Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học VN: Dịch ai, ai dịch?

06/01/2010 11:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sáng qua, 5/1, Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ hai đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội với sự tham gia của các nhà văn, các nhà dịch thuật văn học, đại diện các nhà xuất bản, các giáo sư văn học, các lưu học sinh đến từ 31 quốc gia trên thế giới.

Tô Hoài được dịch nhiều nhất

Qua tham luận của một số đại biểu nước ngoài, mới thấy văn học Việt Nam cũng được không ít nước quan tâm. Điều này càng thể hiện rõ hơn thông qua buổi khai mạc triển lãm Giao lưu văn học quốc tế diễn ra vào 15h30 tại Thư viện Quốc Gia.


Dịch giả Dashtsevel bên cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Mông Cổ vừa được xuất bản
Riêng Truyện Kiều của Nguyễn Du có tới 15 bản dịch tiếng Pháp khác nhau, tiếng Anh: trên 10 bản và tiếng Hán cũng khoảng 10 bản. Về văn học hiện đại, sách được xuất bản trên thế giới, hẳn nhiên sẽ khó ai vượt qua được nhà văn Tô Hoài khi tác phẩm của ông (đến nay vẫn chưa thống kê được các đầu sách) với khoảng hai, ba chục thứ tiếng.


Tại Thụy Điển, chỉ tính riêng NXB Tranan, đã có hơn chục đầu sách văn học hiện đại Việt Nam được chuyển ngữ với các tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Đoàn Lê, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Thuần...

Ở Nga, theo thống kê của xuất bản Liên Xô (cũ) trước năm 1973, có 120 đầu sách của Việt Nam được chuyển ngữ và phát hành. Những tác phẩm được Nga quan tâm chủ yếu là truyện cổ tích, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài...

Ở Pháp, văn học Việt Nam trên các quầy sách còn hết sức khiêm tốn, hai mảng văn học Việt Nam chủ yếu được dịch là văn học cổ với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và văn học hiện đại Việt Nam, hai tác giả được quan tâm vẫn là Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Riêng Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh còn nhận được sự ngợi khen của các nhà phê bình Pháp.

Ở Mông Cổ, trên 10 đầu sách văn học Việt Nam đã được dịch (mặc dầu các bạn sinh viên Mông Cổ thú nhận rằng họ chưa từng được nhìn thấy bất cứ cuốn sách văn học Việt Nam bằng tiếng Mông Cổ nào). Các tác phẩm gồm hai tập Truyện cổ tích Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Máu và hoa của Tố Hữu, Quê hương của Giang Nam, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Hòn đất của Anh Đức... Người chuyển ngữ phần lớn tác phẩm trong số đó là ông S. Dashtsevel - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ; Giáo sư Viện Hàn lâm khoa học Mông Cổ. Công việc của ông Dashtsevel là nghiên cứu Việt Nam. Ông nói tiếng Việt Nam rất trôi chảy và vô cùng thân thiện.

Gần ta nhất là Trung Quốc và Lào, văn học Việt Nam ở các nước đó ra sao? Riêng Trung Quốc, từ những năm 60 đến 70 của thế kỷ trước, văn học Việt Nam được dịch rất phổ biến. Theo lời của dịch giả Xia Lu (chuyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam tại trường ĐH Bắc Kinh), chính sách của Trung Quốc thời kỳ đó rất ưu tiên dịch các tác phẩm văn học Việt Nam, vì vậy các sách ăn khách của Anh, Mỹ, Pháp... đều phải hoãn lại. Các tác phẩm thơ chữ Hán của Nguyễn Du hay Hồ Chí Minh đều được người dân đọc qua bản gốc. Các tác phẩm của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Anh Đức, Nguyên Ngọc... đều trở nên quen thuộc. Hiện nay, những người Trung Quốc trên dưới 50 tuổi đều là độc giả của văn học Việt Nam và họ đọc văn học Việt Nam rất nhiều. Gần đây nhất, năm 2006, cuốn Tìm mẹ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được ra mắt tại Trung Quốc bởi NXB Thiếu nhi Thượng Hải (bên cạnh 4 cuốn đã được dịch và in trước đó).

Còn ở Lào, thật đáng tiếc khi “Người dịch văn học Việt Nam ra tiếng Lào chưa nhiều, nên sách văn học Việt Nam trên các quầy sách ở Lào so với các dòng văn học khác còn khiêm tốn”. (Theo phát biểu của ông Chănthy Deausavanh - Chủ tịch Hội Nhà văn Lào).


Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái,
Ma Văn Kháng... được dịch ra nước ngoài

Ai dịch? Dịch cho ai?

Phát biểu của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Lào đã đặt ra một vấn đề nan giải: ai sẽ là người dịch và kế tục việc dịch, giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài?

Ở Nga, từ năm 1973 đến nay, tác phẩm văn học Việt Nam mới nhất được dịch là Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp cách đây đã ba năm. Trước đó là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư (vào năm 1997, 1998). Còn lại là cả một màu... trắng. Theo dịch giả Kim Hiền: “Thời đó (trước năm 1973), có nhiều người giỏi tiếng Việt và yêu văn học Việt. Giờ, nếu người Nga có học tiếng Việt cũng chỉ để phục vụ cho du lịch hoặc làm việc ở các công ty. Nhiều dịch giả Nga - Việt giỏi đã qua đời, còn lại thì đã tuổi già, sức yếu”.

Tại Trung Quốc, truyện ngắn Việt Nam được dịch lác đác và đăng chủ yếu trên các tạp chí. “Tôi đã dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Trung”, dịch giả Xia Lu chia sẻ, “thế nhưng việc tìm kiếm nhà xuất bản chịu in là việc vô cùng khó khăn. Ngày nay, với nhiều phương tiện giải trí, văn học không còn là lựa chọn số 1 của người Trung Quốc như xưa nữa”.

Tại Pháp, văn học Việt Nam chưa được phát hành rộng rãi, bởi theo dịch giả Nguyễn Thiện Đạo, không có nhiều tác phẩm văn chương được người Pháp quan tâm, chất lượng các bản dịch chưa được tốt, trong khi đó vấn đề lợi nhuận luôn là mối quan tâm hàng đầu của các NXB Pháp.

Ngoài ra, công việc chuyển ngữ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài là việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức cũng như tình yêu văn học, con người Việt Nam. Với dịch giả Dashtsevel (Mông Cổ) để dịch được Truyện Kiều, ông đã mất hơn 20 năm để nghiên cứu tác phẩm, sau đó đối chiếu, so sách với bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp.

“Dịch thơ hiện đại Việt Nam thì vô cùng phức tạp hơn nữa” - dịch giả Dashtsevel nói - Tôi có đọc một số bài thơ hiện đại của Việt Nam, phần nhiều là... không hiểu. Phải có thời gian nghiên cứu kỹ thì mới có thể bắt tay vào dịch được”.

Theo dịch giả tiếng Nga Vũ Thế Khôi: “Ngày nay, cần có sự hợp tác trở lại giữa các dịch giả Việt Nam và các nước khác. Không một người Việt nào dám chắc chắn mình nắm vững tiếng Nga nên phải cần có một người Nga song hành và người này cũng yêu văn học Việt Nam”. 

     “Nhiều dân tộc trên thế giới có cảm tình nồng hậu với nhân dân Việt Nam vì cuộc chiến đấu lâu dài, quả cảm để giành độc lập tự do. Nhưng để hiểu được tâm hồn dân tộc Việt Nam, tính cách dân tộc Việt Nam, lòng nhân ái, độ lượng và thế giới tinh thần độc đáo của Việt Nam, chắc chắn họ phải tìm đến văn học...” (Phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tại lễ khai mạc hội nghị).

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm