"Hội chứng Michael Jackson"

23/11/2008 14:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Không phải định luật, nhưng quả thật có những lúc mà con bệnh, thay vì ra bác sĩ, nên tìm đến một chuyên gia tâm lý trị liệu. Đó là khi mỗi lần nhìn vào gương là một lần đau khổ: mũi quá tẹt, mắt quá híp, ngực quá lép - những khiếm khuyết mà chỉ “nạn nhân” chứ người ngoài không hề nhận thấy, và dao kéo chỉ là một giải pháp tạm thời.

Nghề “bán” sắc đẹp
 
 Melanie Griffith
Sắc đẹp, như một triết gia nhận xét khôi hài nhưng không vô lý, là thứ tài sản được chia chác bất công nhất - không ai thấy mình có đủ. Định lý đảo sẽ là: Công nghệ “bán” (hay kiến tạo) sắc đẹp là một nghề sống đời đời. Theo thông tin của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Đức, mỗi năm có vài chục vạn người tình nguyện leo lên bàn mổ để hy vọng nhận được thêm những thứ làm họ hạnh phúc hơn mỗi khi nhìn vào gương. Hiếm có bộ phận nào trên cơ thể lại không được các phẫu thuật viên khuyên nên chỉnh lại: mi mắt, ngực, mũi, tai, rốn... Trong năm 2006 có chừng 400.000 ca mổ thẩm mỹ, đó là chưa kể những vụ “lặt vặt” như tẩy nốt ruồi, mài sẹo hay hút mỡ.
 
Thôi thì cơ thể là của riêng của chủ nhân, ai dám can ngăn những biện pháp tự nguyện và tự bỏ tiền túi ra trang trải. Vả lại, sắc đẹp là một khái niệm tương đối, không thể đem thị hiếu của số đông ra áp đặt được.
 
Bà già Cher là "tín đồ" của phẫu thuật thẩm mĩ

Vấn đề nằm ở chỗ khác: Đến khi tháo băng, đối với một số “con bệnh”, kết quả hoàn hảo nhất cũng khiến họ kém hài lòng. Thậm chí 80% trong số này còn thấy “ốm” nặng hơn trước khi phơi mình dưới dao kéo. Đó là chứng bệnh tâm lý với cái tên khoa học ngang tai Dysmorphophobia: nhìn gì trên thân mình cũng thấy xấu xí.

Bi kịch nhiều hồi, lắm cảnh

Michael Jackson
Bệnh này có lẽ nên kiếm một cái tên bình dân hơn, ví dụ như “hội chứng Michael Jackson” chẳng hạn! Vua nhạc pop dường như không thỏa mãn với những gì trời cho, mà liên tục đi tìm sự cứu rỗi ở khoa phẫu thuật thẩm mỹ, cho đến lúc... vẹo mũi, sụp mi, thân tàn ma dại, và nếu không mang một cái tên sáng chói là Michael Jackson thì chắc không bao giờ anh được cảnh sát biên phòng cho nhập cảnh khi nhìn vào ảnh hộ chiếu.
 
Tại sao các bệnh nhân Dysmorphophobia sau mỗi lần tỉnh thuốc mê là có kế hoạch ngay cho cuộc giải phẫu thẩm mỹ tiếp theo? Các chuyên gia tâm lý nhận định như sau: Khi nhìn vào gương, ta sẽ không thấy hình ảnh mắt mình cảm nhận được, mà tấm gương chỉ phản chiếu cái gì ta muốn thấy. Trong một loạt thí nghiệm ở đại học Liverpool, người ta cho các cá nhân vào một phòng lớn gắn đầy gương và săm soi cách hành xử của họ. Kết quả thật đáng suy nghĩ: Khi liên tục phải đối mặt với hình ảnh của mình trong gương, người ta chợt chăm chỉ, thân thiện hơn với xung quanh, nói dối ít hơn - so với nhóm người thí nghiệm song song nhưng ở môi trường không gương. Thì ra, một cách vô thức, con người tìm trong gương một cái tôi như họ vẫn mong muốn.

Nhà tâm lý Ulrike Buhlmann ở Đại học tổng hợp Humboldt cho biết, bệnh nhân Dysmorphophobia hầu như luôn bận bịu với một chi tiết “kém hoàn hảo” nào đó trên cơ thể mình. Tâm trạng này khiến cuộc đời họ luôn ở thế mất cân bằng, một số ít đã ra tay tàn phá cơ thể mình, thậm chí tự sát. Một bệnh nhân của bà Buhlmann thấy da cổ của mình không đẹp, liên tục cấu và gãi cho đến khi vỡ động mạch cổ.

Bệnh thật…
 
 Meg Ryan
Ai mắc phải chứng bệnh tâm lý này thường mất hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để ngẫm nghĩ về bộ dạng của mình, băn khoăn xem người đời nhận xét vẻ bên ngoài của họ ra sao. Họ thầm so sánh với người khác, cố sức “cải tạo” các khiếm khuyết chỉ mình họ thấy, ví dụ như luôn quàng khăn, đội mũ để che tóc thưa. Hễ có dịp là họ “thẩm tra” ngay diện mạo của mình trong gương hay trên bất kỳ mặt phản chiếu nào. Cũng may là số đó không nhiều, nhưng theo phỏng đoán, khoảng 7-15% những khách hàng đến bác sĩ thẩm mỹ có liên quan đến chứng Dysmorphophobia. Họ đã đến sai địa chỉ. Dao kéo sẽ vô tác dụng trong những ca này.

Bác sĩ Gubisch, Giám đốc bệnh viện thẩm mỹ Stuttgart, thuật lại trường hợp một bệnh nhân sau tai nạn bị lệch sống mũi. Người ta đã chỉnh lại rất đẹp nhưng cô ta không hài lòng. Một năm ròng, hầu như ngày làm việc nào vị bác sĩ cũng phải trốn mỗi khi cô ta cùng bạn trai ghé qua để giải thích cho ông biết lý do khiến mình đau khổ với cái mũi vẫn... vẹo. Một bệnh nhân khác của ông Gubisch thấy bản thân xấu xí đến mức xin nghỉ ốm một năm liền, thậm chí không ló mặt ra đường để đưa đám mẹ mình.

Bi kịch ở cả hai phía chứ không riêng với người bệnh: Giới chuyên môn trong lĩnh vực còn quá non trẻ này chưa thu thập được nhiều kinh nghiệm, còn các “bác sĩ dao kéo” thường không (muốn) nhận ra những triệu chứng của Dysmorphophobia để khuyên khách hàng đi điều trị tâm lý. Trang mạng hiếm hoi do bà Buhlmann lập ra cho đến nay mới có khoảng 150 người truy cập. Tiền sử của chứng này bắt đầu trước hoặc trong kỳ dậy thì. Bệnh nhân bị các bạn đồng niên chọc ghẹo, dần dần chú trọng bề ngoài của mình hơn bất kỳ các khía cạnh nào khác trong cuộc sống. Một số người bị bố mẹ ép vào một khuôn cứng nhắc đến vô lý, có những đứa bé 5 tuổi đã bị rầy la vì rẽ ngôi không thẳng.

… và bệnh tưởng

Không có lý do gì để phản đối phẫu thuật thẩm mỹ, vì như đã nói, đây là quyết định hoàn toàn riêng tư của mỗi người. Lại càng không nên khuyến khích thói cẩu thả với bề ngoài của một số người. Nhưng đối với bệnh nhân Dysmorphophobia thì sắc đẹp không đến với dao kéo, mà chết cùng dao kéo.
 
 Tony Curtis
Khổ một nỗi là ở đây bệnh thật và bệnh tưởng là một. Nhìn những ảnh ngày xưa, các siêu sao Hollywood như Melanie Griffith chắc không thể nhận ra mình! Trong thế giới lấp lánh hào quang, việc họ muốn níu kéo bánh xe thời gian âu cũng là một ước nguyện dễ hiểu. Không ai xem ca sĩ Cher trên sân khấu mà nhận ra bà đã ngoại lục tuần - kết quả của không dưới 25 lần can thiệp vào bàn tay của Chúa.

Chứng bệnh này dường như đã thành một “nét văn hóa”. Ở Mỹ có bày bán một quyển sách nhan đề My Beautiful Mommy (Mẹ xinh đẹp của con), hướng dẫn người lớn cách giải thích cho con cái trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, đề phòng lúc quay về, bọn trẻ không nhận ra họ. “Mẹ ơi”, một đứa bé hỏi, “Tại sao mẹ muốn trông khác đi?”. Và mẹ mỉm cười đáp: “Không chỉ khác đi, con gái yêu ạ, mà còn xinh hơn”. Chả trách người Nhật và người Hàn, vốn được tạo hóa ban cho cặp mắt xếch và hẹp, khi sáng tác truyện tranh đều vẽ các cô gái có đôi mắt to như cái đĩa đựng nước mắm.

Tác giả quyển My Beautiful Mommy là Michael Salzhauer ở Florida. Ai ngờ ngợ điều gì, xin được tiết lộ ngay: Salzhauer là bác sĩ thẩm mỹ. Ở đất nước của những khả năng vô hạn, chuyện tu sửa hình thể cũng không có biên giới. Trẻ con nứt mắt ra đã bàn chuyện nâng ngực, sửa mũi cùng lúc với việc hẹn nhau đi ăn kem hoặc xem phim. Siêu mẫu Nadja Auermann một lần vào phòng vệ sinh ở New York được bà đứng cạnh hỏi là cô có cái mũi tuyệt vời ở đâu ra. Khi người đẹp thành thực trả lời: “Từ bố mẹ tôi” thì bị lườm cháy mặt, bởi bà kia cho rằng cô giấu địa chỉ bác sĩ thẩm mỹ của mình vì sợ bị cạnh tranh “đụng hàng”!
 
Lê Quang
(theo các báo nước ngoài)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm