Các nước “ứng xử” với cầu thủ ngoại: Bài học cấm mà không cần phải cấm

17/11/2009 12:40 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Indonesia từng có một giải VĐQG mở cửa hết cỡ với cầu thủ ngoại. Mỗi CLB từng được đưa ra sân 5 cầu thủ ngoại đồng thời. Và họ mới đây tìm cách cũng siết chặt. Nhưng cái cách mà người Indonesia lựa chọn lại khá khôn khéo. Cũng đáng để tham khảo!

Ở Liga Indonesia, các CLB vẫn được phép thuê và đưa ra sân 5 cầu thủ ngoại, nhưng chỉ có tối đa 3 cầu thủ là những người đến từ các châu lục khác ngoài châu Á, 2 cầu thủ còn lại bắt buộc phải là người châu Á. Chưa có một thống kê chính thức, nhưng như cò cầu thủ người Indonesia, bà Tika (người là đại diện của tiền đạo Belibi mùa 2009 khoác áo HPHN) cho biết, thì có khá nhiều CLB đã không sử dụng tối đa sự cho phép từ phía Liên đoàn và BTC giải.

Quyết định nói trên có thể được hiểu theo nhiều cách. Một là nhằm thúc đẩy nền bóng đá châu lục phát triển, khuyến khích các cầu thủ ở các quốc gia thuộc châu Á tới Indonesia. Đã có vài cầu thủ Singapore tới Indonesia thi đấu, trong đó có tuyển thủ Noh Alam Sah. Hai là quyết định này có thể mở ra những khả năng miễn “thị thực bóng đá” ngược lại từ các nền bóng đá khác cho các cầu thủ Indonesia ra nước ngoài chơi bóng. Nhưng trên hết, từ việc các CLB không sử dụng hết quyền 5 cầu thủ, có thể hiểu, để đưa các ngôi sao người Nhật Bản, Hàn Quốc… tới chơi bóng là gần như không thể, thì cơ hội chơi bóng cuối cùng lại thuộc về các cầu thủ bản địa.


 Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn đã giữ im lặng tuyệt đối về chuyện cầu thủ ngoại nhập tịch ở V-League

Không ai có thể kiện BTC Liga Indonesia cũng như Liên đoàn bóng đá nước này. Bởi nó là sự lựa chọn hợp pháp, trở thành một phương cách được ủng hộ để thực hiện một mục tiêu được số đông ở Indonesia đòi hỏi từ khá lâu. Đấy gọi là: Cấm mà không cần phải cấm!

Châu Âu, một số nền bóng đá cũng có những quyết định tương tự dành cho các cầu thủ đến từ các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu, thậm chí ở mức cao hơn, không coi các cầu thủ trong khối là cầu thủ ngoại.

Trong số các đề xuất và phương án thực hiện của VFF, ý tưởng các cầu thủ Việt kiều về Việt Nam chơi bóng đương nhiên được coi như cầu thủ nội được dư luận đồng tình. Nó cho thấy tính nhân văn, tinh thần dân tộc và không đi ngược lại với chính sách thu hút kiều bào về nước. Nhìn ở góc độ Luật Quốc tịch 2008, đề xuất của VFF cũng sẽ đơn giản hóa thủ tục cho các CLB và các cầu thủ như Đặng Văn Robert hay Lee Nguyễn, bởi từ tháng 7-2009, người Việt ở nước ngoài sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần phải từ bỏ quốc tịch ở nơi xa xứ (trước kia thì phải bỏ). Đấy gọi là: Mở mà không cần phải cởi!

Nhưng một số đề xuất về cách làm còn lại của VFF đã không nhận được sự đồng thuận và ủng hộ. Nó cũng gây nên sự e ngại bởi theo cách phân biệt, xếp loại cầu thủ ngoại nhập tịch không tương đương với các cầu thủ nội. Nó là một việc nhạy cảm.

Nhìn ở phương diện này, cũng khá thất vọng, nhưng có thể hiểu được tại sao, trước và sau Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp tổ chức mới đây, VFF, cụ thể là Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn lại chọn cách im lặng trước mong muốn của báo chí, cần được biết chính kiến của ông, một người từ nay phải chịu trách nhiệm về chiến lược, hoạch định cho con đường chuyên nghiệp của các CLB.

Cũng may là những gì đưa ra ở Hội thảo đấy mới chỉ là để xuất và dự kiến. Nếu đã giấy trắng mực đen rồi thì khó sửa.

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm