trạng vật lý được cải thiện nhưng các tài liệu không thể trở lại như mới được và cần được bảo quản, sử dụng theo những giải pháp phù hợp. (Điển hình, có trường hợp tài liệu sau tu bổ có thể cuộn lại, nhưng cũng có trường hợp không được cuộn mà bắt buộc phải bảo quản trong tủ chuyên dụng).
"Cũng phải nói thêm: Xét về góc độ an ninh, phòng chống cháy nổ thì các cơ sở thờ tự hay nhà dân không hẳn là địa chỉ an toàn để bảo quản tài liệu quý hiếm" - ông Phương cho biết - "Theo tôi, nếu không hiến tặng, các tư liệu của các cá nhân hoặc cơ sở thờ tự nên được bảo quản trong các kho lưu trữ chuyên dụng theo hình thức ký gửi. Khi phục vụ các nghi lễ truyền thống, các cơ sở thờ tự có thể sử dụng một phiên bản phục dựng khác, như đình Đông Xã tại Hà Nội đã làm".
Hoàn thành tâm nguyện sau 40 năm
Theo lời ông Trần Đăng Phương, vào năm 2017, các chuyên gia của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã hoàn thành tu bổ hai sắc phong lụa tại phủ thờ Tuyên Trung hầu (xã Long Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp). Khi đó, cô Hai, người trông coi Phủ thờ, rưng rưng xúc động chia sẻ: "Cách đây khoảng 40 năm, trước khi mất, ba tôi nhắn các con gắng chữa lành hai đạo sắc phong bị hư hỏng của dòng họ. Từ đó đến nay, ngày nào tôi cũng mong mỏi thực hiện dược di nguyện của cha. Tuổi cao sức yếu, lại lo lắng chờ đợi quá lâu, tôi thật sự biết ơn việc Trung tâm đã tu bổ thành công hai đạo sắc phong này".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất