Hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông: Sẽ về đúng chỗ phát hiện trước kia!

22/01/2010 10:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chiều qua (21/1), tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức họp báo thông báo việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông vào ngày 25/1 tới tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang -  huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa với nghi lễ truyền thống kết hợp với nghi thức hiện hành, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trần Chiến Thắng - Trưởng BTC cho biết:

- Từ tháng 10/2009, Bộ VH,TT&DL đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan liên quan và Hội đồng họ Lê VN tổ chức hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông. Như đã nói, đây không phải là lễ an táng. Việc đưa cụ trở lại không phải là mai táng lần đầu, mà là hoàn táng. Nếu là lễ an táng cụ mới mất, sẽ phải tổ chức một nghi lễ khác.














Thứ trưởng Trần Chiến Thắng
tại cuộc họp báo

Hơn nữa, đây là một nhân vật lịch sử đã mất rất lâu rồi. Chúng ta cũng không thể xử lý (tức thực hiện các nghi thức lễ tang - PV) như một người đương nhiệm theo các quy định hiện nay. Và các quy định hiện nay cũng không thể phù hợp với một triều đại phong kiến. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức theo nghi thức truyền thống, có thể vận dụng một số nghi thức của lễ tang hiện hành.

Tại Bảo tàng Lịch sử VN lúc 1h sáng ngày 25/1 tới, sẽ bố trí khâm liệm cụ, làm lễ nhập quan với sự chứng kiến của Trung ương Giáo hội Phật giáo VN. Sau đó sẽ di chuyển áo quan cùng thi hài cụ về Thanh Hóa. Tại làng Bái Trạch, nơi tình cờ phát hiện ra cụ trước kia, sẽ hoàn táng trả lại chỗ cũ, làm những lễ nghi theo truyền thống như: tế, cúng... do Hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng họ Lê VN chủ trì. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ có bài văn tế, chúng tôi sẽ có cáo thị (chứ không phải điếu văn - vì ngày xưa đã làm rồi).

* Tại sao lại lễ nhập quan vào lúc 1h sáng, thưa ông?

- Thực ra theo truyền thống khi làm cải táng phải làm vào buổi tối. Nhưng dù sao cụ cũng được khai quật lên và khi nghiên cứu khoa học, cụ cũng ra ánh sáng rồi, nhưng nếu làm sớm hơn thì sẽ thành 2 ngày, cho nên chúng tôi quyết định làm trong ngày, sớm nhất là 1h sáng, vì chúng ta còn phải di chuyển về Thanh Hóa. Lễ chính sẽ làm ở Thanh Hóa, cùng với đội nghi lễ của Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, vận dụng những nghi thức tang lễ hiện hành.

* Vừa qua cũng có nhiều ý kiến tranh luận về việc sẽ hoàn táng cụ vào đúng vị trí cũ - nơi phát hiện thi hài cụ hơn 40 năm trước, hay sẽ chọn một địa điểm khác? Cuối cùng chúng ta đã chọn hoàn táng vào đúng vị trí cũ là vì sao?

- Hoàn táng tức là trả lại chỗ cũ. Sau một thời gian trao đi đổi lại với rất nhiều ý kiến, cuối cùng 80 hộ dân làng Bái Trạch, Hội đồng họ Lê VN, UBND tỉnh Thanh Hóa... đã thống nhất táng lại đúng vị trí cũ, tại chính nơi ngày xưa chúng ta đã tìm thấy cụ. Vì ngày xưa khi an táng, các cụ đã xem đất, xem cát, xem hướng rồi, bây giờ ai dám nói mình sẽ chọn đất tốt hơn các cụ ngày xưa. Các nhà khoa học, cũng chưa ai dám khẳng định mình sẽ chọn được chỗ khác tốt hơn. Nguyện vọng của nhân dân làng Bái Trạch cũng muốn trước cụ ở đó, giờ sẽ về đó và dân làng nguyện sẽ chăm sóc ngôi mộ của cụ. Khi UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định sẽ hoàn táng cụ về đó thì dân làng rất vui mừng!

* Công tác xây dựng lăng mộ, huyệt mộ tại đó đến thời điểm này đến đâu rồi? Mộ được khai quật là mộ hợp chất, khi hoàn táng lại, có khôi phục lại lăng mộ theo kiểu cũ như thế không?

- Quách an táng cụ bằng hợp chất và khi phát lộ cụ đến nay quách vẫn nằm ở đó. Vừa rồi Hội đồng họ Lê VN cùng với chính quyền địa phương đã khai quật lên, để kiểm tra, sửa sang theo đúng công thức quách hợp chất. Các hoa văn trong quách vẫn còn nguyên vẹn và nắp cũng đã hoàn thành.

* Đây là việc hoàn táng, nhưng trong lịch sử cụ là một vị vua, áo quan của cụ khi hoàn táng có gì khác với quan tài thông thường không?

Mộ vua Lê Dụ Tông (1679- 1731) được phát hiện ngẫu nhiên vào tháng 2/1958 tại làng Bái Trạch (Xuân Giang - Thọ Xuân - Thanh Hóa), sau đó được khai quật và đưa về Bảo tàng Lịch sử VN.

- Về quan tài, ngày xưa khi khai quật lên đã bị nứt. Sau một thời gian, gỗ và đồ vải đã bị xâm thực bởi không khí, cho nên phải làm lại một quan tài mới. Hội đồng họ Lê VN đã cất công đi tìm khắp trong các khu rừng và đã tìm được một cây gỗ Ngọc Am chất liệu rất tốt, tách ra thành các phiến không có tì vết. Quan tài được thi công theo đúng kích thước và mẫu và chất liệu đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử VN dày 10 phân, nặng 700kg.

* BTC xử lý như thế vào với những vật dụng đi theo cụ trước đây, và khi hoàn táng, sẽ có những vật dụng gì đi theo cụ? Trước đây cụ có mặc 32 lớp áo và được biết Bảo tàng Lịch sử VN sẽ giữ lại 32 lớp áo đó và mẫu mã làm mới có đúng như 32 cái áo kia không?

- Đồ liệm của cụ tới nay đã bị mủn, và đang được lưu giữ như cổ vật, giờ không ai dám “động” vào, sợ sẽ tan thành “bụi” mất. Hoa văn trên khăn che mặt cũng như các lớp áo đã được Bảo tàng Lịch sử VN lưu giữ tư liệu hóa và tất cả việc này được bàn giao cho Hội đồng họ Lê VN may theo đúng mẫu cũ. Với điều kiện của chúng ta hiện nay, không thể làm như nhà vua ngày xưa được, nhưng đảm bảo chất liệu tốt nhất, đúng màu sắc, hoa văn các cụ ngày xưa thiết kế.

Còn các vật tùy táng sẽ được lưu giữ lại cùng với các tư liệu để giới thiệu về một thành tựu của khoa học ướp xác thời xưa.

Đến nay, đường vào khu mộ đã làm xong. Để đảm bảo chỗ thực hiện Lễ cũng như thực hiện các công tác quy hoạch sau này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã di dời 9 hộ để làm lễ hoàn táng và sau này sẽ quy hoạch thành khu lăng mộ của nhà vua với diện tích trên 5.000m2!

Hoài Thương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm