03/03/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Đến Hà Nội, du khách không thể không đi tìm những vết tích xưa của một thành phố đã có một nghìn năm tuổi. Nhưng quả thật đâu có còn gì nhiều. Dấu tích của cái thời thành phố còn mang tên Thăng Long rồi Đông Đô từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 hầu như đều bị vùi dưới lòng đất…
Những hình ảnh chụp từ cuối thế kỷ 19 và những bưu ảnh ra đời đầu thế kỷ 20 sẽ giúp cho ta hình dung một Hà Nội xưa, mang dáng dấp của một đô thị cổ phương Đông, nhưng đã nhanh chóng du nhập những kiến trúc phương Tây, để trở nên một thành phố mang nhiều màu sắc khi vừa kỷ niệm 1.000 năm tuổi: Phố Hàng Đào
Đến cuộc khai quật khảo cổ học năm 2003, người ta mới bắt đầu hình dung được phần nào cái gọi là Hoàng thành Thăng Long, mà sách xưa của Việt Nam đã từng mô tả, và cũng được nói đến trong các sách du ký của các giáo sĩ và thương nhân phương Tây khi đến đây trong thế kỷ 17-18. Ngay đối với người Hà Nội xưa, ký ức về kinh thành Thăng Long cũng chỉ là những hoài niệm chua xót. Bà huyện Thanh Quan (đầu thế kỷ 19) đã hoài niệm rất xác thực: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…”.
Còn những kiến trúc được gọi là “cổ” ở Hà Nội sau này cũng chỉ có tuổi đời chừng hơn 200 năm, nghĩa là được xây dựng trong thế kỷ 19. Ấy vậy mà những kiến trúc đó cũng bị biến dạng đi nhiều kể từ lúc thành phố bị người Pháp đánh chiếm năm 1883. Thành Hà Nội xây năm 1805 đến năm 1894 đã bị san phẳng cùng với những kiến trúc bên trong thành, chỉ còn lưu lại một cái cổng phía Bắc và cột cờ ở phía Tây - Nam. Nơi được gọi là “khu phố cổ” của Hà Nội, vốn trước kia là những dãy nhà tranh vách đất, cũng đã được xây dựng lại bằng gạch vào những năm cuối thế kỷ 19, tuy vẫn giữ lối kiến trúc truyền thống của nhà đô thị Việt, nghĩa là những ngôi nhà có mặt tiền hẹp, gồm nhiều ngôi nhà nhỏ nối tiếp nhau theo chiều sâu, mỗi ngôi cách nhau một cái sân hẹp, được gọi là nhà “hình ống”. Hai phần ba số nhà hiện nay trong khu phố buôn bán cổ của thành phố đã được xây lại trong khoảng từ năm 1900 đến 1945.
Muốn tìm lại những kiến trúc có từ trước khi người Pháp đặt chân đến, có lẽ phải đến những đền miếu hay những ngôi đình nằm sâu trong các khu dân cư. Đấy là nơi bảo lưu những tín ngưỡng cổ của người Việt, được dựng lên cùng với những cư dân đầu tiên từ vùng quê ra lập nghiệp ở thành thị. Mặc dầu một số chùa Phật giáo lớn của thành phố đã bị người Pháp san phẳng, nhưng may mắn thay, các kiến trúc tôn giáo này vẫn còn lại khá nhiều ở Hà Nội, giúp cho ta hiểu phần nào đời sống tâm linh của thị dân xưa.
Có thể tìm thấy dấu tích ngôi đình thờ ông tổ của nghề thêu ở thành phố tại ngôi nhà số 2A ngõ Yên Thái, một con đường nhỏ nối Hàng Mành ra chợ Hàng Da. Trên cổng đình còn ghi ba chữ “tú đình thị” (chợ đình thợ thêu), cho biết đây vốn là chợ hàng thêu, xưa kia rất đông vui. Một ngôi đền không kém phần thú vị nằm trên phố Hàng Trống, vốn thờ thần Bạch Mi (lông mày trắng), là người bảo hộ cho các cô gái làng chơi, chứng tỏ Hà Nội xưa không xa lạ gì với thú yên hoa (lupanar).
Một trong những ngôi đền thờ vị thần trấn phía Bắc của kinh thành xưa là đền Quán Thánh, nằm cạnh Hồ Tây, được người Pháp gọi là Pagode du Grand Bouddha, vì họ thấy trong đền có một pho tượng lớn đúc bằng đồng. Thực ra đấy là vị thần Màu Đen - màu của phương Bắc trong vũ trụ quan người Việt - canh gác phía Bắc kinh thành, được coi là một trong “Thăng Long tứ trấn” (bốn ngôi đền thờ bốn vị thần trấn bốn phương của kinh thành). Về phía Đông, ta có thể đến đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm, thờ Ngựa Trắng, biểu tượng của phương Đông, có liên quan đến các truyền thuyết xây dựng thành Thăng Long đầu thế kỷ 11. Mỗi ngôi đền, mỗi ngôi chùa, không chỉ phản ánh những nét kiến trúc truyền thống với mái ngói cong và hàng cột chạm trổ, mà còn là nơi ghi dấu ấn của sự thăng trầm diễn ra trên đất Thăng Long - Hà Nội qua bao thế kỷ…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất