Góc nhìn: 'Thầy' Mourinho gặp lại 'học trò' Clarke

09/11/2013 12:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trận đấu giữa Chelsea và Newcastle sẽ là lần đầu tiên trợ lý cũ của Jose Mourinho, ông Steve Clarke, gặp lại đồng sự người Bồ Đào Nha, một người có ảnh hưởng rất lớn đối với ông.

1. Clarke, cánh tay phải của Mourinho trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Chelsea, đã dẫn dắt West Brom chơi khá thành công hai mùa vừa qua dựa trên các nguyên tắc chiến thuật của Chelsea trong giai đoạn 2004-2006: Hệ thống 4-3-3, chơi với nhịp độ cao, dựa trên tính tổ chức và phản công một cách thông minh. Đôi khi, Clarke vẫn cho West Brom đá 4-2-3-1, nhưng các nguyên tắc cơ bản không thay đổi.

“Mourinho là một trong những người gây ảnh hưởng đến tôi” – Clarke thừa nhận. “Đó là điều tốt cho sự nghiệp của tôi. Ông ấy cung cấp cho tôi ý tưởng tốt, cho tôi thấy rằng phải làm việc như thế nào để tạo sự khác biệt.”

Tạo sự khác biệt là như thế nào? “Bạn phải bao quát hơn” – Clarke giải thích: “Bạn có thể làm mọi thứ trên sân tập: Chiến thuật, kỹ thuật, thể chất và tâm lý. Kết nối nhiều hơn, kiểm soát tốt hơn, thêm nhiều bài tập kỹ thuật với bóng hơn. Ít chạy cắm đầu cắm cổ hơn, và di chuyển theo chiến thuật tốt hơn.”  


2. Có một đặc điểm nổi bật khác của Mourinho mà tất cả những đồng sự cũ của ông, bao gồm Clarke, đều phải thừa nhận: “Sự chuẩn bị của ông ấy trước những buổi tập và các trận đấu là ở một đẳng cấp tôi chưa từng thấy. Sự chăm chú đến những chi tiết của ông ấy là thật sự phi thường.”

Clarke cũng là một người nổi tiếng là kỹ tính, và để tránh những sai sót về mặt chi tiết, ông thường xuyên hạn chế khoảng trống: “Các chi tiết phát sinh từ không gian trận đấu, và chúng tôi kiểm soát chi tiết bằng cách giữ chặt không gian của mình.” West Brom thường chơi với một đội hình chặt chẽ từ vòng cấm địa của họ cho đến vòng tròn giữa sân, bốn hậu vệ chơi rất gần nhau, các hậu vệ cánh không thường xuyên vượt qua vạch giữa sân, còn các tiền vệ cánh thì tích cực lùi về hỗ trợ phòng ngự.

West Brom luôn giữ sự cân bằng, với những tiền vệ tổ chức (James Morrison và Amalfitano) hiếm khi di chuyển vào vị trí để lộ sơ hở và gây nguy hiểm cho đội bóng. Clarke thường để lại phần sân nhà ít nhất 6 cầu thủ trong bất kỳ tình huống nào, một đặc điểm rất “Mourinho”: Trong nhiệm kỳ đầu ở Chelsea, ông thường chỉ cho Chelsea tấn công với 4 cầu thủ ở 30 mét cuối cùng, là Frank Lampard, hai tiền đạo cánh và trung phong Didier Drogba, để 6 người lại phía sau.

Cách chuyền bóng của West Brom cũng có dấu ấn của triết lý Mourinho: Phương thức vận hành chiến thuật luôn phải liên kết với “an ninh” trong phòng ngự của họ. Các pha phối hợp được thực hiện nhanh, gọn gàng, với nhịp độ cao, nhưng luôn được thực hiện một cách an toàn.

3. Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất của triết lý Mourinho với Clarke là quá trình chuyển đổi từ phòng ngự sang phản công, điều luôn ám ảnh HLV người Bồ và được ông xem là yếu tố quyết định kẻ thắng người thua. Zlatan Ibrahimovic đã viết về điều này trong cuốn tự truyện của anh: “Đó là những giây phút rất quan trọng. Trong một số tình huống, một vài khoảnh khắc sai lầm chiến thuật có thể định đoạt trận đấu. Mourinho nghiên cứu điều này kỹ lưỡng hơn ai hết. Ông bắt các cầu thủ phải nghĩ và phân tích thật nhanh.”

Clarke rõ ràng đã thấm nhuần điều này: West Brom của ông chơi phản công rất thông minh. Họ cướp bóng ở vị trí khá sâu, nhưng thay vì phất bóng dài, thường sử dụng những đường chuyền ngắn để thoát khỏi sức ép của đối phương, trước khi phất bóng đúng vào sơ hở bên phần sân kia.

Nhưng cách phân tích để tìm ra sơ hở thật nhanh trong những tình huống như thế thì Mourinho vẫn là bậc thầy, và nếu Clarke không thể vượt qua được “người thầy” của ông, khả năng West Brom sẽ không tạo ra chút bất ngờ nào cho Chelsea là rất cao.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm