24/09/2012 15:01 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, việc học toán siêu tốc là không cần thiết. TT&VH xin giới thiệu những phân tích của ông về vấn đề này.
TS. Nguyễn Tùng Lâm
1. Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi phát triển rất khác nhau, có cháu thì rất lâu mớibiết nói, có cháu thì không cần dạy mà tự biết đọc. Về mặt tâm lí học, khi tác động đến các cháu, người lớn không được ép buộc. Người lớn cứ nghĩ trẻ thông minh, nên chất tải lên cho các cháu, thấy có cháu làm toán được hai con số, thì lại ra tiếp những bài tập khó, đó là sai lầm.
Tất cả những biểu hiện năng khiếu của các cháu mới là mầm mống, chứ không phải thiên tài. Trẻ em còn nhỏ tuổi làm được rất nhiều việc, đứa chín muộn, đứa chín sớm, hoàn toàn khác nhau, đến lúc lên cấp 2 các cháu trở lại năng lực như bình thường là điều phổ biến. Nhưng hiện nay chúng ta đang bị ngộ nhận nghĩ rằng con mình thiên tài.
2. Nghe về làm toán siêu tốc, tôi thấy cảnh giác. Cần phải làm rõ, cơ quan nào thẩm định,đánh giá và cấp phép. Hiện nay trên thế giới đang có nhiều chương trình test tâm lý và trí tuệ để đánh giá về con người, để tính ra năng lực, sở trường. Nhưng tất cả những cái đó đều là thử nghiệm, chưa ai chứng minh được.
Khoa học thế giới đang đi tìm các cách khác nhau để tác động lên trẻ để phát huy được những tiềm năng mà nó đang ẩn chứa. Nhưng tất cả những xu hướng đó con người đều đang mày mò, chưa ai có thể tuyên bố thành công để áp dụng cho tất cả các trẻ em được.
Tôi xin hỏi, cho cháu học làm toán trước để làm gì? Dạy nó tính nhẩm nhanh hơn để làm gì? Người lớn chưa cần các cháu tính nhẩm, tìm kết quả, mà điều các cháu cần là cách tư duy. Đó mới là quan trọng.
Tôi cũng hiểu tâm lý các bậc phụ huynh. Thấy các cháu khác vào lớp 1 đã tính toán tốt, trong khi con mình chưa biết. Cũng có bậc phụ huynh muốn con mình hơn con người khác? Nhưng cần lưu ý việc biết trước có thể phản tác dụng. Có trường hợp, giáo viên ra một bài kiểm tra, hôm sau đoàn kiểm tra của phòng Giáo dục về lại lấy bài đó ra kiểm tra, các em không làm vì hôm qua nó làm rồi.
3. Vì vậy, tôi xin lưu ý các bậc phụ huynh, đối với trẻ em, quá trình tác động của người lớn là làm cho trẻ có điều kiện, có khả năng phát triển năng lực của mình, chứ không được đưa ra việc các em làm được cái này, cái kia để chứng tỏ là các em giỏi, hay là thiên tài. Trong toán học người ta cần tư duy, nhưng mục đích của phương pháp này lại không rèn tư duy mà biến các em thành thợ toán. Trong khi đó nhiều bài toán rèn tư duy lại không được đề cập đến.
Đối với cấp 1, không chỉ với một toán mà với các môn khác cũng không cần thiết học thêm, học trước. Phải từ lớp 3 trở lên tưởng tượng của trẻ mới hoàn chỉnh, tư duy mới bền vững, lúc ấy nếu các em thích mới khuyến khích cho học. Hiện nay nạn học thêm, dạy thêm từ cấp 1 là rất nguy hiểm, Bộ GD&ĐT đã cấm, nhưng không hiểu sao nhiều bậc phụ huynh và một số thầy cô giáo vẫn làm.
Về phương pháp học trước toán lớp 1, phải tiến hành hội thảo, tranh luận, rồi quyết định thử nghiệm ở mức độ nào đó, sau đó mới được áp dụng rộng rãi. Phải chứng minh được phương pháp thực sự khoa học và đem đến hạnh phúc cho đứa trẻ, thì mới đem ra áp dụng.
Thảo Vy (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất