Hoàng Nghiệp hát đến… ngất xỉu ở Sao Mai Điểm hẹn

01/08/2008 23:29 GMT+7 | Âm nhạc

Lần đầu tiên trong đời, Hoàng Nghiệp bị xỉu là tại cuộc thi Sao Mai điểm hẹn. Sự việc diễn ra vào tối tổng duyệt cho đêm Gala I.

Tự nhiên thấy người lả đi. Mồ hôi vã ra. Vẫn nhận biết được xung quanh nhưng không cựa quậy được. U Thanh (đạo diễn Huyền Thanh- PV) cho ngửi dầu liên tục, uống sữa vào, 5-10 phút xong mới tỉnh” - Nghiệp kể.

"Sao Mai" Hoàng Nghiệp 

Chả là Nghiệp không kịp ăn tối, mà bữa trưa có mỗi cái bánh mì, nên hạ đường huyết.

Khi mới bắt đầu cuộc thi, Nghiệp từng thuê nhà nghỉ để ở... cho mát. Được 20 ngày (150 nghìn/ngày) thì túi tiền hết chịu nổi. Lại vào KTX nằm, may nhằm dịp hè, các bạn về bớt nên cũng yên tĩnh.

Vào đúng năm Hoàng Nghiệp tốt nghiệp trung học, trường VHNT Cần Thơ tạm ngừng tuyển lớp Thanh nhạc, Nghiệp đành thi tạm vào khoa Sư phạm. Nhưng trừ thời gian thực tập, Nghiệp chưa bao giờ làm thầy mà toàn đi hát.

Sau một số giải thưởng ở tỉnh, Nghiệp lên TPHCM thi Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình 2006, được giải Tư. Nửa năm sau, Đài Truyền hình Cần Thơ cử Nghiệp đi thi Sao Mai. Sau giải Nhì nhạc nhẹ Sao Mai, Nghiệp được trường Nghệ thuật Quân đội đặc cách vào học Trung cấp Thanh nhạc.

Sau một năm lại được đặc cách tốt nghiệp. Nghiệp thông báo đã đậu Cao đẳng (hệ 2 năm) và được chọn vào lớp đào tạo tài năng đặc biệt.

Khi nghe công bố người được bình chọn đêm thứ tư là Duy Khoa, Nghiệp thở hắt: “Thôi xong, 4 tuần mình chả bao giờ được xướng tên...”. Nhưng rồi người dẫn nói, thí sinh thứ tư do khán giả bình chọn: Hoàng Nghiệp... Hai chân Nghiệp rời khỏi mặt đất, anh lơ lửng trong vòng tay bạn bè. “Tôi cứ nghĩ nếu mình được chọn vào thì chắc là do HĐNT” - Nghiệp nói.

Hoàng Nghiệp là điểm gặp gỡ hiếm hoi giữa khán giả và Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) của Sao Mai Điểm hẹn (SMĐH) 2008. Anh xếp thứ 3 trong bảng bình chọn của khán giả trong 4 tuần đầu, đồng thời đủ tiêu chuẩn vào giai đoạn II bằng vé của HĐNT.

Bố Nghiệp trước đây cũng hoạt động văn nghệ quần chúng, sau chuyển qua làm lái xe cho Trung tâm Văn hóa thành phố. Nhưng đôi khi vẫn viết kịch bản và làm diễn viên luôn.

Từ năm học cấp III, Nghiệp đã chịu khó đi hát với đội tuyên truyền của cơ quan bố, nhiều hôm xa đến cả trăm cây. Một chiếc xe chuyên dụng có thể bung ra thành sân khấu vừa chở ca sĩ vừa chở đồ. Để đến nơi biểu diễn, người thì đi bằng xe máy, đồ nghề chuyển xuống ghe. Hát xong lại khênh đồ xuống ghe trở ra. Về đến nhà 2-3giờ sáng.

Sáng hôm sau, Nghiệp tha hồ... ngủ gật trong lớp. Mỗi tháng đi 4-5 lần như thế, Nghiệp khoái vì có thu nhập. 20-30 nghìn một lần đi diễn (hát 2 bài), trong khi bố chỉ cho mỗi ngày 5.000 đồng tiêu vặt.

Nghiệp đóng góp cho sự nghiệp tuyên truyền như thế cũng được 3 năm.Vậy nên anh tâm sự: “Bước vào cuộc thi này, tôi cảm thấy quá hạnh phúc”.

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm