Nghe có ý thức

09/10/2012 10:03 GMT+7 | Âm nhạc


Giản dị nhưng đầy đủ ý nghĩa cảnh tỉnh, hình ảnh chiếc áo phông in dòng chữ Nghe có ý thức được nhạc sĩ Quốc Trung mặc và đề nghị mọi người hưởng ứng đang tạo nên một làn sóng "share" (chia sẻ) khá xôm tụ trên Facebook.



Nhạc sĩ Quốc Trung mặc chiếc áo “Nghe có ý thức” trao giải cho tác giả Việt Thắng tối 7-10 tại TP.HCM - Ảnh: Gia Tiến

Sức mạnh lan tỏa của "đất nước đông dân thứ ba trên thế giới" - Facebook - chính là lý do để vị nhạc sĩ "chọn mặt gửi vàng" thực hiện chiến dịch chóng vánh này.

Ngày 4-10, khi những thông tin về chuyện tác quyền giữa Coca, Samsung và trang nhạc Zing vẫn còn nóng hổi thì tối 5-10, Quốc Trung, Huy Tuấn và một số bạn bè đã nảy ra ý tưởng: nhân câu chuyện thời sự này cần làm một cái gì đó vui vui, nhưng đủ sâu sắc để những ai có mối quan tâm đến âm nhạc trong nước, đặc biệt là những người trẻ, có thể thoải mái chia sẻ lẫn "nhắc nhở" nhau.

Những chiếc áo trắng với dòng chữ đen được thiết kế hoàn toàn tối giản: một chiếc headphone (tai nghe) cách điệu - một trong những phụ kiện thân thuộc với đa số người nghe trẻ, người nghe nhạc online - kèm dòng chữ Nghe có ý thức nhận được khá nhiều quan tâm của cộng đồng mạng.

Trang Facebook cá nhân của nhạc sĩ Quốc Trung đã có hàng trăm lượt "like" và được hàng chục fanpage (người hâm mộ) chia sẻ lại trên các trang cá nhân của mình. "Nghe có ý thức? Có lẽ đây là một động thái tích cực. Ủng hộ!", Tran Toan chia sẻ lại trên trang Facebook của mình. "Ít khi thấy anh Trung cười tươi như thế. Chỉ mỗi việc nghe có ý thức đã khiến bác nhạc sĩ khó chịu tươi vậy sao?".

Liên lạc với nhạc sĩ Quốc Trung, anh cho biết thêm: "Một trong những thông điệp mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta - những người nghe nhạc văn minh - hãy thay đổi cách thưởng thức của mình. Hầu hết chúng ta đều hành động cảm tính và duy ý chí, đòi hỏi những đam mê phi lợi nhuận mà không hiểu rằng: lao động nghệ thuật cũng cần phải có quyền lợi nhất định, nghệ thuật không phải là những thứ rẻ rúng và chỉ làm được bằng đam mê. Chúng ta cứ hỏi vì sao ngày càng có nhiều thảm họa, không có một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp và công bằng, là vì chúng ta vẫn chưa quen việc nghe nhạc một cách có ý thức. Tôi chắc chắn khán giả luôn muốn được hưởng thụ những sản phẩm có chất lượng, và những mưu cầu như nghe nhạc - trả tiền, nghe nhạc - trả tác quyền chẳng có gì đáng lên án. Chỉ có đam mê giả dối khoác áo khát khao mới đáng để lên án thôi".

Việc "nghe có ý thức" thực chất là một câu chuyện cũ đã được trở đi trở lại nhiều lần trên các bàn hội thảo, tọa đàm. Bản thân nhạc sĩ Quốc Trung và những cộng sự của mình từng có "một cuộc chia sẻ thẳng thắn và nghiêm túc" với đại diện trung tâm tác quyền nhưng tất cả đều không đạt được thỏa thuận. Chuyện tác quyền và sử dụng tác quyền phi pháp trên các trang online vẫn là chuyện "thường ngày ở huyện" và là vấn đề bức xúc của không ít nhà sản xuất âm nhạc trong và ngoài nước.

Ngay trong những ngày cuối tuần qua, những chiếc áo "nhắc nhở" này cũng có mặt trong chương trình Bài hát Việt và Bài hát yêu thích. "Số lượng áo in gấp quá và in có hạn, chất lượng cũng không tốt. Nhưng tôi mong áo chỉ là một phần để đánh động đến ý thức thật sự của các bạn" - nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Khoan bàn đến chuyện xa xôi, hãy đứng dưới góc độ của một người nghe bình thường, bạn có bao giờ tự hỏi: Ngày hôm nay bạn nghe nhạc, nhưng đã "nghe có ý thức"?

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm