Doanh nhân làm chủ tịch các liên đoàn thể thao: Không phải chuyện hiếm

23/03/2014 12:35 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện một doanh nhân chuyển từ làm kinh tế sang hoạt động quản lý trong lĩnh vực thể thao, cụ thể hơn là bóng đá không phải bây giờ mới có và cũng không chỉ riêng ở Việt Nam.

Kinh nghiệm từ Myanmar

Ở Myanmar, chiếc ghế chủ tịch LĐBĐ đang thuộc về Zaw Zaw,  một trong những doanh nhân nổi đình đám nhất ở Myanmar hiện nay. Zaw Zaw hiện là chủ tịch của Max Myanmar Group of Companies, một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Myanmar.

Với tiềm lực kinh tế của mình, sau khi trở thành một doanh nhân thành đạt, Zaw Zaw đã bỏ tiền túi của mình ra để lao vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là bóng đá, và đã  nhận chiếc ghế chủ tịch LĐBĐ Myanmar chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Zaw Zaw năm nay 46 tuổi, theo nhận xét của Wall Street Journal là một doanh nhân được liệt vào hàng rất chịu chơi và dám chơi hiện nay của Myanmar. Mới đây ông này phát biểu: “Xã hội, môi trường kinh doanh cũng như trong bóng đá đều mong muốn và đòi hỏi có một sân chơi bình đẳng và luật chơi bình đẳng. Bất cứ lãnh đạo nào, dù trong lĩnh vực chính trị hay kinh doanh đều phải lắng nghe mọi người và cùng chia sẻ ý tưởng”.

Kể từ khi trở thành chủ tịch LĐBĐ Myanmar, Zaw Zaw đã có những tác động đáng kể để làm thay đổi diện mạo của bóng đá Myanmar theo hướng tích cực, đặc biệt là tìm mọi cách để đưa các sự kiện bóng đá lớn của khu vực và châu lục về cho Myanmar đăng cai tổ chức mà tiêu biểu là vòng chung kết giải U19 châu Á vào tháng 10 năm nay và AFF Suzuki Cup 2016, giải đấu mà Myanmar và Philippines là các quốc gia đồng chủ nhà.

Chia sẻ với báo chí về việc đăng cai các sự kiện này Zaw Zaw cho biết: "Đây là niềm tự hào cho Myanmar. Với hệ thống cơ sở vật chất mới được xây dựng, chúng tôi tự tin rằng Myanmar có thể tổ chức thành công các giải đấu và bóng đá Myanmar nhờ đó sẽ có những bước phát triển nhảy vọt trong một tương lai không xa."

Nhìn từ các liên đoàn thể thao khác

Không chỉ có bóng đá mà ở một số môn thể thao khác, vị trí chủ tịch liên đoàn hiện tại cũng được giao phó cho các doanh nhân.

Cuối năm 2008, tại Đại hội LĐBCVN nhiệm kỳ V diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Minh Hồng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được bầu vào vị trí Chủ tịch LĐBCVN.Dấu ấn lớn nhất của ông Lê Minh Hồng trong nhiệm kỳ lãnh đạo VFV của mình là ra quyết định không cho phép sử dụng ngoại binh ở các giải VĐQG kể từ mùa giải 2013 để khuyến khích các CLB tập trung đào tạo trẻ, tạo cơ hội thi đấu đỉnh cao cho các cầu thủ trẻ.

Sau một nhiệm kỳ hoạt động, ông Lê Minh Hồng đã bày tỏ không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ thêm nhiệm kỳ kế tiếp do bận quá nhiều công việc của ngành dầu khí. Tại Đại hội nhiệm kỳ VFV khóa VI 2014-2019 tổ chức ngày 15/4 tới, nhiều khả năng một Phó Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng tại Việt Nam sẽ tiếp quản chiếc ghế mà ông Lê Minh Hồng để lại.

Không chỉ có bóng chuyền mà đua thuyền hiện cũng đang được lãnh đạo bởi một doanh nhân thành đạt. Đó là ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sau khi được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn đua thuyền Việt Nam (gồm các môn canoeing, rowing, sailing và thuyền truyền thống) khóa I nhiệm kỳ 2011-2016.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình ông Phạm Ngọc Minh cũng chưa giúp đua thuyền Việt Nam tiến bộ hơn mà ngược lại thành tích của các môn này tại SEA Games 2013 vừa qua lại sa sút so với SEA Games 2011 (rowing giảm từ 3 HCV xuống còn 1 HCV, canoeing giảm từ 2 HCV xuống còn 0 HCV).

Thành Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm