09/11/2008 09:48 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM 2005 - cuộc thi tai tiếng nhất trong “lịch sử” Tiếng hát Truyền hình (THTH), Hoàng Hải Đăng ra về với giải Ba do Ban giám khảo chấm và vinh quang ẵm giải khán giả bầu chọn trong Gala mang tên Ngôi sao Việt được Ban tổ chức “bày” ra cho giọng nam và giọng nữ đứng đầu thi thố với nhau. Sau cuộc thi, không thấy ngọn “hải đăng” sáng trên sân khấu ca nhạc. Rồi bất ngờ, tháng 10 vừa qua, lại thấy Hoàng Hải Đăng chững chạc với album Khúc mùa Thu. Bất ngờ là, không phải album ca sĩ tự bỏ tiền túi ra làm như lẽ thường hiện nay (kể cả các ngôi sao), album này lại do một nhà sản xuất và phát hành uy tín (Viết Tân) đầu tư và mời Đăng hát. Thế mới oách !
![]() |
![]() ![]() ![]() |
Cuộc thi kết thúc, Hải Đăng bước một chân vào showbiz với những đêm diễn khá thường xuyên và ra lần lượt 2 album riêng, nhưng khi cảm thấy oải do chân kia vẫn còn phải đến Tổng công ty PTSC làm việc như một công chức nhà nước mỗi sáng, Đăng đã làm một phép cân đong để chuyên tâm vào một việc. Và Hải Đăng lại vui với lựa chọn của mình : Dầu khí là cái nghề, ca hát là cái nghiệp. Những lý do mà Hải Đăng đưa ra nghe có vẻ khó chấp nhận với những người nghiêm túc theo đuổi sự nghiệp ca hát nhưng thật ra là tất yếu khả dĩ với chính bản thân : Thứ nhất, dòng nhạc mà Đăng chọn vốn ít khán giả, muốn biểu diễn nhiều cũng không có chương trình cho mà biểu diễn, bản thân lại ghét phục vụ ở các event (vì sợ cảnh hát cho người ta… ăn) dù cát-sê có cao đến mấy. Thứ hai, khi tham gia showbiz rồi, Hải Đăng thấy mình không thể bị cuốn vào những tiêu cực của giới này này, không muốn phải trả giá (theo nghĩa không hay của từ này) để được lao động nghệ thuật; những chuyện ngồi lê đôi mách ở hậu trường khiến Đăng thấy dị ứng. Thứ ba, Đăng không thích cứ phải “son son phấn phấn, quần quần áo áo vì vừa mất thời gian mà trông cứ như thằng ái”… Khi tôi hỏi: “Đâu nhất thiết cứ phải hát nhạc truyền thống, các ca sĩ trước đây theo phong cách này giờ cũng thay đổi liên tục đấy thôi?” anh chàng rất khảng khái thừa nhận rằng mình không có khả năng vũ đạo, dù có học vũ đạo nhưng khi lên sân khấu thấy mình nhảy cứ “đơ đơ”, vả lại, nếu hát nhạc trẻ thì đầu tóc cũng phải dựng đứng dựng ngược, highlight xanh đỏ, sáng ra không đi làm được(!). Hải Đăng cũng không né tránh nhận xét “Hải Đăng chưa hết mình với việc ca hát” mà thẳng thắn: “Em không có duyên làm ca sĩ. Vả lại em quan niệm làm nghệ thuật thì không thể gò bó, mình có thế nào thì cứ thế mà phát huy, đừng cố đua theo người khác, thay đổi theo những phong cách không hợp với mình để rồi trở nên phản cảm”.
Hải Đăng thực hiện album thứ ba, Khúc mùa Tthu, vào thời điểm vừa “làm dầu khí” vừa kinh doanh nhà hàng và đã hết lửa để đứng trên sân khấu biểu diễn. Thế nhưng đây lại là album mà Đăng thấy “được” nhất của mình. Sau khi album này xuất hiện, Hải Đăng đã nhận được vài lời mời biểu diễn nhưng đều từ chối. Hải Đăng nói nhiều về ca khúc Có một dòng sông đã qua đời (Trịnh Công Sơn) mà Đăng trình bày trong album này một cách tâm đắc : “Em thích nhạc Trịnh nhưng hát nhạc Trịnh không hay, nếu cứ hát theo phong cách xưa nay người ta vẫn hát Trịnh thì em thua. Vì thế, em muốn hát bài này theo một phong cách mới, theo cảm xúc riêng của mình, bản phối của Thanh Tâm và cách hát của em đem đến cho bài hát vốn buồn từ cái tựa buồn đi này một tinh thần lạc quan.”
Sinh ra ở Nam Định, lớn lên ở Hà Nội, lập nghiệp tại TP.HCM, và Hải Đăng thấy mình đang ở đúng nơi dành cho mình: vùng đất phương Nam sôi động với những con người “sống thoáng, không săm soi”. Miệt mài làm công việc của một “anh dầu khí” cả tuần, thứ Bảy tự thưởng giấc ngủ dài tùy ý, chiều dậy xách laptop ra quán cà phê chơi game Võ Lâm Truyền Kỳ, dường như với Hải Đăng, mọi thứ đều rất tự tại. Yêu ca hát nhưng không muốn làm ca sĩ, quen nhiều người nhưng toàn người không phải nghệ sĩ, có nhiều bạn nhưng chỉ thân với duy nhất một người, yêu người yêu hết mình nhưng khi chơi Võ Lâm căng thẳng thì cũng xin nàng tránh ra cho… Hải Đăng cứ ngang ngang như thế để ai quý thì chơi, đọng lại được trong ai thì đọng và những gì là cơ duyên thì chắc chắn sẽ đến. Lúc ra về, Hoàng Hải Đăng tặng lại tôi CD Khúc mùa Thu cùng một câu nói: “Chị cứ nghe đi, nếu chị đã từng sống ở Hà Nội thì chị sẽ thích nó”.
Vi Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất