27/07/2022 16:55 GMT+7 | Văn hoá
Vào ngày 22/7/2022, lò đào tạo diễn xuất Hoàng Thái Thanh tổ chức buổi diễn tốt nghiệp, kết thúc 6 tháng học của lứa học trò đầu tiên.
Điều đáng nói trong buổi diễn tốt nghiệp này mà ít thấy ở những nơi khác, kể cả trường công lập, là hành động “tôn sư trọng đạo” và xem trọng đạo đức trước khi luyện tài năng. Xét ra thì những điều trên luôn cần ghi nhớ và rèn giũa trong mọi thời đại, chứ không riêng gì bối cảnh xã hội hôm nay.
1. Những ai từng biết qua môn võ của dân tộc Việt Nam (Vovinam - Việt Võ Đạo), sẽ rất có thiện cảm với phong cách nghiêm lễ với một bàn tay để trên ngực, một cánh tay để thẳng và cúi đầu chào rất lễ độ. Trong điều tâm niệm thứ ba của Vovinam có ghi: Việt Võ đạo sinh đồng tâm nhất trí, tôn kính người trên, thương mến đồng đạo.
Lối chào để tay trên ngực là một thể hiện bằng hành động của điều tâm niệm ấy. Nó rất lễ độ với người lớn, thương yêu bạn bè và nhân loại, nhưng rất oai nghiêm trước đối thủ.
Trong buổi diễn tốt nghiệp hết khóa của các học viên lò đào tạo diễn xuất Hoàng Thái Thanh vừa qua, tất cả các học viên trước khi biểu diễn tiểu phẩm đều đứng nghiêm, một tay để trên ngực, một tay để thẳng và cúi gập người chào xuống hàng ghế khán giả. Giới thiệu tên tiểu phẩm, tên diễn viên xong, tất cả cúi chào một lần nữa.
Nghệ sĩ Ái Như, đồng sáng lập sân khấu Hoàng Thái Thanh và lò đào tạo diễn xuất Hoàng Thái Thanh cho biết: “Điều chúng tôi quan tâm trước tiên là dạy các em đạo làm người mà hành vi đầu tiên là sự lễ độ với người xung quanh. Các em cúi chào để tri ân tổ nghiệp, tri ân khán giả, nhắc nhớ sự đoàn kết và kỷ luật trong anh em. Thiết nghĩ điều đó cần thiết trong mọi khía cạnh cuộc sống. Nếu mai này, trong số các em, có kẻ rời bỏ nghệ thuật đi làm công việc gì khác, cái đạo làm người ấy nó cũng luôn cần thiết trong mọi quan hệ giữa người và người”.
2. Trong buổi diễn báo cáo ấy có sự xuất hiện của một nghệ sĩ tài năng, một người thầy của rất nhiều ngôi sao nghệ thuật phía Nam, nghệ sĩ nhà giáo Mai Thanh Dung. Nhiều năm qua, bà bị bệnh tim mạch và xương khớp rất nặng, đi đứng vô cùng khó khăn, nên đã ở ẩn. Vậy nhưng, NSƯT Thành Hội, đồng sáng lập sân khấu Hoàng Thái Thanh và lò đào tạo Hoàng Thái Thanh, đại diện sân khấu mời bà đến tham dự. Bà ngồi đó xem một cách chăm chú và yên lặng từ đầu đến cuối.
Thoạt đầu, mọi người không hiểu lý do vì sao bà có mặt. Khi buổi diễn kết thúc, NSƯT Thành Hội tiến về nơi nghệ sĩ Mai Thanh Dung ngồi, và anh đã nói: “Xin giới thiệu với các em đây là nghệ sĩ - nhà giáo Mai Thanh Dung. Ngày xưa, chính cô là người nhìn thấy năng khiếu của thầy, và động viên thầy theo nghề diễn viên. Nếu không có thể bây giờ thầy là một ông già đang làm một nghề gì khác, chứ không phải là một nghệ sĩ. Trong trái tim thầy, cô là người đã khai sáng con đường nghệ thuật thầy đã đi”.
Tất cả mọi người có mặt trong khán phòng lặng đi vì xúc động. NSƯT Hữu Châu là người phụ trách dạy môn tiếng nói sân khấu, tiếp lời: “Cô Mai Thanh Dung là người thầy dạy tiếng nói sân khấu trực tiếp cho tôi. Cô là thần tượng của tôi. Dẫu trên hành trình nghệ thuật tôi có đạt được vinh quang thế nào đi nữa, tôi vẫn mãi ghi nhớ công ơn dạy dỗ của cô”.
Hai người thầy ấy đang bày tỏ lòng tôn kính với người thầy của mình. Quả thật, đó là một bài học về đạo làm người, đạo làm nghệ sĩ quá ý nghĩa.
3. Điều đặc biệt, phần lớn trong tổng số các học viên tốt nghiệp, không có ai quá nổi trội về ngoại hình. Trong buổi diễn báo cáo ấy, các em hóa thân vào nhiều thân phận và tính cách khác nhau. Thật bất ngờ, chỉ 6 tháng mài giũa, các em đã diễn xuất rất tốt. Có vài tiểu phẩm khiến người xem rơi lệ.
Nghệ sĩ - nhà giáo Mai Thanh Dung nhận xét: “Khi tôi nghe Thành Hội - Ái Như mở lò đào tạo, tôi đã có niềm tin vào chất lượng, vì hai vị này rất khắt khe và nghiêm túc. Nhưng ngay lúc này, được chứng kiến các em biểu diễn, tôi bất ngờ vì nó tốt hơn tôi tưởng tượng. Chỉ vài em, tiếng nói sân khấu còn yếu, tất cả đều thực sự rất tốt. Các em diễn mộc mạc nhưng chạm vào cảm xúc người xem. Tuy nhiên, muốn thành nghệ sĩ thực thụ phải chịu khó rèn giũa và học hỏi. Chỉ có sự chịu khó mới thực sự giúp tạo nên một bản lĩnh nghệ sĩ thực sự. Bây giờ mới chỉ là bắt đầu”.
Trong lò đào tạo ấy, có sự góp sức của những người thầy thầm lặng như: NSND Việt Anh, NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Ái Như, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Tuyết Thu, Quốc Thịnh. Tổng số học viên ban đầu 25. Có 5 em vì lý do cá nhân tạm bảo lưu, 20 em học viên tốt nghiệp.
Nhìn vào tiềm năng của các học viên, nhiều người có niềm tin rằng sân khấu Hoàng Thái Thanh có nhân tố kế thừa đầy hứa hẹn cả hai yếu tố kỹ năng và đạo đức. Nhiều năm qua, sân khấu kịch gặp nhiều khó khăn. Nhiều sân khấu mở ra, và cũng nhiều sân khấu đóng cửa. Hoàng Thái Thanh đã thay đổi lịch diễn của mình bằng cách chỉ diễn theo mùa, và trong suốt mùa diễn ấy, không nghệ sĩ nào được rời khỏi ê-kíp diễn. Với lứa chim non này, sân khấu có thể chủ động được kế hoạch ấy.
Nguyễn Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất