29/01/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Triển lãm điêu khắc - hội họa của Lê Công Thành và Mai San đang diễn tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển làm bày 15 tranh của nữ họa sĩ Mai Sơn và 37 tác phẩm điêu khắc, hội họa của nhà điêu khắc Lê Công Thành (1932 - 2019).
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Đỗ Đức về thế giới hội họa của Lê Công Thành, một mảng mà lâu nay chưa có nhiều bài viết riêng. Tít chính và các tít phụ do chúng tôi đặt.
Lê Công Thành quá nổi về điêu khắc, nhưng không ngờ hội họa của ông cũng lại tuyệt chiêu đến thế. Sinh thời, người ta chỉ biết đến điêu khắc, và tôi cũng chỉ biết điêu khắc của ông, mà không hề biết đến phần hội họa. Cũng bởi một phần là không thấy ông không giới thiệu về mảng này.
Hội họa Lê Công Thành âm thầm như thứ trầm tích. Mãi khi ông mất, bà Kim Thái, vợ ông, mới đem ra giới thiệu.
Vẫn là tình yêu đàn bà
Đối tượng hội họa của ông chủ yếu vẫn là đàn bà. Vẫn là tình yêu đàn bà đến cháy bỏng trong những tranh ông vẽ. Tất cả là thế: Đây những đôi tình nhân quấn quýt, những tiếp xúc, ăn nằm đầy nhục cảm. Những nhân vật nữ ông vẽ phốp pháp, đầy đặn và giàu có khí lực đến thừa sung mãn. Sự tràn trề ấy trên những mảng màu ngọt như kem, phì nhiêu đến hết tầm, khiến người xem mê đi trong không gian phiêu bồng, ngọt thơm vô biên đó.
Hội họa của ông khiến người ta muốn đắm chìm, muốn được nhận chìm trong đó với "cái chết tự nguyện". Cũng như điêu khắc, hội họa của ông vẫn chỉ đàn bà, đàn bà với muôn mặt, đàn bà yêu, đàn bà sinh nở, đàn bà người mẫu... Xem tranh, tôi thấy chính ông cũng phát điên trong thế giới ông tạo ra. Ông say đắm, mê cuồng và ông hòa lẫn với không gian ấy như có lần ông đã nói với tôi điều đó.
Thời ông sống là thời chiến tranh. Có 3 tượng tròn Anh Trỗi, Thánh Gióng, Vân dại, ông làm sau những 1960 - 1970, hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Anh Trỗi là đương đại, Thánh Gióng là tâm linh - tinh thần dân tộc, Vân dại là trong dòng chảy văn hóa.
Những tác phẩm đó khái quát những giá trị xã hội giàu tính triết học. Nhưng ngoài ba tác phẩm đó, tôi không thấy ông có thêm sáng tác gì nữa về chiến tranh. Sau đó, ông đi con đường của ông, suy tư của ông, ông về với tình yêu, với những gì mê mẩn trong ông để sáng tác. Ông mải miết với những giá trị chỉ mình ông thấy và ghì giữ bằng được.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Lò Ngân Sủn. Giống hệt Lê Công Thành, Lò Ngân Sủn cũng mê mệt với lều nương, với người đẹp và khai thác vẻ đẹp từ đấy. Thơ Lò Ngân Sủn không tiếng súng ùng oàng, không máu chảy đầu rơi, không minh họa cuộc sống. Lò Ngân Sủn và Lê Công Thành không quen nhau. Hai người, hai con đương nghệ thuật, nhưng giống nhau đến kỳ lạ về cảm nhận cuộc sống. Hai tài năng song hành và đều cập bến với tình yêu đàn bà đến mê đắm.
Sau tình yêu đàn bà, Lò Ngân Sủn chỉ có "Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như tiếng chim hót gọi/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta". Vẫn là tình yêu ngằn ngặt màu xanh lá. Còn Lê Công thành thì đắm chìm với hình tượng phụ nữ, với giấc mơ hoa kéo ta từ tranh này đến tranh khác, đầy ứ nhục cảm, mà vẫn thanh khiết, khiến người ta phải dừng, phải xem đi xem lại, phải ngẫm nghĩ và lại xem, xem nữa...
Cuốn hút của hội họa Lê Công Thành là thế. Nó như lá bùa dẫn người ta vào chốn đào nguyên, nơi chỉ có hương của hoa, mùi thơm tỏa ra từ da thịt người đẹp, vừa trần tục, vừa thanh cao và rốt cuộc là người xem cũng hòa lẫn cùng ông trong cảm thức từng tác phẩm. Nó khiến ta như tỉnh thức như mơ. Phải tự hỏi đời là đây hoặc đời là bức tranh kia? Nó là gì? Cuối cùng nó là hơi thở cuộc sống phồn thực, hừng hực, khiến người ta yêu cuộc sống, quý cuộc sống, thương yêu cuộc sống. Yêu quý cuộc sống vì hương sắc hoặc dục tính, hay là gì? Khó nhận ra lắm... Tất cả hòa vào nhau mà người ta không thể cắt nghĩa bằng ngôn ngữ, chỉ hiểu bằng cảm thức!
Câu chuyện trên là bề nổi của cảm xúc trên tranh ông truyền thấm vào người xem. Nhưng cái bí mật nào dẫn người ta vào mê lộ ấy, chắc ít người nghĩ tới.
Cũng như điêu khắc, hội họa của Lê Công Thành vẫn chỉ đàn bà, đàn bà với muôn mặt, đàn bà yêu, đàn bà sinh nở, đàn bà người mẫu...
Những tranh đang hiện hữu
Tính đồ họa trong tranh hội họa của Lê Công Thành rất siêu việt. Nó đi suốt từ tranh này sang tranh khác, thành một vệt dài, trong đó hội họa chỉ là chỗ dựa cho bút pháp đồ họa tung tẩy.
Nếu là đồ họa, chỉ đơn tuyến bình đồ thôi, thì tranh sẽ dễ đi vào nhàm chán, làm nản lòng người xem. Nên bên cạnh những mảng miếng và những đường cong ngọt ngào, có chỗ ông vờn một chút ven xám nhẹ, gợi một chút bằng những nét xước, hoặc có những mảng màu xốp như những nhát bút đói màu, thế là không gian lung linh hổn hển hơi thở... Nhưng rồi những mảng đồ họa khoáng đạt bất ngờ dựng thành, bề thế và khẳng định, làm cho bến bờ thành lũy trở nên đầy đặn và bộc lộ được hết vẻ đẹp ông cần diễn tả. Đó là thứ cảm nhận trời cho ông, mà con người muốn luyện cũng khó thành.
Trong những tranh ông vẽ, ông rất chú ý đến đường chạy của những mảng màu. Đó là phần chủ đạo, là gân cốt của bức tranh. Nó tạo nên nhịp như khúc thức của âm nhạc, chỗ tưng bừng gợi sóng, những nốt lặng bất ngờ, sóng nhạc trong tranh ông uyển chuyển, tao nhã và huyền diệu, lôi người ta lao theo sông mê của những màu bổ túc, tạo nên âm sắc ngọt ngào. Điều này khiến tranh ông vững như tượng đồng.
Tất cả tranh của ông là giao thoa giữa điêu khắc - đồ họa và hội họa một cách kì tài. Cả ba thứ đó kết cấu chặt chẽ đến mức không thể có cái nào thiếu thừa mà tranh đứng được. Thế chân kiềng trong cảm thức của ba ngôn ngữ chồng khít càng bộc lộ tài năng siêu việt thể hiện trong tranh ông.
Các bạn hãy dừng lại trên từng bức tranh, những vệt màu vu vơ, những chấm màu tưởng như vô tình, những mảng màu tưởng như chệch khỏi đồ hình, tất cả là những vô lý trong cái hợp lý hòa lẫn, tạo nên sự dẫn dắt vô hình cho người xem phải sửng sốt với nó. Vì đấy mà thành duyên. Bạn thấy không, trên gương mặt một người con gái, đâu đó có nốt ruồi nhỏ, một vết sẹo mờ, một lúm đồng tiền, nó đã làm duyên cho bao vẻ đẹp. Nếu vắng nó thì gương mặt kia sẽ trở nên nhạt nhòa.
Người ta nói ngọc quý còn có vết. Đâu phải đó là khuyết tật, mà nó thành điểm nhấn, là sự khác biệt tạo nên giá trị hấp dẫn. Đó là triết học, là tiếng nói của con tạo mà không phải mấy người dễ nhận ra. Thực tế có nhiều vẻ đẹp hình thành từ những vết đó. Mất nó thì khuyết đi một cái duyên tình cờ. Tranh của Lê Công Thành vẻ đẹp đầy lên ở những nhát bút khẳng định, những gạt màu tưởng như vu vơ, chỗ tưởng như đang đói màu hoặc tác giả bỏ lửng, tưởng là vết... Nhưng, không phải! Tất cả những cái đó kết hợp tạo nên duyên. Tất cả là sự thống nhất giữa hai mặt đối lập, được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, kì tài mới cho được kết quả ấy.
Ngoài những tranh vẽ đàn bà ra, ông còn một số tranh sinh hoạt, tranh nhân vật. Nhưng hầu như những tranh đó với ông để tìm bố cục là chính. Bố cục hình-màu-nét và khối. Những mảng màu vô lý, những nhát bút cực đoan, những vệt màu ngu ngơ, những chấm rớt như ngẫu nhiên kéo lại sự cân đối, chia lại sự kết nối... Tất cả như ngu ngơ, nhưng người ta thấy rõ là ông đang tìm gì đấy. Ông đang đãi cát tìm vàng. Ông tìm nhịp điệu, ông tạo giai điệu, ông đang muốn lục lọi cho chỉnh thể những tranh, những tượng tương lai.
Tôi viết bài này để gửi hương linh ông ở thế giới bên kia. Xin ông nhận từ tôi một lời thán phục. Nhắn ông có người tri kỷ vẫn mãi nhớ, dù ông đã đi xa về cõi khác.
Nhiều tranh chuyển sang tượng
Tôi ngờ rằng nhiều bức vẽ đàn bà của ông đã được chuyển sang tượng với sự cắt gọt tỉa vừa đủ để hợp với thể loại. Ở tượng, với không gian 3 chiều, thì sự mở không gian ấy khiến tính khái quát càng cao thì mới tìm được khối diện mạch lạc. Sự liên kết ba chuyên ngành để rồi lọc ra hướng phù hợp với từng chuyên ngành thì chỉ những bàn tay và những cái đầu trác tuyệt, cảm nhận tinh tế, mới có thể làm được. Lê Công Thành là như vậy.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất