Quần vợt chuyên nghiệp: ‘Môn thể thao mạo hiểm’

30/07/2016 07:55 GMT+7 | Tennis Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Mạo hiểm” không phải đơn giản là chấp nhận đối diện với chấn thương thường gặp trong thể thao mà nó còn là “may ít rủi nhiều” ở khía cạnh đầu tư lớn, rủi ro cực cao.

So với những môn thể thao đối kháng, quần vợt không va chạm trực tiếp như bóng đá, bóng bầu dục… nhưng môn thể thao này thậm chí còn khốc liệt hơn. Nếu bóng đá còn có cơ hội sửa sai qua hình thức đấu bảng thì quần vợt, thử tưởng tượng một VĐV bỏ ra vài nghìn USD để tham dự một giải đấu nhưng loại ngay từ vòng loại chứ chưa được đến vòng chính thì khoản “lỗ” của anh ta sẽ ra sao.

May ít, rủi nhiều

HLV Trần Quốc Phong của đội trẻ quần vợt TP.HCM và Việt Nam cho biết: “Hiện nay, quần vợt Việt Nam có 2 hình thức đầu tư phổ biến. Đó là một tay vợt khi được phát hiện tài năng từ nhỏ thì được các đơn vị có tiềm lực kinh tế mang về đào tạo, nuôi dưỡng để họ phát triển bản thân. Như thế còn may mắn, điển hình là các tay vợt của B.Bình Dương như Lý Hoàng Nam, Vũ Aterm… Còn lại gia đình phải hỗ trợ phần nhiều, bên cạnh một phần Nhà nước lo như Hoàng Thiên, Đài Trang”. Cái khó của quần vợt như những người làm chuyên môn chia sẻ là không thể lường trước một tay vợt có thể phát triển khả năng đến mức nào và càng không thể ước lượng được khoản tiền đầu tư cho 1 VĐV bao nhiêu là đủ để hỗ trợ họ.

Trở lại với câu chuyện đầu tư mạo hiểm, có lý do để ngân sách không thể “bung” tiền tỷ cho VĐV quần vợt. Bởi lẽ người làm chuyên môn không dám khẳng định với lãnh đạo chủ quản rằng VĐV đó sẽ thu về thành tích hay đứng được trên đỉnh cao thế giới làm rạng danh Việt Nam mà những bài học nhãn tiền đã thấy trước mắt họ.


Hoàng Nam quá may mắn vì có nhà tài trợ, nhưng leo cao tới đâu còn là dấu hỏi 

HLV Quốc Phong không ít lần đưa các tay vợt trẻ Việt Nam sang nhiều nước trên thế giới dự các giải ITF cho biết, cách làm của quần vợt Việt Nam không khác mấy so với những quốc gia có nền quần vợt phát triển hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Cái khác biệt lớn nằm ở việc cho VĐV của họ ra nước ngoài cọ sát thường xuyên hơn và ngân sách dồi dào từ Liên đoàn với nhiều nhà tài trợ giúp họ thoải mái hơn trong việc “nuôi gà chọi”. Còn chuyện phát triển tài năng, bài học quần vợt Hàn Quốc là nhãn tiền cho nhiều quốc gia châu Á khác. Đội tuyển trẻ của Hàn Quốc có thể tham dự nhiều giải đấu ở châu Âu, nơi chi phí đắt đỏ và rất hiếm VĐV Việt Nam có cơ hội cọ sát những nơi như thế. Thành tựu mà quần vợt trẻ Hàn Quốc tạo ra rất đáng tự hào là đội U14 Hàn Quốc có thể vô địch thế giới ITF cả nam lẫn nữ. Nhưng trong top 100 ATP hiện tại, không có tay vợt nào của Hàn Quốc. Tay vợt có thành tích cao nhất là Chung Hyon, xếp hạng 114.

Nếu đỉnh cao là thước đo của một nền thể thao thì quần vợt châu Á tỏ ra lép vế hoàn toàn so với phần còn lại của thế giới. Kei Nishikori hay Li Na có thể là niềm tự hào của châu lục đông dân cư nhất thế giới nhằm khuyến khích các tay vợt trẻ noi gương họ. Nhưng trong top 100 VĐV nam hàng đầu, quần vợt châu Á chỉ có 3 cái tên là Kei (hạng 6), Yoshihito Nishioka (hạng 97) và Lu Yen (Đài Loan, hạng 70). Con số này giảm hơn 5 lần so với 16 VĐV nam châu Á lọt top 100 của ITF. Về phần nữ, nếu hiện tại có 19 VĐV châu Á trong top 100 ITF thì đến khi trưởng thành, chỉ có 9 VĐV châu Á thuộc top 100 WTA.

Ông Phong lý giải, một VĐV trẻ ở mọi nơi trên thế giới xuất phát điểm là như nhau, VĐV châu Á khi đó có thể vượt trội hơn ở lứa tuổi này nhưng đến khi cầm vợt chuyên nghiệp, mọi chuyện hoàn toàn khác. Cơ địa của người châu Âu là 1 phần nguyên nhân lý giải họ tích lũy thể lực tốt hơn. Các VĐV châu Á nhìn VĐV châu Âu cầm vợt bước ra sân đã bị tâm lý, chưa kể họ cao to, phát bóng mạnh.

“Không tiền đố mày làm nên”

Khắc nghiệt là thế và quần vợt có thể làm thui chột ý đồ đầu tư của nhiều người nhưng với VĐV đã theo đuổi nó, môn thể thao này có sức hút mãnh liệt. Không đơn thuần là đam mê mà theo dõi bảng tiền thưởng của các tay vợt top 100 ATP, số tiền thưởng của họ rất “khủng”. Như VĐV Lu Yen, số tiền tay vợt Đài Loan kiếm được từ ngày theo con đường chuyên nghiệp năm 2010 đã hơn 4 triệu USD. Nó đủ giúp tay vợt hạng 70 thế giới thuê HLV người Italia sát cánh bên mình và sống khỏe nhiều năm nữa. Hay Yoshihito Nishioka (hạng 97 ATP) năm nay 20 tuổi và chỉ 2 năm thi đấu chuyên nghiệp đã kiếm được khoảng 10 tỷ đồng tiền thưởng.

Song như đã nói môn thể thao này không phải “khoai bở”. Nhân giải đấu Vietnam F1 Futures-Becamex IDC Cup đang diễn ra ở Bình Dương, thu hút hàng trăm HLV, VĐV từ nhiều nơi trên thế giới về tham dự giải, phóng viên có dịp trao đổi với những HLV đến dự giải. Ông thầy người Thụy Điển, Peter Magnus cho biết, phần nhiều các VĐV đến với giải đều tự túc kinh phí.

Lý Hoàng Nam có điểm số đầu tiên ở Vietnam F1 Futures

Lý Hoàng Nam có điểm số đầu tiên ở Vietnam F1 Futures

Tay vợt hạng 874 thế giới nước chủ nhà đã tích lũy thêm 1 điểm số trong sự nghiệp của mình ở giải đấu trên sân nhà khai màn sáng 25/7. Bại tướng của Lý Hoàng Nam chính là người đồng đội Trịnh Linh Giang.


Có hai loại mục tiêu và qua đó phân loại các tay vợt tham dự giải, một là những người có thứ hạng và trình độ thì mong muốn giật chức vô địch và kiếm thêm điểm nhằm cải thiện thứ hạng và qua đó đủ điều kiện để đến với các giải Challenger đẳng cấp cao hơn. Một nhóm còn lại, những tay vợt trẻ vẫn đang coi việc đi tham dự giải là học phí và trông đợi sự cọ xát sẽ làm họ trưởng thành trong thời gian sớm nhất.

Thế nên, Mens Futures là giải đấu của sự tiết kiệm tới mức tằn tiện. Giải đấu đang diễn ra ở Bình Dương vắng khán giả nhưng thực ra lại tương đối hoành tráng vì nhiều giải trên thế giới ở cấp độ này còn không có trọng tài cho tới những vòng cuối và cũng không có cả nhặt bóng.

Việc tổ chức gần như liên tục 9 giải ở Bình Dương trên thực tế cũng là để tiết kiệm cho tất cả. Các VĐV sẽ tiết kiệm được chi phí ăn ở, đi lại thay vì phải di chuyển liên tục giữa các quốc gia để tìm giải.

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm